“Giải mã” thành công của thương hiệu “Penthouse”

21/06/2021 - 08:11

PNO - Không thiếu tranh cãi xoay quanh nội dung câu chuyện nhưng cách lựa chọn đề tài đắt giá, lối viết đầy tính toán của biên kịch giúp “Penthouse” trở thành bộ phim truyền hình ăn khách nhất châu Á hiện tại.

Thương hiệu Penthouse (tựa Việt: Cuộc chiến thượng lưu) vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù đã kéo dài đến phần thứ 3, bộ phim không có đối thủ trong cuộc đua tỷ suất người xem trên màn ảnh nhỏ Hàn Quốc, bất chấp loạt siêu phẩm mới trình làng như Voice 4, Chuyện đời bác sĩ 2

Không chỉ gây được tiếng vang tại xứ kim chi, Penthouse còn gây sốt tại thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, khi liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng phim được yêu thích nhất trong nửa đầu năm 2021. Không ít tranh cãi về việc lạm dụng kịch tính, nội dung phi lý nhưng tất cả đã được che lấp nhờ sự nhanh nhạy, biết cách tận dụng thế mạnh về đề tài, nội lực của diễn viên từ đội ngũ sản xuất.

Sau 3 phần, Penthouse vẫn giữ vững sức hút trong lòng khán giả.
Sau 3 phần, Penthouse vẫn giữ vững sức hút trong lòng khán giả

Đề tài "đắc địa"

Đề tài về giới siêu giàu tiếp tục chứng tỏ vị thế bảo chứng thành công cho làng phim ảnh xứ kim chi và thương hiệu Penthouse 3 cũng không ngoại lệ. Đi sâu khai thác cuộc sống xa hoa trong tòa nhà 100 tầng Hera Palace - biểu tượng ẩn dụ cho thứ bậc giữa người - người, khoảng cách giàu và nghèo của xã hội Hàn Quốc, Penthouse đưa người xem đi qua từng cung bậc cảm xúc.

Oán giận, bực tức và hả hê cũng có trước một loạt những khốn khó mà các nhân vật hiền lành như Shim Soo Ryeon (Lee Ji Ah thủ vai), Min Seol Ah (Jo Soo Min) phải chịu đựng cho đến sự phẫn nộ trước những hành vi bạo lực học đường, chơi xấu lẫn vui mừng khi các nhân vật phản diện phải trả giá cho tội lỗi của mình.

Theo báo cáo của Knight Frank, số lượng người siêu giàu ở Hàn Quốc - có tài sản ròng trị giá 30 triệu USD trở lên - tăng 6,3% lên 7.354 người vào năm 2020, chiếm 0,014% dân số nước này nhưng lại nắm giữ không ít tổng tài sản trong nước. Gia thế khủng lại khá kín tiếng khiến cuộc sống của giới thượng lưu xứ kim chi luôn nhận được sự quan tâm và tò mò càng lớn của khán giả.

Các diễn viên nổi bật với loạt đồ hàng hiệu.
Các diễn viên nổi bật với loạt đồ hàng hiệu

Nhìn lại hơn một thập niên qua, các bộ phim khai thác về giới siêu giàu hầu hết đều thắng lợi lớn như Mối tình đầu, Vườn sao băng, Lâu đài tham vọng, Thế giới hôn nhân và hiện tại là Mine và Penthouse. Điều khiến Penthouse trở nên khác biệt so với các bộ phim trước là không tập trung vào các câu chuyện tình cảm, mà chia đều đất diễn cho các tuyến nhân vật và bóc trần một loạt các tệ nạn xã hội từ bất bình đẳng thu nhập, chạy điểm, phân biệt giàu nghèo, ngoại tình, bắt nạt học đường và cả những thủ đoạn giết người tàn nhẫn.

Để tăng thêm độ chân thực, cuốn hút người xem, đơn vị sản xuất Penthouse còn chi bộn tiền cho khâu dàn dựng lâu đài Hera Palace xa hoa, những bộ cánh hàng hiệu đắt đỏ của dàn diễn viên và nhiều phân đoạn đấu súng, cháy nổ nghẹt thở nhằm nổi bật sự giàu có, tàn độc của giới thượng lưu.

Penthouse 3 mang đến những màn trả thù khốc liệt.
Penthouse 3 mang đến những màn trả thù khốc liệt

Sự mạo hiểm đáng giá

Không phải ngẫu nhiên cứ sau mỗi tập phim lên sóng Penthouse lại dễ dàng tạo được hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ đến khó tin, điều mà trước giờ các bộ phim truyền hình Hàn Quốc ăn khách khác chưa đạt được. Tất cả đến từ sự mạo hiểm của biên kịch Kim Soon Ok khi dám chơi “một canh bạc” khá lớn.

Khác với dòng phim zombie và khoa học viễn tưởng, các đề tài thể loại gia đình ở xứ kim chi khá chú trọng đến sự logic trong câu chuyện, bất kỳ tranh cãi nào cũng có thể khiến khán giả quay lưng. Tuy nhiên điều này lại không diễn ra với thương hiệu Penthouse khi mà tranh cãi, phi lý lại trở thành điểm đặc sắc mà công chúng ấn tượng khi nhắc đến phim. Các nhân vật đã chết lần lượt đội mồ sống dậy như Shim Su Ryeon, Bae Ro Na… trong khi hội trâm anh thế phiệt ra vào tù quá dễ dàng, phạm tội giết người vẫn được xử trắng án…

Chính những diễn biến khó lường, độc đáo này giúp Penthouse trở thành “món ăn” lạ miệng, khiến khán giả liên tục bị cuốn vào phim.

Tạo hình gây tranh cã của Park Eun Seok trong Penthouse 3.
Tạo hình gây tranh cãi của Park Eun Seok trong Penthouse 3

Dẫu vậy món nào ăn quá nhiều cũng không tránh khỏi sự nhàm chán và việc không biết điểm dừng, lạm dụng những cú đảo ngược tình huống của biên kịch bắt đầu gây ra phản ứng ngược, khiến người xem ngán ngẩm trong những tập đầu Penthouse 3.

Đỉnh điểm của sự tranh cãi là tạo hình của nhân vật mới Alex Lee (Park Eun Seok), anh trai của Logan Lee - người đã bị Joo Dan Tae (Uhm Ki Joon) hại chết ở cuối phần 2, vướng chỉ trích phân biệt chủng tộc. Alex Lee từ Mỹ trở về Hàn Quốc nhưng diện mạo hầm hố cùng mái tóc tết dây thừng, xăm trổ khắp người hoàn toàn không phù hợp với xuất thân tài phiệt. Ngoài ra, giọng nói của Alex Lee còn bị quy kết đang chế nhạo "tiếng Anh bản ngữ của người Mỹ gốc Phi" (African American Vernacular English). 

Với lợi thế quay cuốn chiếu (vừa quay vừa phát) nên khán giả đặt nhiều kỳ vọng biên kịch Kim Soon Ok sẽ nhanh chóng nhận ra các nhược điểm và khắc phục trong những tập tiếp theo.

Trailer: Penthouse 3

Nội lực của dàn diễn viên

Sự tự nhiên trong cách diễn, nghiên cứu kỹ lưỡng chuyển biến tính cách nhân vật và không ngại đón nhận thử thách mới của các diễn viên là một trong những nguyên nhân đáng kể góp phần vào sự thành công chung của thương hiệu Penthouse.

Đảm nhiệm các dạng vai khá khó, liên tục thay đổi tính cách và có chiều sâu về nội tâm nhưng với tài năng diễn xuất cùng kinh nghiệm nhiều năm trong nghề không khó để Lee Ji Ah, Kim So Yeon, Eugene, Uhm Ki Joon…  hóa giải các thách thức, đồng thời tìm ra sự đồng điệu giữa các diễn viên để đẩy kịch tính cho phim.

Sở trường là những vai phản diện nhưng khi bị đặt vào sở đoản và lần đầu tiên chạm ngõ dạng vai hài hước, Kim So Yeon và Uhm Ki Joon vẫn chứng tỏ sự biến hóa đa dạng của mình khi hoàn thành tốt các mảng miếng hài, điểm hấp dẫn trong Penthouse.

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI