Giải Nobel hòa bình sẽ về tay ai?

08/10/2021 - 06:41

PNO - Giải thưởng Nobel y sinh 2021 trao cho công trình lý giải giác quan của con người. Dù vậy, những nhà tiên phong về vắc xin COVID-19 được dự báo sẽ giành chiến thắng trong tương lai. Mối quan tâm lớn lúc này là ai sẽ nhận giải Nobel hòa bình 2021 giữa những biến động toàn cầu.

Tiến sĩ David Julius - nhà sinh lý học tại Đại học California ở San Francisco - và tiến sĩ Ardem Patapoutian - nhà khoa học thần kinh từ Trung tâm Nghiên cứu Scripps ở California - đã được trao giải Nobel 2021 về y học - sinh lý học cho những khám phá về cách hệ thống thần kinh cảm nhận nhiệt, độ lạnh và xúc giác, mở đường cho các loại thuốc giảm đau mới. Tuy nhiên, những người tiên phong đằng sau vắc-xin COVID-19 và nghiên cứu hệ thống miễn dịch cũng được giới chuyên môn xem là ứng viên sáng giá nhất của giải Nobel trong tương lai. 

Nhà hoạt động khí hậu tuổi teen người Thụy Điển Greta Thunberg, ứng viên cho giải Nobel hòa bình năm nay
Nhà hoạt động khí hậu tuổi teen người Thụy Điển Greta Thunberg, ứng viên cho giải Nobel hòa bình năm nay

Trong số những ứng viên sáng giá cho giải Nobel sắp tới đó có hai nhà khoa học người Mỹ là Katalin Kariko (gốc Hungary) và Drew Weissman với nghiên cứu về vắc xin messenger ribonucleic acid (mRNA). Vắc xin mRNA do hãng Moderna, Pfizer và đối tác BioNTech của Đức phát triển đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Tiến sĩ Steven Hobbs, giáo sư sinh học tại Đại học Howard ở Texas (Mỹ), nhận xét: “Nghiên cứu vắc-xin mRNA cũng đã trải qua hơn 40 năm. Phụ nữ thường không được đánh giá cao trong quá trình ấy. Nhưng có những nhà khoa học nữ xuất sắc (như bà Kariko) xứng đáng được vinh danh”.

Năm nay, ngoài giải Nobel y sinh, giải thưởng thu hút sự quan tâm nhiều nhất hiện tại chính là giải Nobel hòa bình dành cho cá nhân, tổ chức đã gắn kết tình hữu nghị giữa các quốc gia, xóa bỏ hoặc cắt giảm biên chế quân đội và thúc đẩy các sự kiện hòa bình. Giải thưởng này đứng riêng và sẽ được công bố tại Oslo, Na Uy vào chiều 8/10 thay vì công bố ở Stockholm, Thụy Điển như năm giải Nobel còn lại. Ứng viên chiến thắng giải thưởng năm 2020 với 1 triệu USD tiền mặt là chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vì những nỗ lực chống nạn đói toàn cầu, đặc biệt là ở các khu vực xung đột.

Năm 2021 chứng kiến 329 ứng cử viên được đề cử cho giải thưởng danh giá nhất thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg, Phong trào Black Lives Matter, NATO, và Tổ chức Phóng viên không biên giới nằm trong số các ứng viên hàng đầu cho giải Nobel hòa bình năm nay.

WHO từng được đánh giá là ứng cử viên vô địch tiềm năng vào năm 2020. Kể từ đó, tổ chức này đã giám sát một cuộc điều tra gây tranh cãi về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc và điều hướng việc đình chỉ tạm thời đối với vắc xin AstraZeneca do lo ngại cục máu đông ở nhiều quốc gia. WHO cũng đã vượt qua lệnh đình chỉ tài trợ tạm thời từ Mỹ của cựu Tổng thống Donald Trump. Một trong những ưu tiên lớn nhất của WHO trong năm nay là tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vắc xin COVID-19 ở tất cả các quốc gia. Kể từ khi bắt đầu phân phối vắc xin vào tháng 2/2021, chương trình COVAX do WHO hỗ trợ đã chuyển hơn 311 triệu liều vắc xin COVID-19 cho 143 quốc gia.

Trong khi đó, nhà hoạt động khí hậu tuổi teen người Thụy Điển Greta Thunberg luôn nằm trong tốp đầu của cuộc đua đến giải Nobel hòa bình. Những người theo dõi giải thưởng cho rằng đây có thể là năm của cô. Kể từ khi Thunberg khơi dậy làn sóng phản đối biến đổi khí hậu trong học đường vào năm 2018, cô tiếp tục kêu gọi các cường quốc toàn cầu cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Youth4Climate vào tháng trước, Thunberg đã lên án “những lời hứa suông” và “thiếu hành động” của các nhà lãnh đạo chính trị trong việc hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. 

Tấn Vĩ (theo Reuters, TIME, iNews, The Quint, N World)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI