Giải hạn đầu năm: Người Việt tin sao, không tin chính mình

16/02/2016 - 07:40

PNO - Hàng nghìn người ngồi ngoài chùa Phúc Khánh (TP. Hà Nội) làm lễ dâng sao giải hạn khiến tình trạng an ninh hỗn loạn.

Tối ngày 15/2, khu vực đường Tây Sơn đoạn qua Ngã Tư Sở chật kín người dân tìm đến chùa Phúc Khánh làm lễ "dâng sao giải hạn" đầu năm. Trong đám đông có cả người già, người trẻ, đàn ông, phụ nữ... tất cả đều hướng vào chùa chắp tay thành kính cầu khấn tiễn "sao xấu".

Bà Nguyễn Thị Nụ (54 tuổi, ngụ phường Khương Thượng, Q. Đống Đa) chia sẻ, nguyên nhân mình tìm đến chùa Phúc Khánh để làm lễ "dâng sao giải hạn" là do ngôi chùa này nổi tiếng linh thiêng. Mặc dù biết trước sẽ phải chịu cảnh chen lấn, xô đẩy nhưng bà Nụ vẫn tình nguyện được đến đăng ký làm lễ trong dịp đầu năm.

Để chuẩn bị cho việc cúng lễ vào tối ngày 15/2, bà Nụ đã phải mang theo chiếc ghế nhựa của gia đình ra khu vực chùa Phúc Khánh ngồi từ 16h. Bà Nụ kể: "Hàng năm trong gia đình đều có người bị sao xấu chiếu mạng nên cần phải làm lễ tiễn đi, đón sao tốt về...".

Giai han dau nam: Nguoi Viet tin sao, khong tin chinh minh
Hàng nghìn người chen chân tại khu vực chùa Phúc Khánh tối ngày 15/2.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, anh Nguyễn Viết Thịnh (29 tuổi) còn mang sẵn cơm ở nhà đi đến chùa Phúc Khánh, chuẩn bị cho khóa lễ dâng sao giải hạn của bản thân mình. "Không biết việc dâng sao giải hạn có hiệu quả đến đâu nhưng bố mẹ bắt tôi đi làm vì năm nay tôi bị sao xấu chiếu mệnh, dù sao thì việc cúng lễ cũng làm tôi cảm thấy yên tâm hơn" - anh Thịnh thật thà chia sẻ.

Theo quan sát của PV, việc có nhiều người tập trung đến dâng sao giải hạn khiến giao thông tại khu vực chùa Phúc Khánh trở nên hỗn loạn. Cơ quan chức năng phải cử lực lượng tới vị trí để điều tiết giao thông, đảm bảo tình hình an ninh trật tự.

Trong khi đó, Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Phó trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cho rằng, không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho Phật tử cả. Bởi vì tất cả họa và phước mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên.

Đức Phật hoàn toàn không nói về những ngôi sao chiếu mạng, Ngài chỉ dạy chúng ta về luật nhân quả: “Muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại”.

Giai han dau nam: Nguoi Viet tin sao, khong tin chinh minh
Họ làm lễ trong sự thành tâm, cầu mong năm mới may mắn, thuận lợi.

Gieo nhân nào thì gặt quả đó, thành công hay thất bại trong đời người không do ai ban phát mà do chúng ta tạo nên từ trước. Tất cả đều do tâm, khẩu và ý của con người tạo ra, nhân duyên xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ quả xấu, những nhân duyên tốt sẽ trổ quả tốt.

Điều khiến nhiều người lo ngại là trong đám đông đến "giải hạn" ở chùa Phúc Khánh tối ngày 15/2, rất đông những người trẻ tuổi, vẻ mặt sáng ngời cho thấy có tri thức. Lý giải về điều này, chuyên gia Xã hội học - TS. Nguyễn Huỳnh cho rằng, hiện nay nền kinh tế thị trường đang bị cạnh tranh khốc liệt, họ không còn tin vào năng lực của bản thân mình nữa.

Chính vì thế, giới trẻ hôm nay cứ nơm nớp lo sợ “vận hạn” của mình khi khởi đầu cho một năm mới. Họ tìm thầy, tìm đến những nơi linh ứng, bám víu vào một “đấng tối cao” trong tưởng tượng để giải quyết hàng trăm mối lo âu và sợ hãi.

"Một đất nước đang phát triển và hội nhập quốc tế sao lại có những nam thanh, nữ tú mê tín đến mụ người như vậy? Tương lai của một quốc gia nằm trong tay những người chỉ biết cầu xin số mệnh, “dâng sao, giải hạn” có thể nào phát triển bền vững?" - ông Huỳnh đặt ra nhiều câu hỏi.

Chi Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI