Giải Nobel Hóa học 2019 trao cho 3 nhà khoa học sáng chế pin sạc

09/10/2019 - 17:27

PNO - Giải Nobel Hóa học 2019 được trao cho 3 nhà khoa học Mỹ, Anh và Nhật Bản có công phát triển pin lithium-ion, giúp xây dựng "một thế giới có thể sạc được" như ngày hôm nay.

Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển Giải đã trao giải Nobel Hóa học 2019 cho 3 nhà khoa học John B. Goodenough (người Mỹ), M. Stanley Whittingham (người Anh) và Akira Yoshino (người Nhật Bản) vì có công phát triển pin lithium-ion, giúp xây dựng "một thế giới có thể sạc được" như ngày hôm nay.

Giai Nobel Hoa hoc 2019 trao cho 3 nha khoa hoc sang che pin sac
John B. Goodenough là một giáo sư người Mỹ và nhà vật lý chất rắn.

John B. Goodenough (sinh năm 1922) là một giáo sư người Mỹ và nhà vật lý chất rắn. Ông hiện là giáo sư về kỹ thuật cơ khí và khoa học vật liệu tại Đại học Texas ở Austin. Ông tốt nghiệp Đại học Yale, Đại học Chicago

M. Stanley Whittingham (sinh năm 1941) là một nhà hóa học người Anh. Ông hiện là giáo sư hóa học và là giám đốc Viện nghiên cứu vật liệu và Chương trình Khoa học và Kỹ thuật vật liệu tại Đại học Binghamton, một bộ phận của Đại học tiểu bang New York. Ông hiện cư trú ở Mỹ. Ông tốt nghiệp Trường Stamford Đại học Oxford.

Giai Nobel Hoa hoc 2019 trao cho 3 nha khoa hoc sang che pin sac
M. Stanley Whittingham là một nhà hóa học người Anh

Akira Yoshino (sinh năm 1948) là một nhà hóa học Nhật Bản. Ông là thành viên của Tập đoàn Asahi Kasei và giáo sư của Đại học Meijo. Ông là người phát minh ra pin lithium-ion thường được sử dụng trong điện thoại di động và máy tính xách tay. Ông tốt nghiệp Đại học Kyoto, Đại học Osaka.

Ngày 27/11/1895, Alfred Nobel đã ký bản di chúc thể hiện ước nguyện muốn dành phần lớn nhất tài sản của mình để lập nên một giải thưởng gọi là Giải Nobel. Như được mô tả trong di chúc của Nobel, một phần giải thưởng được trao tặng cho người “có khám phá hóa học hay cải tiến quan trọng nhất”, sau này gọi là Nobel Hóa học.

Giai Nobel Hoa hoc 2019 trao cho 3 nha khoa hoc sang che pin sac
Akira Yoshino là một nhà hóa học Nhật Bản, người phát minh ra pin lithium-ion thường được sử dụng trong điện thoại di động và máy tính xách tay

Nobel Hóa học được trao 110 giải trong khoảng thời gian từ 1901 đến 2018. Trong đó có 63 cá nhân một mình nhận giải Nobel Hóa học, 23 giải Nobel Hóa học được trao cho hai người và 24 giải được trao đồng thời cho 3 người.

Đến nay có 5 phụ nữ được giải Nobel Hóa học: Marie Curie (Pháp) nhận giải thưởng năm 1911, Irène Joliot-Curie (Người Pháp, con gái Marie Curie và là vợ của Frédéric Joliot) nhận Nobel Hóa học năm 1935, Dorothy Crowfoot Hodgkin (Anh) nhận Nobel Hóa học năm 1964, Ada Yonath (Israel) nhận giải năm 2009 và Frances H. Arnold (Mỹ), nhận Nobel Hóa học năm 2018.

Khi Marie Curie được trao giải Nobel Hóa học năm 1911, bà cũng trở thành nhà khoa học đầu tiên nhận hai giải Nobel. Trước đó, năm 1903 bà nhận giải Nobel Vật lý về phóng xạ.  

Đặc biệt, có một người là nhà hóa học Frederick Sanger, hai lần được trao giải Nobel Hóa học vào các năm 1958 và 1980.

Người nhận giải Nobel Hóa học trẻ nhất là Frédéric Joliot, ông nhận giải thưởng danh giá này năm 1935 khi mới 35 tuổi. Người nhận giải Nobel Hóa học cao tuổi nhất là John B. Fenn, ông nhận giải thưởng này năm 2002 khi đã 85 tuổi.

Việt Hưng (Theo nobelprize.org, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI