Ở đó, mỗi trạm dừng không khiến bạn phiêu hốt, mà như cái níu tay ý nhị làm bạn cúi nhìn và ngỡ ngàng nhận ra rằng bao mộng mị dệt nên đời sống, chính là mùi, vị, màu quá đỗi thân quen ở ngay ta, ở trong ta và mọi người, ở thiên nhiên phóng khoáng và độ lượng.
Mạch ân tình của đất
Đất cưu mang mưa nắng, gội rửa thương đau, tỵ hiềm, biến những giấc mơ tưởng chừng không hồi kết, thành hiện thực; kéo những đứa con Việt đi xa, dẫu có tam đảo ngũ hồ, cũng quay về, bởi đất có lời truyền “đi là để về” (Di sản không tên - Lê Huyền Ái Mỹ). Cũng từ đất, những nhịp cầu tình người đã nối để đôi bờ không còn cách xa và mùa xuân này, hoa đã nở trên môi người chốn cù lao mù xa khuất nẻo (Đôi bờ đâu cách xa - Nghi Anh, Quang Thư).
Sài Gòn, chạm màu mây xưa...?
Gọi tên sao cho vừa cho đủ được, bởi mọi thứ sẽ lỗi thời ngay lập tức, khi “thành phố không có “tính” gì nhất quán, chỉ có cái nhất quán đến cùng cực của cả sự dung hợp lẫn “lưỡng phân” (Những Sài Gòn trong Sài Gòn - Thiên Di). Một đời phiêu bạt giang hồ áo cơm, thành danh ở đất này, tính lại ham chơi, thích la cà, nhưng khi lạc đến xứ người phồn hoa, lại nhớ Sài Gòn không chịu nổi, bèn đâm đầu về (Niềm vui lang thang - Mạc Can).
Đó là nơi phát nghiệp của Sài Gòn, nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, nay chìm trong nỗi nhớ của màu xám lạnh cây cầu sắt và dòng nước buồn thiu, bến đó người đâu, chỉ còn cách gọi tên cho đỡ nhớ (Mễ Cốc - Nơi Sài gòn khởi nghiệp - Trần Tiến Dũng).
Lại một lần nữa, hẻm Sài Gòn làm thẫn thờ lữ khách, dặt dìu buổi trưa bình yên tưởng chỉ có trong ca dao với tiếng gà gáy, lại sững sờ bắt gặp ngay trong con hẻm trên đại lộ Nguyễn Huệ, khiến mình như được phủ một lớp bụi lộng lẫy của trần gian (Tiếng gà gáy trên đại lộ Nguyễn Huệ - Trung Việt).
Như từ trong tiền kiếp, trái tim cô bé học trò phương Bắc phập phồng, gõ nhịp theo chuyến tàu xuôi nam, bởi cô đã phải lòng với tình nhân... Sài Gòn - TPHCM, để rồi bây giờ tóc đã bạc, vẫn chưa thôi dan díu với những cánh hoa dầu, với cà phê vỉa hè nhìn phố xá như cơn mưa phương nam ồ ạt mà mát rượi ân tình (Hẹn với Sài Gòn - Hồng Phương).
Lời hẹn đó, như là định mệnh, bởi trước cô bé, bao lớp người từ trăm miền đã tìm về Sài Gòn, để gọi tên, để sờ nắm, để thốt lên trong ngỡ ngàng, Sài Gòn là gì vậy ta? nhưng dẫu có đi cũng muốn trở về, giận dỗi nhưng chưa từng ruồng bỏ, bởi Sài Gòn bao giờ cũng là tuổi trẻ chúng mình (Có một phong cách Sài Gòn - Trần Trọng Thức).
Một Sài Gòn chưa bao giờ dừng lại, gãy khúc mà nối tiếp bằng mạch ngầm của những nếp nghĩ, nếp sống qua bao thế hệ, để những cái mở mắt chào đời sau những năm 2000, nhìn và yêu, mong ước những điều rất giản dị về một thành phố Hồ Chí Minh - nơi chúng sinh ra, lớn lên và bắt đầu chứa đựng chút ký ức ban sơ. (Bay trên ký ức - Đông Quỳnh, Nhã Nam, Nhật An, Anh Khuê, Nhã Khuê, Nguyên Khanh, Đăng Khôi, Linh Đan).
Người giữ đền là lời thủ thỉ trong lặng im và quyết liệt. Giữa bao lo sợ bởi điều gì cũng có thể mất, trẻ có già có, quyết níu bằng mọi giá cho sân khấu cải lương, cho tuồng cổ không tan biến đi; tiếng trống chầu ở những nhà hát nhỏ, âm điệu chưa vang xa nhưng đủ nhức nhối tim bao người vì đã trót một lời nguyền thủy chung không thành tiếng (Người giữ đền - Ái Mỹ).
Muốn quả quyết rằng áo dài chính là hồn Việt, nên chiếc áo dài thuở mẹ, thuở bà, nay đã trở lại, kín đáo yêu kiều nhưng không ngừng bắt nhịp thời gian. Đường kim mũi chỉ bao đêm ngày cứa trong tim não họ, những nhà thiết kế Sĩ Hoàng, Vũ Thảo, bởi họ nhìn thấy ở áo dài giá trị bất biến hiện thân của vẻ đẹp Việt, mà để nó không mất đi, không lỗi thời, thì phải có cả một tình yêu và sáng tạo không ngừng (Áo xưa về giữa phố nay - Nguyên Trà).
Vẫn còn đó những tiếc rẻ Sài Gòn trong tiếng nhạc mơ hồ từ dàn Akai, băng cối một thuở đốn tim bao tín đồ nghe nhạc mộc. Vì thế Sài Gòn “ăn” nhạc tết, ăn chứ không phải là nghe, hễ tết là chạy tìm băng nhạc mới, để bây giờ bất ngờ sáng sớm nghe hàng xóm vang lên bài Ly rượu mừng từ dàn Akai, lòng như trẻ lại (Mua băng nhạc mới về ăn tết - Lê Văn Nghĩa).
Chiều 30 tết, nhớ mùi quê...
Vẫn là tiếng nấc nghẹn kín đáo của kẻ xa quê, để rồi nghệ sĩ cải lương Diệp Lang, chiều cuối năm nơi xứ người, tiếng được tiếng mất nghẹn ngào trong điện thoại, nhớ Sài Gòn, nhớ đồng nghiệp, nhớ sân khấu quặn hết tâm can (Với Diệp Lang chiều cuối năm - Hồng Hạnh). Liệt kê… lô tăng xông những mùi, màu, mùa nơi xứ người, sực nức mũi, no căng mắt, nhưng mùi tết quê cha đất tổ vẫn là thứ thổn thức nhất để gọi ta về (Miên man màu mùi mùa - Nguyễn Tri Phương Đông).
Ăn cái... hư không, ăn mà ăn hoa, thì chỉ có thể là thiền sư. Xin thưa, không phải tựa đến ngõ chùa, mà hãy dự tiệc sen ba miền, sẽ thấy ý vị vừa thanh tao mà lộng lẫy, vừa sang quý mà dân dã (Đệ nhất sen ba miền - Minh Trâm). Sen cũng mọc từ bùn, nên có đi hết cuộc phong trần, mới ngộ ra thảy những gì chưng luyện từ đất của cá, cơm, dưa, sẽ đưa ta phiêu dạt đến trạng thái của kẻ nhập thất, thấy trong thức món đã có sẵn… mùi thiền thoát thai từ đất (Mùi… thiền - Mộc Miên).
Phong vị đàn bà
Yêu thương, chu toàn, đó là phong vị độc đáo nhất làm nên sức mạnh đàn bà (Phong vị đàn bà - Hạnh Dung). Nơi nước Mỹ xa xôi, mẹ kiêu hãnh thầm kín khi con gái lớn lên từng ngày, nhận thức mạnh mẽ quyền của một cá nhân trong thời đại phẳng, nhưng khi con gái mặc áo dài, thốt lên câu nghe như “mùi tết ở quê nhà” thì đó là niềm vui bậc nhất, bởi nhận thức được mình là ai, thì lúc đó ta đã có sức mạnh (Nói với áo dài nhỏ bên bờ Thái Bình Dương - Thúy Hà).
Nuôi một... màu trăng
Một nhà văn Nam bộ kể chuyện viết văn, chuyện thời thế nổi nênh, dang dở bao điều chưa nói được, mà trong đó nổi lên chuyện con người thật giản dị mà tấm vóc lớn lao là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (“Hầu rượu” nhà văn Nguyễn Quang Sáng - Nguyễn Thị Ngọc Hải). “Có những niềm riêng một đời giấu kín”, người nghe vút bay theo tiếng hát của giọng ca Xa khơi nức tiếng một thời, nhưng mấy ai biết, bà đã ôm niềm đau câm nín cùng mối tình với Hoàng Thi Thơ (Tân Nhân đâu chỉ có Xa khơi - Nguyễn Khắc Phê). Muốn hóa giải tất cả những phiền trược, tham lam, giận dỗi, thì chỉ còn cách nuôi màu…trăng trong lòng mình, bởi đó là màu của an lạc, hỉ xả và yêu thương (Màu Trăng - Nam Khang).
Giai phẩm cũng chào đón bạn bằng bản luận về nữ quyền của TS Bùi Trân Phượng; các cây viết như Quỳnh Hương với Người tin vào Bà mẹ tự nhiên, Cung Tuy với “Thế lực” của tầng ngầm, An Dương với Đặc sản ngàn năm, Âu Lan với Tết ở Bolsa, Lê Minh Hà với Tết ở Berlin, Nguyễn Nhã Lam với Dấn thân vào ngành Game… các truyện ngắn của các nhà văn Nguyễn Việt Hà, Đỗ Bích Thúy, Trầm Hương; nhà văn Nguyễn Đình Bổn với chơi hoa tết, các nhà thơ P.N. Thường Đoan, Lê Minh Quốc viết về cái nợ muôn thuở với khách trần gian là đàn bà và tình yêu…
Phát hành ngày 26/1/2018. Giá 36.000đ, cùng những phong bao lì xì cầu may mắn cho độc giả trong năm Mậu Tuất.
Bạn đọc mua báo vui lòng liên hệ phòng Phát hành. ĐT: (028) 38468714 - (028) 38181562 - 0903923133. Email: bpn.phathanh@gmail.com. |
Phụ Nữ