Giải mã sức hút thể loại phim sinh tồn

02/10/2021 - 10:22

PNO - Thành công vang dội và trở thành hiện tượng toàn cầu của "Squid Game" hay trước đó là "Thế giới không lối thoát", "Đấu trường sinh tử"… cho thấy sức hấp dẫn của thể loại phim sinh tồn đối với khán giả.

Những cuộc chiến khốc liệt mà ở đó người chơi phải trả giả bằng mạng sống qua các trò chơi trí tuệ hay chỉ đơn giản là những trò trẻ con được tái hiện chân thực và lôi cuốn. Dù vẫn có những tranh cãi phi hiện thực nhưng không thể phủ nhận sức hút mạnh mẽ từ thể loại phim sinh tồn.

Squid Game cuốn hút khán giả với màn tranh đấu nảy lửa của những con người cùng đường.
Squid Game cuốn hút khán giả với màn tranh đấu nảy lửa của những con người cùng đường.

Sức hút từ sự mới mẻ

Chỉ mất 4 ngày kể từ khi phát hành ngày 17/9, Squid Game đã nhanh chóng vươn lên vị trí số 1 trong Top 10 phim được khán giả yêu thích nhất trên Netflix toàn cầu, xác lập kỷ lục cho phim ảnh Hàn Quốc. Sức hút của tác phẩm lan tỏa đến mức giúp các diễn viên, các trò chơi, trang phục cho đến đạo cụ trong phim được công chúng trên toàn thế giới tìm kiếm và lùng sục.

Trước Squid Game, bộ phim Nhật Bản cùng thể loại Thế giới không lối thoát cũng chinh phục người xem vào cuối năm 2020. Khác với những tác phẩm gây bão trước đó của phương Tây như Đấu trường sinh tử, Saw… vẫn khai thác thể loại sinh tồn nhưng hai bộ phim châu Á cho thấy sự mới mẻ ngay từ phần cốt truyện. Nếu như Thế giới không lối thoát mang màu sắc thiên hướng khoa học viễn tưởng, xây dựng các trò chơi giết chóc đầy trí tuệ, thông qua nhân vật Ryohei Arisu (Kento Yamazaki) và hai người bạn của anh vô tình bước ra từ tàu điện ngầm vào một buổi chiều Tokyo hoang vắng. 

Màn đêm buông xuống và những ngọn đèn khổng lồ trên bầu trời hướng bộ ba đến một trung tâm trò chơi được chỉ định, nơi họ cùng những cư dân xa lạ khác tham gia vào cuộc chiến sinh tử. Nếu bạn thành công, bạn sẽ được gia hạn visa cho phép bạn sống trong vài ngày, nếu thất bại, bạn sẽ chết.

Trailer: Thế giới không lối thoát

 

Trong khi đó, ở Squid Game, 456 người tự nguyện tham gia cuộc chơi hầu hết đều là những con người thất bại trong cuộc sống và mang những món nợ khổng lồ. Thay vì các trò chơi hóc búa, phim khai thác chủ yếu là những trò trẻ con, đơn giản như đèn xanh, đèn đỏ, kéo co, tách kẹo đường… Tuy nhiên sự tàn bạo của giới điều khiển cuộc chơi biến trận chiến trở nên khốc liệt và dã man hơn, nổi bật tính cạnh tranh và phản ánh sự phân hóa giàu nghèo của xã hội Hàn Quốc.

"Các trò chơi dành cho trẻ em thời xưa của Hàn Quốc vốn được sử dụng trong loạt phim của tôi rất đơn giản và cũ kỹ nhưng tôi thấy tiềm năng khiến chúng trở nên hấp dẫn trên toàn thế giới” - Đạo diễn Hwang Dong-hyuk chia sẻ sự đơn giản của trò chơi và câu chuyện của các nhân vật được xem là nguyên nhân chính dẫn đến sự thành công vượt ngoài mong đợi của Squid Game.

Và đó cũng chính là hai yếu tố giúp tác phẩm khác với các bản phát hành cùng thể loại như Battle Royale và Đấu trường sinh tử.

Thế giới không lối thoát cuốn hút người xem bởi các trò chơi trí tuệ.
Thế giới không lối thoát cuốn hút người xem bởi các trò chơi trí tuệ.

Khi kẻ thất bại làm trung tâm câu chuyện

Mặc dù thế giới của Alice in Borderland và Squid Game khác nhau nhưng chung quy lại đều hướng sự chú ý của khán giả vào các mối quan hệ tình bạn, tình yêu lẫn tình thân cho đến sự phản bội, hy sinh. Điểm sáng của hai tác phẩm còn nằm ở sự đầu tư phát triển tuyến nhân vật.

Không xây dựng hình tượng người anh hùng giải các câu đố khó để trở thành người chiến thắng cuối cùng, hai bộ phim đều xoay quanh câu chuyện của những kẻ thất bại, sống bê tha. Không có người chiến thắng, không có thiên tài mà ở đó những người trụ lại cuối cùng nhờ vào sự hy sinh, giúp đỡ của những người khác.

Trailer: Squid Game

 

Với đủ thể loại người chơi từ người già, người đào tẩu, móc túi, tri thức… trong Squid Game đều được biên kịch chú trọng xây dựng cá tính riêng biệt, đậm nét hơn cả là vai chính Gi Hun (Lee Jung Jae thủ vai) - một kẻ bê tha, nghiện cờ bạc, một người cha tồi bỗng nhận ra giá trị của cuộc sống khi tham gia trò chơi.

Squid Game liên quan đến các trò chơi sinh tồn nhưng thực chất bộ phim muốn hướng đến khía cạnh con người ... Vì vậy, khán giả không mất nhiều thời gian để hiểu các quy tắc của trò chơi, điều này mang lại nhiều không gian hơn cho họ theo dõi cảm xúc của các nhân vật” - đạo diễn Hwang Dong-hyuk tâm sự.

Một phần thành công rực rỡ của Squid Game và Alice in Borderland còn nhờ vào sự khẳng định thương hiệu từ các tác phẩm cùng thể loại xuất sắc trước đó. Vẫn giữ nguyên tinh thần đặc trưng của dạng phim sinh tồn, tập trung vào những trò đậm chất bạo lực, ranh giới mỏng manh giữa cái thiện và cái ác, lợi dụng sự lừa gạt, cả tin của con người. Tuy nhiên tùy thuộc vào văn hóa của từng khu vực, mỗi tác phẩm lại lựa chọn lát cắt khác nhau, tạo nên sự đa dạng về cốt truyện, cuốn hút người xem.

Đấu trường sinh tử mang đến những trận chiến nghẹt thở
Đấu trường sinh tử mang đến những trận chiến nghẹt thở.

Nếu Squid Game xoáy sâu vào hiện thực khốc liệt của việc nợ tín dụng, sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, chất liệu đặc trưng tạo nên tiếng vang của nền điện ảnh Hàn Quốc, điển hình như Ký sinh trùng, thì Nhật Bản lại phát huy đường dây kịch bản chặt chẽ, với những trò chơi trí tuệ, khiến người xem nghẹt thở bằng những cú lừa đầy bất ngờ.

Còn các tác phẩm phương Tây lại xoay quanh sự tàn khốc, kinh dị của những trận chiến sống còn, mỗi vòng chơi đều vô cùng kịch tính, khó lường, đồng thời không thiếu những tình huống đảo ngược làm người xem không thể lường trước. Chính sự khác biệt này đã làm nên sự hấp dẫn, thương hiệu cho thể loại sinh tồn.

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI