Giải Mai Vàng: Văn học thiếu nhi được tôn vinh

19/01/2022 - 14:38

PNO - Lần đầu tiên, sau 27 năm tổ chức, giải thưởng Mai Vàng tôn vinh một tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi. Trong lần đầu nhiều mong đợi ấy, giải thưởng được trao cho "Cà Nóng chu du Trường Sa" của nhà văn Bùi Tiểu Quyên.

Ghi nhận một tác phẩm 

Cùng với bộ tranh Sài Gòn những ngày giãn cách của họa sĩ Lê Sa Long, truyện thiếu nhi Cà Nóng chu du Trường Sa của tác giả Bùi Tiểu Quyên (phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM) là hai tác phẩm được vinh danh tại giải thưởng Mai Vàng, hạng mục Tác phẩm Văn hóa Nghệ thuật xuất sắc của năm. Màn vinh danh của Mai Vàng nhận được sự chú ý của công chúng bởi đây là lần đầu tiên, một tác phẩm văn học thiếu nhi xuất hiện và nhận về nhiều nhận xét tích cực. 

Chiến thắng dành cho Cà nóng chu du Trường Sa minh chứng cho hai điều. Một là, giải thưởng Mai Vàng đã theo dõi sát sao bức tranh văn hóa, nghệ thuật trong năm qua, và dành sự quan tâm đến văn học thiếu nhi. Hai là, trong năm 2021, văn học thiếu nhi có tác phẩm nổi bật, đủ “nặng” về nội dung và hình thức, cần được tôn vinh để lan tỏa, khẳng định giá trị.

Về việc lựa chọn Cà Nóng chu du Trường Sa, hội đồng nghệ thuật nhận xét tác phẩm được thể hiện bằng bút pháp sinh động, truyền đến bạn đọc nhỏ tuổi cảm nghĩ về sự ngộ nghĩnh và đầy tự hào của chiếc máy ảnh từng theo chân nhà văn, nhà báo Bùi Tiểu Quyên đến Trường Sa tháng 4/2019. Từ nội dung về chuyến khám phá hấp dẫn của Cà Nóng, tác phẩm nêu cao tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của dân tộc.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên trong chuyến công tác tại Trường Sa vào tháng 4/2019
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên trong chuyến công tác tại Trường Sa vào tháng 4/2019

Theo chia sẻ từ nhà văn Bùi Tiểu Quyên, Cà Nóng chu du Trường Sa được chị thực hiện sau khi chuyến đi Trường Sa đã kết thúc sáu tháng. Sở dĩ thời gian ấp ủ ý tưởng kéo dài là bởi số lượng tác phẩm viết về Trường Sa khá nhiều, và không thiếu những ấn phẩm ấn tượng. Do đó, việc tìm cách khai thác khác lạ, mới mẻ hơn về một chủ đề quen, là điều không dễ dàng, cần nhiều thời gian. 

Cà Nóng chu du Trường Sa là truyện dài đầu tay dành cho thiếu nhi của nhà văn Bùi Tiểu Quyên, sau một số tản văn, truyện ngắn từng ra mắt như Đi ngược chiều thương, Con tàu đi tìm sân ga, Cỏ đồi phương Đông, Sông có bao giờ thẳng..

Nhà văn Văn Thành Lê cho biết thời điểm Cà Nóng chu du Trường Sa ra mắt, khoảng giữa năm 2021, khi dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, dù hạn chế rất nhiều về mặt truyền thông và phát hành, nhưng cuốn sách đã nhận được những phản hồi tích cực từ phụ huynh và các em nhỏ, đặc biệt từ chính những đồng nghiệp cầm bút. Trước khi thắng giải Mai Vàng 2021, tác phẩm Cà Nóng chu du Trường Sa được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải Văn học thiếu nhi.

Đằng sau trang sách lạ vị

Cà Nóng chu du Trường Sa kể theo trình tự thời gian về cuộc du hành của những chiếc máy ảnh cùng chủ nhân của mình đến thăm chiến sĩ và người dân tại một số điểm thuộc quần đảo Trường Sa. Trong chuyến đi chín ngày, Cà Nóng trong vai người dẫn chuyện đã cùng các bạn của mình là thằng So, thằng Ni, bác Tê Lê... kể lại hải trình vô cùng ý nghĩa khi được tận mắt ngắm nhìn những cảnh đẹp, chuyện trò cùng người dân và thưởng thức những món ăn thơm ngon. Qua lời kể của Cà Nóng, biển đảo Việt Nam hiện lên tuyệt đẹp nhưng không chỉ dừng lại ở cảnh trí, tình người và những khơi gợi đằng sau mỗi trang sách mới là thứ đọng lại rất sâu nơi người đọc. 

“Tác phẩm giàu chất văn, viết về biển, đảo nhưng không khô khan, giáo điều. Các thủ pháp nghệ thuật, kể chuyện cũng được tác giả sử dụng rất tự nhiên, tạo sức hút, sự mới mẻ và lôi cuốn. Trong mặt bằng văn học thiếu nhi vài năm gần đây, tôi nghĩ Cà Nóng chu du Trường Sa là một trong số ít cuốn trội hẳn lên. Đây là cuốn sách mà các em nhỏ nên được đọc, và sẽ sống lâu để nhiều thế hệ trẻ con, người lớn đọc tiếp, để hiểu và yêu hơn biển đảo, đất nước theo cách của mỗi người...”, nhà văn Văn Thành Lê chia sẻ.

Nói về Cà Nóng chu du Trường Sa, nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho biết anh bất ngờ về khả năng viết cho thiếu nhi của nhà văn Bùi Tiểu Quyên. Ngoài việc khéo lồng ghép thông điệp về chủ quyền lãnh thổ, theo nhà thơ Nguyễn Phong Việt, tác phẩm làm tốt vai trò khơi mở được trí tưởng tượng, giúp cho các bạn đọc nhí hình dung về một điểm đến, tạo cảm giác như được ngao du qua từng trang sách.

“Có nhiều yếu tố để giúp tác phẩm Cà Nóng chu du Trường Sa trở nên thú vị. Thứ nhất, nhà văn Bùi Tiểu Quyên viết cho thiếu nhi quá duyên dáng. Thứ hai, đề tài của sách khá lạ với bạn đọc nhí. Tác phẩm đề cập đến vấn đề chủ quyền biển đảo - một chủ đề khá khó để gợi mở với đối tượng độc giả nhỏ tuổi, nhưng nhờ cốt truyện thú vị, nhân vật được nhân cách hóa, tác giả truyền tải thông điệp một cách hóm hỉnh, dễ thương”, nhà thơ Phong Việt chia sẻ. Theo anh, nếu có điều kiện, cuốn sách cần được lan tỏa mạnh hơn, vì bạn đọc nhí đang cần những tác phẩm như Cà Nóng chu du Trường Sa để kích thích trí tưởng tượng và nhen nhóm tình yêu quê hương, nguồn cội.

“Nếu sách được đưa đến các trường và thầy cô ươm mầm ý tưởng, thực hiện những vở kịch để diễn trong các tiết học hoặc các buổi sinh hoạt, tôi cho rằng thông điệp của sách sẽ được truyền đi rộng rãi, hiệu quả dù quy mô nhỏ gọn. Còn việc chuyển thể thành phim hoạt hình, tôi cho rằng rất khó, vì chúng ta hiện không thiếu kịch bản phim hoạt hình hay, điều ta thiếu là kinh phí và kỹ thuật, nên nếu không khéo léo, các nhà sản xuất dễ làm hỏng ấn tượng ban đầu của tác phẩm”, nam nhà thơ chia sẻ thêm. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI