Giải mã bí ẩn ma cà rồng dưới góc nhìn y khoa

14/09/2017 - 14:17

PNO - Dưới góc nhìn của khoa học, ma cà rồng rất có thể là những người mắc phải một loại rối loạn máu di truyền.

Ma cà rồng là sinh vật bí ẩn trong truyền thuyết đã truyền cảm hứng cho rất nhiều câu chuyện kinh dị trong nhiều thế kỷ qua. Nhưng theo nghiên cứu mới đây, sinh vật hút máu này có thể không giống với những gì chúng ta tưởng tượng.

Giai ma bi an ma ca rong duoi goc nhin y khoa
Giải mã bí ẩn ma cà rồng được nhiều nhà khoa học quan tâm


Một báo cáo mới từ Bệnh viện Nhi Boston (Mỹ) đã cung cấp bằng chứng cho thấy ma cà rống rất có thể chỉ là những người mắc phải một chứng rối loạn máu di truyền có tên gọi protoporphyria erythropoietic (EPP).

EPP là một loại đột biến di truyền hiếm gặp ảnh hưởng đến oxy trong máu và làm cho người bệnh trở nên dị ứng với ánh nắng mặt trời. Ở những thế kỷ trước, vì hiểu biết về khoa học kém, những người mắc EPP bị xem như là thế lực siêu nhiên.

Đây không phải là lần đầu tiên ma cà rồng được liên kết với EPP, nhưng báo cáo này được cho là sự phân tích toàn diện nhất kết nối hai khái niệm này với nhau.

Giai ma bi an ma ca rong duoi goc nhin y khoa
Bệnh nhân EPP cần ở trong nhà và được truyền máu để cung cấp đủ heme


Trong máu người có chứa heme (một sắc tố đỏ), một thành phần của hemoglobin – loại protein vận chuyển oxy trong máu. Khi heme liên kết với sắt, nó sẽ tạo ra màu đỏ của máu.

Để sản xuất ra heme, cơ thể phải trải quả một quá trình gọi là tổng hợp porphyrin, chủ yếu diễn ra ở gan và tủy xương. Bất kỳ khiếm khuyết di truyền nào ảnh hưởng đến quá trình này đều có thể làm gián đoạn khả năng sản xuất heme của cơ thể. Việc giảm sản xuất heme sẽ dẫn đến sự tích tụ các thành phần protoporphyrin.

Với người mắc bệnh EPP thì protoporphrin IX tích tụ trong hồng cầu, huyết tương và đôi khi ở gan. Khi protoporphrin IX tiếp xúc với ánh sáng, nó sẽ sản sinh ra các hóa chất gây hại xung quanh tế bào.

Giai ma bi an ma ca rong duoi goc nhin y khoa
 

Kết quả, bệnh nhân EPP bị sưng, tấy đỏ và bỏng da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, dù chỉ là một lượng nhỏ ánh sáng chiếu qua cửa sổ.

Những người mắc EPP sẽ bị thiếu máu kinh niên, khiến họ luôn cảm thấy mệt mỏi và trông rất nhợt nhạt. Vì rất nhạy cảm với ánh sáng nên họ không thể ra ngoài trời vào ban ngày. Kể cả trong những ngày nhiều mây, tia cực tím trong ánh sáng vẫn đủ để khiến da bệnh nhân bị phồng rộp, các bộ phận như tai và mũi bị biến dạng.

Để giảm bớt một số triệu chứng, bệnh nhân EPP cần ở trong nhà và được truyền máu để cung cấp đủ heme. Trong thời cổ đại, việc uống máu động vật và chỉ ra ngoài vào ban đêm giúp bệnh nhân EPP đạt được hiệu quả tương tự, điều này càng góp phần tạo nên những truyền thuyết ma cà rồng.

Hà Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI