Nhiều chất phụ gia chưa đủ thông tin
Hầu hết người tiêu dùng cho biết, trước khi quyết định mua một sản phẩm (SP), họ đều đọc mục “thành phần” và “giá trị dinh dưỡng” của SP. “Giá trị dinh dưỡng” thường là cái ghi rất rõ. Song mục “thành phần” gồm những chất phụ gia thực phẩm (chất nhũ hóa, chất điều vị, chất bảo quản, phẩm màu…) thì như đánh đố người tiêu dùng vì luôn được viết tắt, hàm lượng không thể hiện rõ ràng.
Trên nhãn một loại tương ớt, “thành phần” được ghi gồm nước, đường, ớt, tỏi, cà chua, muối i-ốt, chất ổn định (1422, 415), dextrose, maltodextrin, chất điều vị (620, 621, 635), chất điều chỉnh độ a-xít (260, 330), chất bảo quản (211, 202), chất tạo ngọt (acesulfame kali, aspartam), phẩm màu tổng hợp (Sunset yellow FCF, Ponceau 4R), chất chống ô-xy hóa (223, 221, 300).
Tương tự, trên nhãn một SP nước tương có phân khúc tầm trung cũng ghi chung chung, không rõ hàm lượng các chất điều vị 621, màu caramen tổng hợp 150c, a-xít amin L-alanine, chất điều chỉnh độ a-xít 260, chất điều vị (621, 627), chất ổn định 415, chất bảo quản 2020, hương nước tương tổng hợp, chất tạo ngọt tổng hợp acesulfame kali và kali iodid.
Trên nhãn sản phẩm nước mắm cốt nhĩ 45% của một thương hiệu quen thuộc cũng chỉ là ký tự các hợp chất chứ không hề có hàm lượng cụ thể như: đường fructose, chất tạo ngọt tổng hợp (E955), chất điều vị (E621, E627, E631), chất bảo quản (E202), chất điều chỉnh độ a-xít (E330, E270), chất ổn định (E415), màu thực phẩm (E150a, E120, E110), hương nước mắm tổng hợp. Nhìn chung trên bao bì tất cả SP phục vụ cho bữa ăn đều có chung các thành phần: chất điều vị, chất bảo quản, phẩm màu, chất tạo ngọt…
Theo phân tích của tiến sĩ Phan Thế Đồng, giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng, Trường đại học Hoa Sen (TP.HCM), đối với thực phẩm chế biến công nghiệp, do đặc điểm về vận chuyển, phân phối và thương mại nên cần thời gian bảo quản khá dài. Do vậy, nhà sản xuất đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó hiệu quả và rẻ tiền nhất là dùng các phụ gia như: chất bảo quản, chất chống ô-xy hóa…
|
Người tiêu dùng nên đọc kỹ nhãn sản phẩm để tránh những chất phụ gia gây dị ứng cho cơ thể |
Ngoài ra, để SP thu hút người tiêu dùng, nhà sản xuất còn sử dụng các chất làm tăng giá trị cảm quan như: chất tạo màu/mùi/vị, chất ổn định cấu trúc... Các chất này đều đã được nghiên cứu và xác định hàm lượng tối đa cho phép sử dụng trong từng loại thực phẩm.
“Các chất phụ gia được phép sử dụng đều có quy định về liều lượng. Liều lượng này đã được nghiên cứu và khảo sát khả năng dung nạp của con người khi sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau có chứa chất này trong một ngày và đã được giảm xuống khi ra quy định để đảm bảo an toàn. Liều quy định cũng đã khảo sát đến việc an toàn cho suốt cuộc đời. Chỉ trường hợp sử dụng quá liều hoặc sai cách mới có thể gây hại đến sức khỏe” - tiến sĩ Phan Thế Đồng nói.
Còn theo phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Trường đại học Bách khoa Hà Nội), có những thành phần nhà sản xuất ghi trên nhãn SP nhưng cũng có những thành phần họ không ghi vì không bị bắt buộc, tùy theo cơ quan quản lý địa phương. Nhà sản xuất đăng ký chi tiết thành phần các chất có trong SP với cơ quan quản lý, còn trên nhãn SP chỉ ghi chung chung. Vì vậy, người tiêu dùng khó biết chi tiết thành phần các chất có trong SP mình dùng.
Đúng ra, Nhà nước cần ban hành luật chặt chẽ hơn, yêu cầu nhà sản xuất thông tin rõ ràng, khuyến cáo cho người tiêu dùng về hàm lượng tối đa một chất nạp vào cơ thể trong ngày chứ không chỉ thông tin hàm lượng chất đó trong SP. Ví dụ cần thông báo hàm lượng chất A... có trong SP là bao nhiêu phần trăm/mg để người tiêu dùng có cơ sở tính toán khi họ sử dụng SP cùng loại hay khi ăn các SP khác loại có chất A trong thành phần để không gây nguy hiểm.
Ở các nước khác, nhờ được tuyên truyền đầy đủ, người tiêu dùng luôn biết cách tính hàm lượng từng chất có trong từng SP, từ đó cân đối sử dụng sao cho an toàn.
Nhiều chất nước ngoài cấm, nước ta vẫn dùng
Theo các chuyên gia thực phẩm, chất điều vị (nhóm số E6…) thực tế là bột ngọt, chất tạo độ ngọt. Trong đó, 620 là a-xít glutamic và 621 là mononatri glutamat (loại bột ngọt chúng ta thường ăn). Còn 627, 635 chính là “siêu bột ngọt” với độ ngọt gấp 10 lần bột ngọt thông thường. Như vậy, trong thành phần hầu hết các SP nước tương, nước mắm, tương ớt… không chỉ có loại bột ngọt bình thường mà còn có cả siêu bột ngọt. “Người có cơ địa dị ứng nên tránh chọn SP có “siêu bột ngọt” vì chúng có thể gây đau đầu, đổ mồ hôi, phát ban, sưng mặt, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tê rát xung quanh miệng; thậm chí có thể gây đau ngực, tim đập nhanh, khó thở, sưng họng và sốc phản vệ” - phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo.
|
Các chất phụ gia, điều vị đều công khai trên bao bì thực phẩm chế biến (mì gói, nước mắm công nghiệp, gia vị...) nhưng chúng chỉ được ký hiệu bằng số nên nhiều người tiêu dùng thường không chú ý. Ảnh minh họa. |
Riêng các chất bảo quản (có mã từ số E2…) cũng được nhiều người quan tâm. Mã E210 là a-xít benzoic, E211 là muối benzoat natri, E212 là benzoat kali, E213 là benzoat canxi, trong đó E210 là chất phụ gia được các nước như Nhật cấm sử dụng. Chiếu theo liều lượng khuyến cáo của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi ngày không tiêu thụ các muối benzoic (chất bảo quản nói chung) quá 5mg/kg trọng lượng cơ thể. Ví dụ, một người nặng 50kg không nên sử dụng quá 0,25g muối benzoat/ngày. Nhưng làm sao ta có thể biết ta đã đưa vào cơ thể bao nhiêu khi nhãn SP không thể hiện chi tiết?
Về phẩm màu, E124 (Ponceau R, màu đỏ) thường thấy trong nhiều loại thực phẩm; nhất là tương ớt, bánh kẹo, nước ngọt. Chất này bị Mỹ và một số nước châu Âu cấm dùng vì bị nghi ngờ gây ung thư và tăng động ở trẻ nhỏ. Một nhóm các nhà khoa học Anh đã nghiên cứu ảnh hưởng của một số loại phẩm màu và chất bảo quản thực phẩm đối với trẻ em. Kết quả cho thấy khi được cho uống nước ép trái cây có pha 20mg phẩm màu và 45g chất bảo quản E211 trong hai tuần liên tiếp, những đứa trẻ rất khó tập trung, dễ nổi cáu và khó ngủ. Sau đó, khi nhóm nghiên cứu không pha các chất nói trên vào nước trái cây nữa, các triệu chứng trên giảm hẳn.
Nhóm nghiên cứu đã đề nghị chính phủ Anh buộc các nhà sản xuất hạn chế sử dụng các loại phẩm màu như E102 (Tartrazine, màu vàng), E110 (Jaune d’ Orange, màu da cam), E122 (Azorubune, màu đỏ), E124 (Ponceau 4R, màu đỏ) và chất bảo quản E211 (Benzoat Natri) bởi có tới 42% sữa, 93% kẹo bánh, 41% nước uống dành cho trẻ em chứa các chất trên.
Một số loại phẩm màu như E104 (Quinoline, màu vàng), E122 (Carmoisine, màu đỏ), E124 (Ponceau 4R, màu đỏ)… được phép sử dụng tại Việt Nam với hàm lượng theo quy định hiện đã bị cấm tại Mỹ. Trong một số nghiên cứu thực hiện ở người nổi mề đay, 52% người tham gia có phản ứng dị ứng với màu thực phẩm.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Thịnh, các chất phụ gia tạo độ chua, độ ổn định được cho là lành tính hơn và chưa có nhiều cảnh báo. Dù vậy, người tiêu dùng không nên dùng nhiều một loại SP trong ngày mà nên ăn nhiều SP khác nhau để tránh trường hợp nạp vào người lượng chất phụ gia vượt quá hàm lượng cho phép/trọng lượng cơ thể/ngày. “Người tiêu dùng cần cẩn trọng với những loại SP có nhãn hàng không rõ ràng, không có xuất xứ vì người sản xuất có thể dùng bất kỳ loại phụ gia nào để SP bảo quản được lâu; có màu sắc, mùi vị hấp dẫn mà không quan tâm đến tính an toàn” - tiến sĩ Phan Thế Đồng cảnh báo.
Một số bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý khi đọc nhãn để lựa chọn Sản Phẩm phù hợp Bệnh nhân tiểu đường cần mua SP dành cho người ăn kiêng có năng lượng thấp thì chọn “low calories”. Bệnh nhân suy thận có chế độ dinh dưỡng ít đạm, ít muối tránh chọn SP năng lượng cao với các chữ “high calories” hoặc “high energy”. Nếu muốn chọn SP giàu chất xơ, nên tìm SP có chứa thông tin “high fiber” hoặc “rich fiber”. Người mắc bệnh tim, tăng huyết áp cần hạn chế muối nên tránh mua SP có ký tự Na+, salt, natri, sodium. |
Thanh Hoa - Nguyễn Cẩm