"Giải mã" thành công của ca khúc K-pop

18/11/2020 - 15:10

PNO - Đằng sau hàng loạt sản phẩm K-pop gây được tiếng vang trên toàn thế giới là chất xám của đội ngũ sản xuất âm nhạc hùng hậu, không ngừng sáng tạo và luôn mang đến những giai điệu bắt tai.

Không phải đơn thuần các ca khúc K-pop như Dynamite (BTS), Ice-Cream (Blackpink)… liên tục làm chao đảo thị trường quốc tế, đứng đầu bảng xếp hạng danh tiếng Billboard. Sự phối hợp ăn ý giữa nhà sản xuất, nhạc sĩ và đội ngũ viết lời bài hát tài năng cùng với việc cởi mở, dễ dàng tiếp thu cái mới giúp K-pop là một trong những mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị kinh tế lớn của xứ kim chi thời điểm hiện tại.

Mỗi ca khúc tổng hòa từ nhiều bộ óc sáng tạo

Trong những năm gần đây, K-pop không còn chỉ quanh quẩn ở "nội địa" Hàn Quốc, từ năm 2015, ngày càng có nhiều bài hát K-pop "oanh tạc" các bảng xếp hạng danh tiếng thế giới. Theo báo cáo của Cục nội dung sáng tạo Hàn Quốc, quy mô ngành công nghiệp âm nhạc nước này đã lên tới 5 tỷ USD. 

Rất nhiều cầu hỏi đặt ra, điều gì đã khiến K-pop trở nên độc đáo và có bước tiến vượt bậc đến vậy? Bên cạnh xây dựng fandom (cộng đồng người hâm mộ - PV) vững chắc, có sức ảnh hưởng lớn trên các mạng xã hội, thì một phần quan trọng khác mà công chúng ít chú ý đến nằm ở khác biệt trong khâu sáng tác của K-pop.

Đứng sau thành công loạt ca khúc hit của BTS là đội ngũ sản xuất âm nhạc hùng hậu.
Đứng sau thành công loạt ca khúc hit của BTS là đội ngũ sản xuất âm nhạc hùng hậu

Không giống như nhiều nước phương Tây hay Việt Nam, không có bài hát K-pop nào được tạo ra bởi một người. Mỗi ca khúc K-pop là một công trình hợp tác chặt chẽ từ các nhà viết lời, nhạc sĩ, nhà soạn nhạc và phối khí.

Điển hình như bài hát gây tiếng vang của SNSD là I Got a Boy từng được nhóm nhạc The Rolling Stones ca ngợi, đã đăng ký bản quyền cho 36 nhạc sĩ và 15 nhà sản xuất từ khắp nơi trên thế giới. Đây cũng là ca khúc mở đường cho chuỗi hợp tác số lượng lớn đội ngũ sản xuất âm nhạc.

Tiếp nối, các bài hát Bad boy (Red Velvet), Kiss my lips (BoA)… cũng áp dụng phương pháp tương tự với sự góp mặt của đội ngũ sản xuất và sáng tác bao gồm Jonathan Yip, Ray Romulus, Jeremy Reeves và Charm, chưa kể những người viết lời.

Do không phụ thuộc vào sáng tạo của một cá nhân, nên mỗi sản phẩm âm nhạc của BTS, SuperM, Blackpink, Twice… nhanh chóng cuốn hút công chúng bởi chất nhạc mới lạ, giai điệu bắt tai... Phần lớn công ty giải trí xứ kim chi thường mời chào nhiều nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc trong và ngoài nước, sau đó đưa ra ý tưởng cơ bản về thể loại, phần còn lại họ sẽ chờ phản hồi (bản nhạc demo).

Họ sẽ chọn lọc những gì hay nhất của các nhà sản xuất rồi tổng hợp lại hoặc điều chỉnh thêm. Hoàn tất khâu làm nhạc, công ty sẽ chuyển cho đội ngũ viết lời. Tương tự như khâu sản xuất, đội ngũ viết lời cũng gửi 6-10 bản nháp cho phía tập đoàn giải trí.

Các tập đoàn giải trí hàng đầu K-pop thường xuyên tham gia các hội trại, diễn đàn âm nhạc toàn cầu để tìm kiếm các nhà sản xuất tài năng.
Các tập đoàn giải trí hàng đầu K-pop thường xuyên tham gia các hội trại, diễn đàn âm nhạc toàn cầu để tìm kiếm các nhà sản xuất tài năng

Sự phối hợp chuyên nghiệp giữa Đông và Tây

Để tạo ra một sản phẩm chất lượng và bắt kịp thời đại, các tập đoàn giải trí Hàn Quốc đủ thông minh để hiểu rằng phải liên tục sáng tạo, pha trộn nhiều màu sắc từ phương Tây cho đến phương Đông, nhằm đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của công chúng. Phần lớn bài hát đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc hiện tại đều được tạo ra bởi các nhà sản xuất nổi tiếng như Will.I.Am - Warren G, Melanie Fontana - Lindgren, Chikk…

Rodrigo Dominguez, Giám đốc đồng bộ & sáng tạo Iberia của Peermusic nhận định: “Ban đầu âm nhạc phương Tây ảnh hưởng đến K-pop nhưng bây giờ K-pop đang ảnh hưởng ngược lại. Hiện các nghệ sĩ K-pop và phương Tây đang hợp tác với nhau và tiếp cận thị trường theo hướng có lợi cho cả hai”.

Trọng dụng yếu tố quốc tế nhưng các tập đoàn giải trí xứ Hàn vẫn không quên tạo cơ hội và điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước, bởi hơn ai hết họ là người am hiểu thị hiếu của khán giả, chất giọng và thế mạnh của các nghệ sĩ khá rõ.

Cùng với đó, phần lớn các nhà sản xuất âm nhạc nước ngoài không nói được tiếng Hàn nên sẽ gặp khó trong khâu sáng tác giai điệu tương thích với ngôn ngữ Hàn Quốc, trong khi đây là một lợi thế tuyệt đối khi làm việc với các nhà sản xuất địa phương. 

Charm, Jonathan Yip, Ray Romulus và Jeremy Reeves là đội ngũ sản xuất nhiều ca khúc hay cho Red Velvet, BoA, Super Junior...
Charm, Jonathan Yip, Ray Romulus và Jeremy Reeves là đội ngũ sản xuất nhiều ca khúc hay cho Red Velvet, BoA, Super Junior...

Mặc dù sở hữu lực lượng sản xuất âm nhạc hùng hậu nhưng cái hay của các tập đoàn giải trí Hàn Quốc là không để công việc trong các khâu chồng chéo nhau hay nảy sinh mâu thuẫn trong quá trình thực hiện. Lý giải cho sự thành công này nằm ở chỗ, bản thân các công ty quản lý nghệ sĩ như SM, YG, JYP và Big Hit đều sở hữu đội ngũ nòng cốt làm nhạc tài năng, ngay cả chủ tịch tập đoàn như Park Jin Young (JYP), Bang Shi Hyuk (Big Hit)… cũng là một nhà soạn nhạc hàng đầu nên họ đảm nhiệm khâu tổng hợp và chắt lọc những gì tinh túy nhất từ một loạt nhà sản xuất hợp tác.

Sự chuyên nghiệp trong khâu phối hợp chính là điểm khác biệt của K-pop so với nhiều nước. Chính vì vậy, mỗi khi nghe một sản phẩm K-pop nào đó, người nghe rất khó đoán được ca khúc này thuộc thể loại nào, bởi nó được pha trộn ít nhất từ 3 loại nhạc khác nhau như pop, R&B, hip-hop, EDM… với mong muốn "gây nghiện" cho người nghe ngay từ những câu hát đầu tiên.

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI