Giải Nobel Hòa bình 2024 được trao cho tổ chức Nhật Bản chống vũ khí hạt nhân

11/10/2024 - 17:33

PNO - Tổ chức Nihon Hidankyo - phong trào cơ sở của những người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki - đã nhận Giải Nobel Hòa bình 2024 vì những nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Năm 1956, tổ chức Nihon Hidankyo của những người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki ra đời, đánh dấu chuỗi dài hoạt động đấu tranh chống lại vũ khí hạt nhân - Ảnh: Niklas Elmehed/ Nobel Prize Outreach
Năm 1956, tổ chức Nihon Hidankyo của những người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki ra đời, đánh dấu chuỗi dài hoạt động đấu tranh chống lại vũ khí hạt nhân - Ảnh: Niklas Elmehed/ Nobel Prize Outreach

Theo sau các cuộc tấn công bằng bom nguyên tử vào tháng 8/1945, một phong trào toàn cầu đã nổi lên với các thành viên không ngừng nỗ lực nâng cao nhận thức về hậu quả thảm khốc của việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Dần dần, một chuẩn mực quốc tế mạnh mẽ đã phát triển, lên án việc sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Chuẩn mực này được gọi là "điều cấm kỵ về hạt nhân".

Các Hibakusha - những người sống sót sau vụ đánh bom Hiroshima và Nagasaki - là nhân chứng duy nhất và quan trọng nhất trong bối cảnh rộng lớn này.

Theo Ủy ban Nobel Na Uy, nhóm Hibakusha “đã giúp tạo ra và củng cố sự phản đối rộng rãi đối với vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới bằng cách kể lại những câu chuyện cá nhân, tạo ra các chiến dịch giáo dục dựa trên kinh nghiệm của chính họ và đưa ra những cảnh báo khẩn cấp về việc phổ biến và sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Đồng thời, Ủy ban Nobel muốn công nhận một sự thật đáng khích lệ: Không có vũ khí hạt nhân nào được sử dụng trong chiến tranh trong gần 80 năm qua.

Những nỗ lực phi thường của Nihon Hidankyo và những tổ chức đại diện khác của các Hibakusha đã đóng góp rất lớn vào việc thiết lập điều cấm kỵ về hạt nhân. Do đó, thật đáng báo động khi ngày nay điều cấm kỵ này đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân đang chịu áp lực từ tình trạng căng thẳng địa chính trị.

Các cường quốc hạt nhân đang hiện đại hóa và nâng cấp kho vũ khí, các quốc gia mới dường như đang chuẩn bị mua vũ khí hạt nhân, và những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh đã quay trở lại.

Ủy ban Nobel cho biết: “Vào thời điểm này trong lịch sử loài người, chúng ta nên nhắc nhở bản thân về vũ khí hạt nhân: đây là vũ khí hủy diệt nhất mà thế giới từng chứng kiến”.

Năm 2025 đánh dấu 80 năm kể từ khi 2 quả bom nguyên tử của Mỹ giết chết khoảng 120.000 cư dân Hiroshima và Nagasaki. Một số lượng tương đương đã chết vì bỏng và thương tích do bức xạ trong những tháng và năm sau đó.

Vũ khí hạt nhân ngày nay có sức hủy diệt lớn hơn nhiều. Chúng có thể giết chết hàng triệu người và sẽ tác động thảm khốc đến khí hậu. Các chuyên gia cảnh báo một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể hủy diệt nền văn minh nhân loại.

Số phận của những người sống sót sau thảm họa Hiroshima và Nagasaki từ lâu đã bị che giấu và bỏ mặc. Năm 1956, các hiệp hội Hibakusha địa phương cùng với nạn nhân của những cuộc thử vũ khí hạt nhân ở Thái Bình Dương đã thành lập Liên đoàn các tổ chức của những người chịu ảnh hưởng bom nguyên tử tại Nhật Bản.

Tên này được rút ngắn trong tiếng Nhật thành Nihon Hidankyo. Nó trở thành tổ chức Hibakusha lớn nhất và có ảnh hưởng nhất tại Nhật Bản.

Giá trị cốt lõi trong tầm nhìn của Alfred Nobel là niềm tin rằng những cá nhân tận tụy có thể tạo nên sự khác biệt.

Khi trao Giải Nobel Hòa bình năm nay cho Nihon Hidankyo, Ủy ban Nobel Na Uy muốn vinh danh tất cả những người sống sót, những người vượt qua nỗi đau về thể xác, ký ức đau thương để vun đắp hy vọng và phấn đấu vì hòa bình.

Nihon Hidankyo đã cung cấp hàng ngàn lời kể của nhân chứng, ban hành các nghị quyết và lời kêu gọi công khai, đồng thời gửi các phái đoàn thường niên đến Liên hiệp quốc và nhiều hội nghị hòa bình để nhắc nhở thế giới về nhu cầu cấp thiết phải giải trừ vũ khí hạt nhân.

Một ngày nào đó, các Hibakusha sẽ không còn là nhân chứng sống của lịch sử nữa. Nhưng với nền văn hóa tưởng nhớ mạnh mẽ và tiếp nối liên tục, các thế hệ mới ở Nhật Bản đang ghi nhớ kinh nghiệm và thông điệp của những nhân chứng.

Qua đó, họ truyền cảm hứng và giáo dục mọi người trên khắp thế giới, giúp duy trì lệnh cấm vũ khí hạt nhân - một điều kiện tiên quyết cho một tương lai hòa bình cho nhân loại, phù hợp với nguyện vọng trong di chúc của Alfred Nobel.

Tấn Vĩ (theo Nobelprize.org)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI