Giải pháp nào cho bài toán xử lý rác ở miền Trung?

14/12/2023 - 06:19

PNO - Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã trao đổi với phó giáo sư, tiến sĩ Trần Anh Tuấn - Trưởng bộ môn quản lý tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu, Trường đại học Khoa học Huế (thuộc Đại học Huế) - về vấn đề xử lý rác thải ở miền Trung.

Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã trao đổi với phó giáo sư, tiến sĩ Trần Anh Tuấn - Trưởng bộ môn quản lý tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu, Trường đại học Khoa học Huế (thuộc Đại học Huế) - về vấn đề xử lý rác thải ở miền Trung.

Phóng viên: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến việc xử lý rác thải ở nhiều tỉnh miền Trung chưa hiệu quả?

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Anh Tuấn: Có thể kể một số nguyên nhân chính như sự gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa nhanh khiến lượng rác tăng nhanh, tăng mạnh; thiếu hạ tầng xử lý rác phù hợp và hiện đại; hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa được đầu tư và cải thiện đồng bộ; kinh phí dành riêng cho công tác quản lý rác sinh hoạt vẫn còn hạn chế; ý thức về bảo vệ môi trường của người dân chưa cao.

* Theo ông, nên phân loại rác tại nguồn, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt như thế nào?

- Việc triển khai các chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn hiện đang thiếu đồng bộ giữa khâu phân loại và thu gom, vận chuyển sau phân loại. Điều này là do thiếu tham vấn ý kiến của các chuyên gia, thiếu đầu tư nghiên cứu, khảo sát về khả năng đáp ứng của các công ty môi trường đô thị liên quan. 

Muốn phân loại rác tại nguồn hiệu quả, các công ty môi trường đô thị phải đầu tư thêm nhân lực, trang thiết bị thu gom và vận chuyển, kho bãi lưu chứa rác sau phân loại. Nếu không nhận được sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách địa phương thì các công ty không thể kham nổi trọng trách được giao. Do đó, chính quyền địa phương cần giảm áp lực cho công ty môi trường đô thị bằng cách yêu cầu người dân phân loại và xử lý rác tại chỗ.

Cụ thể, loại rác có thể tái chế thì cho hoặc bán cho những người thu mua phế liệu hoặc những người thu gom rác; rác thực phẩm thì làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, làm phân hữu cơ vi sinh bón cho cây hoặc chôn lấp trong vườn để cải tạo đất. Công ty môi trường kiên quyết không thu gom rác thực phẩm.

* Theo ông, cần làm gì để xử lý rác thải triệt để?

- Trước mắt, các địa phương cần ưu tiên triển khai thực hiện việc phân loại rác tại nguồn hợp lý, nhanh chóng triển khai xây dựng phương án giá bao bì thay cho giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt hiện nay. Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, kể từ ngày 1/1/2025, hộ gia đình hoặc cá nhân không phân loại rác sinh hoạt tại nguồn và không sử dụng bao bì chứa rác sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Chính quyền các địa phương cần thực hiện nghiêm quy định này, kế đến là tăng cường hỗ trợ nguồn lực cho các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt sau phân loại - bao gồm nhân lực, trang thiết bị và kinh phí - bởi các đơn vị trên “thu không đủ bù chi”. Còn về công nghệ xử lý, cần nhanh chóng đầu tư xây nhà máy điện rác và nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh để xử lý đúng loại rác, vừa tốt cho môi trường, vừa biến rác thành tài nguyên.

* Xin cảm ơn ông. 

Thuận Hóa (thực hiện)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Luong Tri 14-12-2023 08:59:41

    Theo tôi hiểu, ý của PGS. TS. Trần Anh Tuấn là đối với nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh, tuyệt đối không nên sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào là rác thực phẩm được thu gom từ hộ gia đình bởi do hoàn toàn không phù hợp để sản xuất ra phân có chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường. Thay vào đó, các phụ/phế phẩm nông nghiệp mới chính là nguồn nguyên liệu đầu vào thích hợp để đảm bảo chất lượng đầu ra của phân hữu cơ vi sinh.

  • Nguyen Phuong 14-12-2023 08:57:40

    Quy định của địa phương về rác tái chế cần phải dựa trên thực tế các loại phế liệu đang được thu mua bới các thành phần phi chính thức (các nhóm đối tượng mua bán phế liệu) ở địa phương, nghĩa là họ mua bán những loại phế liệu nào thì chính quyền sẽ yêu cầu phân loại rác tái chế theo đúng như vậy. Nhiều địa phương hiện đang yêu cầu người dân phân loại vỏ hộp sữa, các loại cao su,… vào nhóm rác tái chế nhưng do những loại rác tái chế này không được thu mua để tái chế ở nhiều địa phương nên cuối cùng lại vứt bỏ vào nhóm rác còn lại.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI