Giải mã bệnh 'chỉ hít không khí thôi cũng mập'

05/11/2018 - 06:56

PNO - Câu chuyện “nàng kiến càng” Huỳnh Lê Hoa Mai (27 tuổi, ngụ TP.HCM) lọt vào top 5 cuộc thi thể hình chuyên nghiệp Musclecontest Vietnam 2018 hồi tháng Tám vừa qua, được rất nhiều phụ nữ quan tâm.

Vì theo chia sẻ của Mai, trước đó khi chưa phát hiện căn bệnh suy giáp, cô khó có thể giảm cân cho dù tập luyện, kiêng cữ cỡ nào đi chăng nữa. 

Vấn đề này cần được giải đáp và hướng dẫn từ giới chuyên môn để người dân, nhất là phụ nữ hiểu đúng.

Tăng hay giảm cân xuất phát từ nhiều yếu tố

Hình ảnh săn chắc, cơ bắp cuồn cuộn nổi bật của Mai hiện nay hoàn toàn khác hẳn với dáng vẻ uể oải thừa cân cách đây hai năm. Thời điểm cô vừa lên TP.HCM học đại học và bắt đầu cuộc sống tự lập, Mai không có khái niệm gì về việc tập luyện, giữ dáng. Với lối sống và thói quen “thích gì ăn nấy”, chỉ chưa đầy hai năm, cân nặng của cô tăng lên chóng mặt.

Giai ma benh 'chi hit khong khi thoi cung map'
Lực sĩ thể hình Huỳnh Lê Hoa Mai từng mắc bệnh suy giáp

“Tôi vẫn nghĩ mọi thứ bình thường. Cho đến một lần đi mua quần áo, tôi yêu cầu nhân viên bán hàng cho thử size 27. Người đó làm tôi chưng hửng khi đáp lại rằng size của tôi phải là 31 mới đúng. Tôi nhìn lại cơ thể và ôi thôi như muốn sụp đổ”, Mai chia sẻ.

Từ đó, cô sinh viên với lối sống thụ động quyết định tìm đến fitness để lấy lại thân hình lý tưởng ngày nào. Tuy nhiên, kết quả đạt được không đáng kể. Ngoài lý do chưa tiếp cận được chế độ tập luyện thực sự chuyên nghiệp, Mai còn mắc chứng suy giáp. “Bác sĩ nói bệnh này rất dễ tăng cân, cho dù không ăn nhiều thực phẩm thì cơ thể vẫn mập”, Mai nói.

Theo Mai, nhiều chị em kiêng ăn, tập luyện nhưng lại khó giảm cân và cho rằng do cơ địa. Nhưng rất có thể nguyên nhân đằng sau đó là căn bệnh suy giáp, thủ phạm giấu mặt khiến cho việc giữ dáng của nhiều phụ nữ mãi là giấc mơ xa vời.

Nhiều người mắc chứng suy giáp than rằng, đây là “căn bệnh chỉ cần hít không khí thôi cũng mập rồi” hoặc “làm kiểu gì cũng không thể giảm cân nổi”, bác sĩ Võ Tuấn Khoa - Khoa Nội tiết Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM) - không hoàn toàn đồng ý như vậy. Bởi theo ông, việc tăng hay giảm cân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chứ không chỉ liên quan đến bệnh lý tuyến giáp.

Lạm dụng thuốc điều trị suy giáp để giảm cân

Trước hết, về mặt y học, bác sĩ Khoa cho biết, đúng là có ít nhất hai bệnh lý liên quan đến cân nặng là cường tuyến giáp và suy tuyến giáp. Ở những người cường giáp, sẽ bị sụt cân rất nhiều khi phát bệnh, ngược lại, người suy giáp thường tăng cân rất nhiều. Ngoài ra, nguyên nhân làm tăng cân từ các bệnh lý nội tiết còn có tăng cortisol trong hay còn gọi là tăng cân nội sinh.

Thứ đến, bác sĩ Khoa đưa ra lưu ý đặc biệt quan trọng về các trường hợp lạm dụng thuốc điều trị suy giáp để giảm cân. “Cường giáp bị sụt cân nhiều. Khi điều trị ổn định thì cơ thể sẽ tăng trở lại theo cân nặng ban đầu. Còn suy giáp, cơ chế tăng cân không phải tăng như bình thường là do dư chất béo, mà bản chất là các tế bào sẽ giữ nước. Khi điều trị suy giáp ổn định, cân nặng về lại mức bình thường. Chính vì thấy hiện tượng này, nên có một quan niệm cho rằng người không mắc bệnh suy giáp có thể uống thuốc điều trị suy giáp để giảm cân. Điều đó hoàn toàn sai lầm”, bác sĩ Khoa nhấn mạnh.

Thực chất, thuốc Levothyroxine dùng điều trị suy giáp không được chỉ định cho giảm cân. Theo bác sĩ Khoa, việc tăng cân chỉ là một trong các triệu chứng của bệnh suy giáp, bên cạnh các triệu chứng như thần kinh chậm chạp, lờ đờ không tập trung, nhịp tim chậm, có thể tràn dịch phổi, tràn dịch màn tim, da giống như thiếu máu, khô, sợ lạnh… Dùng thuốc Levothyroxine giúp cơ thể người bệnh bù được các chất đang thiếu do mắc suy giáp, thì cơ thể trở lại bình thường. Như thế, việc giảm cân rõ ràng không phải do thuốc này.

Đến nay cũng chưa hề có nghiên cứu nào chứng minh tác dụng giảm cân của thuốc điều trị suy giáp. Vấn đề thứ hai nguy hiểm hơn, dùng thuốc này có nhiều tác dụng phụ như run tay, hồi hộp, rối loạn nhịp tim, loãng xương... 

“Việc giảm cân không phải chỉ dựa vào tuyến giáp mà còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Cơ bản cái nạp vào phải ít hơn cái mình đốt cháy gọi là chuyển hóa căn bản năng lượng. Do đó, tập luyện luôn là yếu tố quan trọng để duy trì vóc dáng khỏe đẹp”, bác sĩ Khoa quả quyết. 

Tuyệt đối không dùng thuốc chữa suy giáp để giảm cân

Bác sĩ Khoa cho biết, hai hội chứng cường và suy giáp thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh nở và đang mang thai. Những người béo phì nên tầm soát những nguyên nhân làm tăng cân từ các bệnh lý nội tiết làm tăng cân như bệnh lý tuyến giáp, tăng cortisol máu. Việc chẩn đoán các bệnh lý tuyến giáp khá đơn giản bằng xét nghiệm máu, cộng chẩn đoán hình ảnh như siêu âm.

Dĩ nhiên, với những ai khi bắt đầu tập gym, nên bắt đầu làm những xét nghiệm tổng quát như tim mạch và xét nghiệm chức năng tuyến giáp. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tầm soát bệnh lý tuyến giáp nói chung. Bác sĩ Khoa cũng nhấn mạnh: tuyệt đối không được sử dụng thuốc chữa suy giáp vào mục đích giảm cân.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI