Giải mã hình thức xử phạt học sinh... đọc sách gây "bão"

28/04/2023 - 14:04

PNO - Một trường THPT tại TPHCM áp dụng hình thức xử phạt học sinh vi phạm bằng… đọc sách, viết cảm nhận đã nhận được sự đồng tình của học sinh, phụ huynh, gây “bão” cả xã hội những ngày qua là do đâu?

Thầy Phạm Thanh Tuấn - giáo viên Trường THCS - THPT Diên Hồng (quận 10) đánh giá, việc áp dụng hình thức xử phạt học sinh vi phạm bằng cách cho các em đọc sách hạt giống tâm hồn là hình thức xử phạt mang tính giáo dục và nhân văn cao. Đọc sách sẽ mang lại những kiến thức bổ ích cho học sinh, từ đó các em có thể rút ra được bài học cho bản thân, suy ngẫm và cảm nhận về những lỗi của mình để có thể rút kinh nghiệm và khắc phục. Việc đọc sách cũng góp phần xây dựng văn hóa đọc cho học sinh thay cho những thói quen tiếp cận phương tiện công nghệ. 

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) trong một hoạt động rèn luyện tại trường
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) trong một hoạt động rèn luyện tại trường

“Chính những giá trị này đã giúp hình thức xử phạt nhận được sự quan tâm hưởng ứng từ phụ huynh, học sinh và xã hội” - thầy Phạm Thanh Tuấn khẳng định.

Theo giáo viên này, các hình thức xử phạt học sinh đang được các trường áp dụng hiện nay theo những quy định hiện hành như nhắc nhở, viết kiểm điểm, mời phụ huynh, thậm chí lập hội đồng kỷ luật, hạ hạnh kiểm, tùy theo mức độ vi phạm học sinh, mặc dù mang tính răn đe cao song chưa mang tính giáo dục sâu sắc hướng đến tâm lý học sinh, nên chỉ có tác động lúc hiện tại, sau đó học sinh vẫn có thể tiếp tục vi phạm.

“Vi phạm và được yêu cầu đọc sách, viết cảm nhận nếu nhìn qua có thể thấy hình thức kỷ luật này không mang tính răn đe cao song đối với giáo dục hiện nay phải thẳng thắn thừa nhận rằng, kỷ luật tích cực, yêu thương, đánh sâu vào nhận thức học sinh thì mới hiệu quả, mới giúp các em nhìn thấy lỗi vi phạm và tự khắc phục sửa đổi. Còn nếu chỉ la mắng, trách phạt thì đôi khi càng làm cho các lỗi vi phạm thêm trầm trọng hơn”  - thầy Phạm Thanh Tuấn nêu rõ.

Phạt học sinh vi phạm bằng đọc sách, viết cảm nhận mang tính giáo dục, nhân văn cao
Phạt học sinh vi phạm bằng đọc sách, viết cảm nhận mang tính giáo dục, nhân văn cao

Thầy Phan Thế Hoài - giáo viên ngữ văn, Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) - nhìn nhận, nguyên tắc của giáo dục là cảm hóa con người bằng sự cảm thông, tình yêu thương, lòng bao dung chứ không phải qua các hình thức trách phạt, la mắng. Hình thức xử phạt học sinh bằng việc đọc sách, viết cảm nhận trước tiên đã tác động đến các giá trị này nên ngay lập tức được hưởng ứng…

“Hình thức này là một cách làm kiểu mưa dầm thấm lâu. Khi đã thấm lâu thì sẽ có hiệu quả - nghĩa là học sinh sẽ nhận ra lỗi, tâm phục khẩu phục với những ứng xử của thầy cô để không còn vi phạm nữa. Đây là hình thức xử phạt tích cực, đáng khích lệ các trường làm theo để giáo dục học sinh đạt hiệu quả cao nhất trong bối cảnh hiện nay” - thầy Phan Thế Hoài phân tích. 

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đối với việc xử phạt học sinh vi phạm thì các nhà trường vẫn cần thiết phải phân loại các lỗi vi phạm của học sinh để có hình thức xử phạt phù hợp, không cào bằng, đánh đồng. Ví dụ, nếu học sinh mắc lỗi vi phạm cao như bạo lực học đường thì bên cạnh việc tìm hiểu, phân tích để học sinh hiểu, vẫn cần áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm khắc như cho các em lao động công ích tại trường sau giờ học trong vòng 1 tuần để các em nhận ra hành vi của mình và ý thức sửa đổi…

Thay vì trách phạt, la mắng cho đã nư thầy cô, việc xử phạt bằng tình yêu thương sẽ là con đường để đi đến trường học hạnh phúc
Thay vì trách phạt, la mắng, việc xử phạt bằng tình yêu thương sẽ là con đường để đi đến trường học hạnh phúc

“Hình thức kỷ luật phù hợp là phải làm cho học sinh tâm phục khẩu phục và không vi phạm. Khi các em nhận thức đúng đắn về hành vi, ứng xử của bản thân đối với gia đình, thầy cô, bạn bè và những người xung quanh thì các em sẽ không vi phạm, không bạo lực học đường, thậm chí còn lan tỏa những suy nghĩ, hành vi tích cực cho bạn bè, những người xung quanh…” - thầy Phan Thế Hoài nhấn mạnh.

Giáo dục bằng tình yêu thương, để học sinh thấy được tôn trọng

Thạc sĩ Hoàng Sĩ Đăng - giảng viên khoa Truyền thông, ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) nhận định, trong thời đại 4.0 hiện nay, khi kiến thức có thể được học từ nhiều nguồn thì trường học không còn là nơi chỉ truyền đạt, trao giảng kiến thức nữa mà trên hết phải là nơi giáo dục học sinh về các giá trị sống, giá trị đạo đức, người giáo viên phải là người hướng dẫn, định hướng cho học sinh.

Ứng xử thầy trò trong môi trường giáo dục phải thay đổi, thay vì khiển trách, la mắng trước lỗi vi phạm của học sinh thì cần phải áp dụng những hình thức kỷ luật tích cực, giáo dục bằng tình yêu thương, cảm hóa, để học sinh thấy được tôn trọng. Nhất là khi những áp lực, trầm cảm ở học sinh đang ngày càng gia tăng thì kỷ luật tích cực còn trở thành liều thuốc để nâng đỡ học sinh… 

“Trước các lỗi vi phạm của học sinh, cho dù nhà trường, thầy cô có áp hình thức kỷ luật nào đi nữa thì vẫn cần giữ cái gốc của giáo dục, tôn trọng học sinh, giúp học sinh nhận ra cái đúng, cái sai, thay đổi các em trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, giúp các em trưởng thành hơn chứ không phải là phạt để “cho đã nư” của thầy cô giáo… Chỉ có như thế mới có trường học hạnh phúc, mới có mỗi ngày đến trường là một ngày vui” - thạc sĩ Hoàng Sĩ Đăng nói. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI