Giải pháp nào chấm dứt việc dạy thêm, học thêm tràn lan?

26/04/2023 - 05:52

PNO - Hơn 10 năm trước, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 17/2012 về dạy thêm và học thêm, trong đó yêu cầu không dạy thêm với học sinh đã học 2 buổi/ngày ở trường. Căn cứ thông tư trên, UBND các tỉnh, thành phố còn ban hành quy định riêng nhằm chấn chỉnh, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn, làm khổ học sinh và phụ huynh.

Học 2 buổi/ngày, vẫn  phải học thêm

Chị Trần Minh Thương (TP Hà Nội) có con đang học lớp Tám diện bán trú (học 2 buổi/ngày) ở trường nhưng khi tan học, vẫn phải tham gia lớp học thêm ở một trung tâm gần trường. “Trung tâm dạy thêm, luyện thi này cách trường khoảng 700m. Con tôi phải học thêm là do cô giáo phụ trách bộ môn toán của con ở trường cũng là giáo viên của trung tâm này và hầu hết học sinh trong lớp đều học thêm. Con tôi học cũng khá, gia đình cũng không khá giả gì nên chúng tôi không muốn con mình học thêm” - chị Thương kể.

Dù học 2 buổi/ngày trong trường nhưng nhiều học sinh vẫn phải học thêm (trong ảnh: Một lớp dạy thêm ở TP Hà Nội thu hút rất đông học sinh) - ẢNH: ĐẠI MINH
Dù học 2 buổi/ngày trong trường nhưng nhiều học sinh vẫn phải học thêm (trong ảnh: Một lớp dạy thêm ở TP Hà Nội thu hút rất đông học sinh) - Ảnh: Đại Minh

Chị Thương cho biết, khi không học thêm, con gặp nhiều bất lợi khi học toán ở trường: cô giáo dạy qua loa, có buổi gọi con chị lên bảng 2 lần và bắt bẻ vô lý. Con chị trở nên ghét toán dù trước đó rất yêu thích môn học này. Những học sinh khác không học thêm cũng chịu cảnh tương tự. Con chị kể, có những bài khó, cô không hướng dẫn ở lớp chính quy mà để dành vào lớp dạy thêm nên bạn nào không học thêm coi như không biết cách giải bài đó. 

Thương con, chị Thương đành đăng ký cho con đi học thêm ở trung tâm, mỗi tháng học thêm 8 buổi, học phí 150.000 đồng/buổi nên vợ chồng chị phải tốn thêm 1,2 triệu đồng. 

Trả lời các đại biểu Quốc hội về tình trạng dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn từng thừa nhận, nếu dạy thêm ngoài giờ, ngoài nhà trường xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh thì không thể cấm, còn nếu giáo viên cố tình bớt xén nội dung chính thức để ép học sinh học thêm mới cần nghiêm khắc loại bỏ.

Tới đây, Bộ GD-ĐT tiếp tục tham mưu để Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Năm 2020 và 2021, bộ này đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng không được chấp thuận.

Việc đưa dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể hạn chế tiêu cực trong hoạt động này, tránh ảnh hưởng xấu đến học sinh. Thế nhưng, nếu không có cơ chế quản lý và giám sát, dạy thêm vẫn sẽ là vấn nạn gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Phải đủ đam mê, mới làm giáo viên 

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội) - ủng hộ việc xem dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện: “Có những học sinh bị bỏ lại phía sau hoặc có những học sinh tài năng cần được phát triển nhanh hơn mà chương trình chung của nhà trường chưa đáp ứng được thì các em thực sự có nhu cầu học thêm. Tất nhiên, chương trình đào tạo luôn có chuẩn đầu ra, nếu việc dạy học đáp ứng được tiêu chuẩn thì thầy cô không được dạy thêm”.

Dù tan trường vào buổi chiều, nhưng nhiều học sinh vẫn phải đến lớp học thêm đến tối muộn (trong ảnh: Các học sinh rời lớp học thêm tại quận Bình Thạnh, TPHCM) - ẢNH: Q.MINH
Dù tan trường vào buổi chiều, nhưng nhiều học sinh vẫn phải đến lớp học thêm đến tối muộn (trong ảnh: Các học sinh rời lớp học thêm tại quận Bình Thạnh, TPHCM) - Ảnh: Q.Minh

Cũng theo ông Trần Thành Nam, với những chương trình nâng cao, cũng cần kiểm tra xem chương trình có đảm bảo chất lượng, người dạy thêm có đạt chuẩn hay không. Ở khía cạnh này, nếu không cho giáo viên trong các trường có chuyên môn cao đã được kiểm chứng dạy thêm thì học sinh có xu hướng tìm những thầy cô trên TikTok với những mẹo giải toán chứ không phát triển tư duy.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông, TP Hà Nội - cho rằng, Thông tư 17/2012 của Bộ GD-ĐT quy định không cấp phép cho trung tâm bồi dưỡng văn hóa nên phòng GD-ĐT không thể kiểm tra các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, dạy thêm. Nhưng Thông tư 17/2012 vẫn duy trì quy định “nếu giáo viên dạy thêm ở trung tâm thì phải được thủ trưởng đơn vị cho phép”, tức là phải hoàn thành nhiệm vụ trong trường, không được dạy học sinh của mình và phải có đơn xin dạy thêm. 

“Hiện nay, nếu nói giáo viên chèo kéo học sinh ra ngoài để dạy thêm thì không có chứng cứ. Cơ quan quản lý cũng khó xử lý mà chỉ căn cứ vào việc giáo viên dạy thêm có được hiệu trưởng cho phép hay không và học sinh, phụ huynh có tự nguyện hay không. Chúng tôi đang vướng vấn đề này và đã đề nghị Bộ GD-ĐT sớm hướng dẫn nhưng không biết chờ đến bao giờ” - bà Thu Hương nói.

Cũng theo bà, khi đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần kiểm và đối chiếu danh sách học sinh ở trung tâm với danh sách học sinh của giáo viên ở trường.

Tuy nhiên, theo hiệu trưởng một trường THPT ở TP Hà Nội, chưa nên đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Có thể cấp phép mở trung tâm dạy ngoại ngữ, dạy nghề, dạy năng khiếu cho học sinh nhưng nên cấm tuyệt đối việc dạy kèm các môn trong chương trình đang được dạy trong trường bởi học sinh phải học 1 chương trình tới 2 lần song song nhau, làm mất ý nghĩa của việc học ở trường và học sinh sẽ thấy việc tìm tòi kiến thức không còn hấp dẫn.

Hơn nữa, việc xem dạy thêm là hoạt động kinh doanh sẽ dẫn đến tình trạng vì lợi nhuận mà nảy sinh những chiêu trò chèo kéo, o ép học sinh. Chưa kể, việc đưa dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ buộc các trung tâm phải đảm bảo các tiêu chí mới được hoạt động, gồm đảm bảo an toàn cho học sinh, số tiết, số giờ, trình độ giáo viên. Khi điều kiện cấp phép kinh doanh khó khăn, sẽ xảy ra tình trạng dạy chui. 

Vị hiệu trưởng này nói: “Cái cần bây giờ là nghiên cứu chế độ tiền lương cho giáo viên hợp lý để giáo viên tập trung làm chuyên môn. Chúng ta đừng so sánh giáo dục với những ngành nghề khác như bác sĩ, kiến trúc sư. Giáo dục là hoạt động đặc thù, là sự nghiệp trồng người, nếu ai không đủ tình yêu và đam mê thì xin đừng làm giáo viên”. 

Phụ huynh cùng giám sát việc dạy thêm

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam, để ngăn chặn, hạn chế tình trạng giáo viên chèo kéo, ép học sinh ra trung tâm học thêm, cần phải làm chặt ngay từ khâu tuyển chọn cũng như bồi dưỡng giáo viên. Nếu việc chèo kéo này mang tính chất phổ biến thì rõ ràng chúng ta đang thất bại trong việc đào tạo giáo viên và cần xem lại chương trình đào tạo giáo viên ở các trường đại học. Nếu cần thiết, phải đưa mục đạo đức nhà giáo vào dạy.

Thanh tra giáo dục không chỉ thanh tra sự vụ mà cần thanh tra cả việc dạy thêm, học thêm. Phòng GD-ĐT cũng cần có trách nhiệm quản lý chặt chẽ việc này. Nhà trường cũng mở nhiều kênh để thu thập ý kiến của phụ huynh về công tác dạy học. Phụ huynh học sinh cũng cần thay đổi tư duy, phải xác định rõ rằng con em mình không thể giỏi mọi thứ. Con rất giỏi ở 1-2 lĩnh vực thì định hướng nghề nghiệp và đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh đó chứ không phải ép học giỏi đều mọi thứ. Phụ huynh phải cùng đấu tranh, cùng giám sát việc dạy thêm, học thêm chứ thầy cô nói gì cũng đồng ý thì con em mình sẽ khổ.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI