Giải nhiệt cho trẻ cần đúng cách

10/04/2017 - 09:30

PNO - Trẻ có dấu hiệu ho, sổ mũi, sốt, tiêu chảy... trong đó có không ít trường hợp trẻ mắc bệnh do được cha mẹ giải nhiệt cho trẻ “quá tay”.

Bác sĩ (BS) chuyên khoa II Đặng Kim Huyên - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết, hiện nay, bình quân mỗi ngày, có khoảng 6.000 - 7.000 lượt trẻ đến khám ở đây với dấu hiệu ho, sổ mũi, sốt, tiêu chảy... trong đó có không ít trường hợp trẻ mắc bệnh do được cha mẹ giải nhiệt “quá tay”. 

Thời tiết nóng bức lại xen những cơn mưa bất thường khiến vi-rút phát tán mạnh mẽ. BS Kim Huyên nhắc nhở, nếu không chăm sóc trẻ đúng cách trong thời tiết khắc nghiệt này (sáng nắng nóng, chiều mưa dầm) thì trẻ rất dễ bị nhiễm bệnh.

Có bé chạy nhảy nhiều, người đổ mồ hôi nhớp nháp, được cha mẹ cho tắm một ngày ba-bốn lần; hoặc trời đang nắng chói chang mà cha mẹ vẫn vô tư cho con trầm mình dưới hồ bơi; hay trẻ vừa ở ngoài nắng, người vã mồ hôi như tắm lại sà ngay vào phòng máy lạnh hoặc ngồi ngay trước quạt thốc vào mặt, vào người cho mát... đều dễ 
đổ bệnh.

Trên hàng ghế đợi ở khu Khám bệnh, BV Nhi Đồng 2 vào ngày cuối tuần, nhiều bà mẹ ngồi chen chúc chờ đến lượt. Trong đó, không ít bà mẹ ôm con từ Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh đến do con đã bệnh cả tuần mà chữa trị ở địa phương không hết.

Chị Ngọc Dung ngụ tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngồi vuốt lưng cô con gái 21 tháng đang ho từng cơn, than thở với một bà mẹ ngồi kế bên: “Trời nóng như đổ lửa, nó nổi rôm sảy khó ngủ nên cho nằm máy lạnh, mới hai, ba ngày đã bệnh”.

Chị Quỳnh Chi, nhà ở P.Bình Trưng Tây, Q.2, TP.HCM vừa lau đống ói của cậu con trai khoảng bốn tuổi đang ho sù sụ, mũi dãi lòng thòng, vừa than thở: “Tôi đi công tác, ở nhà ba nó cho chơi thoải mái, hết chạy giỡn ngoài nắng nóng thì sà vô mở tủ lạnh tu nước ngọt với đá ừng ực, rồi ăn kem và trầm mình ở hồ bơi nên ho, sốt, trường học không chịu nhận giữ”. 

Giai nhiet cho tre can dung cach
Khi trẻ tắm hồ bơi, cần chọn hồ sạch, ít người và hạn chế tắm vào lúc nắng gắt


Thạc sĩ - BS Nguyễn Văn Đàn, giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Nhiều bà mẹ lấy mình làm thước đo, thấy trong người nóng, khô, uống nước mát vô thấy dễ chịu nên đã mua nước mát hay nấu rễ tranh, râu bắp, mía lau, lá dòi... về nấu nước mát để trong tủ lạnh rồi cho trẻ uống thay nước lọc.

Đây là cách làm không đúng, vì trẻ uống nhiều nước mát sẽ lợi tiểu, khiến trẻ dễ bị mất nước, nếu uống vào buổi tối sẽ làm trẻ đi tiểu thường xuyên, mất ngủ, người mệt mỏi, kém linh hoạt.

Uống nhiều nước mát còn có thể khiến trẻ bị tiêu chảy, nếu bảo quản nước mát trong tủ lạnh, trẻ uống vào dễ bị viêm họng, ho. Cách tốt là nên cho trẻ uống nước dừa với rau má hoặc với cỏ mực, vừa giải nhiệt vừa giúp hạ sốt, nhưng cần lưu ý, không uống nước mát hay nước dừa thay thế nước lọc”. 

Theo BS Kim Huyên, cần phải có “nghệ thuật giải nhiệt”, không thể bắt trẻ phải cai máy lạnh, quạt, hồ bơi, nhưng cần phải tránh: không cho trẻ đi ngoài nắng vô phòng máy lạnh ngay; không  mở quạt thốc thẳng vào người trẻ mà để quạt xoay; trước khi cho trẻ tắm hồ bơi, cần cho trẻ khởi động và tắm tráng qua nước trước, tốt nhất nên tắm ở hồ có mái che hoặc hạn chế tắm vào thời điểm nắng nóng; khi cho trẻ tắm, cần đóng kín cửa phòng và buổi tối chỉ cần lau sạch hoặc tắm nhanh.

Còn với kem, nước đá, phải để ra ngoài cho bớt lạnh trước khi cho trẻ dùng. Cần phải cung cấp đủ nước cho trẻ, nếu trẻ ra quá nhiều mồ hôi thì ngoài nước lọc, cần bổ sung thêm nước dừa, nước trái cây, vừa bù nước hiệu quả, vừa cung cấp nhiều vitamin để tăng cường sức đề kháng.

Ngoài ra, vào mùa nóng, trẻ có thể ăn uống không ngon miệng, nên cần cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt. Đặc biệt, cần phải bảo quản thức ăn cẩn thận, tránh làm trẻ bị tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm; đồng thời cần hạn chế dùng thức ăn nhiều đường, trái cây quá ngọt, cũng như thức ăn quá béo gây thừa năng lượng, khiến trẻ mệt mỏi hơn.

Cần duy trì sữa và các chế phẩm từ sữa cho trẻ vì chúng cung cấp nước, vitamin, chất khoáng cần thiết; có thể chế biến thành nhiều món ăn mát, hấp dẫn để trẻ cảm thấy thú vị hơn, ví dụ yaourt trái cây, 
sinh tố... 

BS Kim Huyên cũng lưu ý: nếu trẻ có một trong những dấu hiệu như sốt cao khó hạ, sốt hai ngày liên tục không rõ nguyên nhân, ngủ li bì, khóc không ra nước mắt, không ăn uống được, nôn ói liên tục... cần phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI