Giải pháp cho bệnh nhân Parkinson giai đoạn nặng

14/04/2024 - 07:18

PNO - Phương pháp mới điều trị bệnh bệnh Parkinson bằng cách đặt điện cực kích thích não sâu đã thu được kết quả vô cùng ngoạn mục.

Bệnh nhân Parkinson gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh khó kiểm soát bằng việc uống thuốc. Các triệu chứng bệnh ngày càng nặng làm bệnh nhân suy sụp cả về tinh thần lẫn thể chất. Hưởng ứng ngày Parkinson thế giới (11/4), Bệnh viện Đại học y dược TPHCM đã cập nhật về những tiến bộ và hiệu quả trong quá trình điều trị bệnh Parkinson, từ đó mở ra hy vọng cho những ai mắc phải bệnh lý này.

Cải thiện 80% triệu chứng

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Tài - Phó trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - chia sẻ về những ca bệnh Parkinson điều trị bằng thuốc nhiều năm nhưng không đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, sau khi bệnh nhân được can thiệp bằng phương pháp đặt điện cực kích thích não sâu thì đã thu được kết quả vô cùng ngoạn mục.

Bác sĩ Trần Ngọc Tài đang khám và tư vấn về các phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân Parkinson tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - Ảnh: Đỗ Trí
Bác sĩ Trần Ngọc Tài đang khám và tư vấn về các phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân Parkinson tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - Ảnh: Đỗ Trí

Điển hình là bệnh nhân nữ B.T.H. (61 tuổi, ngụ quận 5, TPHCM). Bà H. được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson từ 11 năm nay. Giai đoạn khởi đầu, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn vận động bên trái cơ thể, sau đó ngày càng nặng lên. 2 năm trở lại đây, hiệu quả kiểm soát bệnh khi uống thuốc ngày càng ngắn dần khiến bà H. và gia đình vô cùng lo lắng.

Bệnh nhân kể rằng sau khi uống thuốc, cơ thể lắc nhiều và mỗi cữ thuốc chỉ hiệu quả trong 2 giờ. Xét thấy điều trị bằng thuốc không đem lại hiệu quả đối với tình trạng bệnh của bà H., bác sĩ đã tư vấn về phương pháp đặt điện cực kích thích não sâu. Bệnh nhân cùng gia đình đồng ý tiến hành phương pháp này. Đến nay, sau 1 năm phẫu thuật, triệu chứng bệnh Parkinson của bà H. cải thiện tốt 80%, người bệnh hiện không có hiện tượng loạn động và chỉ dùng liều thuốc rất thấp so với trước khi can thiệp.

Trường hợp khác là nữ bệnh nhân L.K.O. (59 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM). Bà O. được chẩn đoán mắc Parkinson từ 10 năm nay. Khi mới mắc bệnh, bà O. bị run chân bên phải, tình trạng ngày càng nặng dần. Đầu năm 2023, bệnh nhân cảm thấy hiệu quả thuốc không còn như trước.

Cụ thể, bà O. phải dùng thuốc nhưng mỗi cữ thuốc chỉ hiệu quả trong khoảng 2,5 giờ. Nghiêm trọng hơn, người bệnh còn có biểu hiện loạn động khi uống thuốc và phát sinh ảo giác. Xét thấy điều trị bằng thuốc men truyền thống không thể kiểm soát được bệnh, bác sĩ đã tư vấn cho bệnh nhân và người nhà về phương pháp đặt điện cực kích thích não sâu.

Bệnh nhân đồng ý can thiệp bằng phương pháp này. Sau phẫu thuật 1 tháng, các triệu chứng của Parkinson cải thiệt tốt, người bệnh không có hiện tượng loạn động, không ảo giác. Bệnh nhân chỉ cần duy trì 50% liều thuốc so với trước đây.

Bà N.T.M. (63 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) chia sẻ về những vất vả, xáo trộn của gia đình mình kể từ khi chồng bà mắc bệnh Parkinson. Ông P.V.T. - chồng bà M. - về hưu được 2 năm thì khởi phát bệnh Parkinson. Tay và chân của ông bị rung lắc nặng tới mức gặp khó khăn trong sinh hoạt và vận động. Mỗi lần cáu giận hay thay đổi cảm xúc, người ông lại run bần bật không thể kiểm soát.

Suốt mấy năm qua, bà M. đưa chồng đi khám ở nhiều nơi, ông T. kiên trì uống thuốc nhưng tình trạng không cải thiện nhiều. Căn bệnh khiến ông T. càng ngại vận động, đi đứng, sợ tiếp xúc và tự ti. Điều đó làm bệnh tình ông càng thêm trầm trọng. Vợ chồng ông chỉ có một cô con gái duy nhất đã lập gia đình nên không thể túc trực thường xuyên chăm sóc cha. Hằng đêm, bà M. gần như không ngủ được vì phải dậy đưa chồng đi vệ sinh vài lần. Tinh thần và thể trạng của vợ chồng bà trở nên suy kiệt.

Khi nghe hàng xóm nói có phương pháp đặt điện cực kích thích não sâu điều trị bệnh Parkinson hiệu quả, ông bà vô cùng hy vọng. Bà M. đã đưa chồng đi khám, can thiệp điều trị bệnh Parkinson cho ông T. bằng cách đặt điện cực. Sau 1 tháng, tình trạng của chồng bà cải thiện rõ rệt, các triệu chứng thuyên giảm hẳn và ông T. chỉ cần duy trì liều lượng thuốc rất thấp, tránh được các tác dụng phụ.

Ai phù hợp với phương pháp này?

Parkinson là một bệnh lý thần kinh liên quan yếu tố tuổi tác, biểu hiện bởi sự rối loạn của hệ thần kinh trung ương làm cho tế bào trong não bị thoái hóa và thiếu hụt dopamine. Bệnh gây ra các rối loạn vận động, khiến người bệnh gặp khó khăn trong cử động, giữ thăng bằng và kiểm soát cơ. Thậm chí, người mắc bệnh Parkinson còn có thể mất đi một số chức năng vật lý bình thường. Ước tính trên thế giới, có khoảng 10 triệu người mắc bệnh Parkinson.

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân vẫn cần phối hợp chế độ dinh dưỡng phù hợp, chăm chỉ thực hiện các bài tập thể dục định kỳ, vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu để cải thiện sự linh hoạt của cơ thể và chất lượng cuộc sống hiệu quả nhất - Nguồn ảnh: Internet
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân vẫn cần phối hợp chế độ dinh dưỡng phù hợp, chăm chỉ thực hiện các bài tập thể dục định kỳ, vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu để cải thiện sự linh hoạt của cơ thể và chất lượng cuộc sống hiệu quả nhất - Nguồn ảnh: Internet

Tại Việt Nam, có khoảng 6,1 triệu người mắc. Nhiều dữ liệu cho thấy rằng tỉ lệ người bệnh Parkinson tử vong ở mức tương đối cao và đang ngày càng có dấu hiệu gia tăng do bệnh không được kiểm soát hiệu quả.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Tài, bệnh Parkinson ở giai đoạn sớm sẽ được điều trị bằng thuốc kết hợp các bài tập vận động, tập vật lý trị liệu nhằm giúp người bệnh cải thiện chức năng vận động để bớt bị cản trở trong sinh hoạt. Tuy nhiên, ở giai đoạn tiến triển, bệnh Parkinson khó kiểm soát được bằng cách uống thuốc. Lúc này, bệnh nhân có thể cân nhắc áp dụng các phương pháp điều trị xâm lấn như phẫu thuật kích thích não sâu (deep brain stimulation), truyền Apomorphine, bơm Levodopa hỗng tràng hoặc truyền Levodopa dưới da. Thống kê tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM cho thấy, với các bệnh nhân có chỉ định điều trị xâm lấn thì 59% tiếp tục chọn điều trị bằng thuốc, 19% chọn phẫu thuật kích thích não sâu và 9% chọn truyền Apomorphine, 13% chọn truyền Levodopa.

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Huyền Thương - Khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết, phương pháp phẫu thuật kích thích não sâu là một trong những tiến bộ trong điều trị bệnh Parkinson trên thế giới. Tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM, sau khi can thiệp đặt điện cực kích thích não sâu, các bệnh nhân đã có những thay đổi tích cực trong việc kiểm soát triệu chứng của bệnh như run tay chân, hụt hơi, cải thiện tốc độ, độ chính xác của các chuyển động trong cơ thể. Quan trọng không kém là tinh thần của bệnh nhân trở nên lạc quan, phấn chấn...

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ cấy các điện cực vào não để kích thích điện của các vùng não bệnh nhân có chủ đích, từ đó làm giảm các triệu chứng như run, đơ cứng và cử động chậm chạp. Đánh giá cải thiện triệu chứng ở 39 người bệnh Parkinson thực hiện phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu tại Việt Nam cho thấy có 69,23% người bệnh cải thiện nhiều, 25,64% người bệnh cải thiện vừa và 5,13% cải thiện ít.

Những người phù hợp để xem xét phẫu thuật kích thích não sâu điều trị bệnh Parkinson cần hội đủ các yếu tố: dưới 75 tuổi, thời gian mắc bệnh từ 5 năm, uống thuốc Levodopa từ 5 cữ/ngày và thời gian xuất hiện các biến chứng vận động từ 5 giờ/ngày trở lên. Trước khi được can thiệp bằng phương pháp này, bệnh nhân cần vượt qua bài đánh giá lâm sàng và tâm lý.

Sau khi phẫu thuật kích thích não sâu, bệnh nhân cần tuân thủ lịch trình tái khám để liên tục theo dõi và đánh giá tình trạng sau phẫu thuật. Điều này nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân vẫn cần phối hợp chế độ dinh dưỡng phù hợp, chăm chỉ thực hiện các bài tập thể dục định kỳ, vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu để cải thiện sự linh hoạt của cơ thể và chất lượng cuộc sống hiệu quả nhất.

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI