Văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và tồn vong của dân tộc. Tuy nhiên, những năm gần đây, văn hóa đang có những biểu hiện xuống cấp đáng lo ngại.
Buổi trò chuyện nhẹ nhàng cuối năm với nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Phó chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, và bà Ngô Phương Thảo, Giám đốc Anbooks sẽ đưa ra những góc nhìn về vai trò của giáo dục trong việc xây dựng lại văn hóa cá nhân cũng như văn hóa dân tộc.
Phóng viên: “Khủng hoảng văn hóa” là từ mà ngày nay chúng ta nói đến rất nhiều, để lý giải nguyên nhân của mọi vấn đề trong xã hội, từ chuyện tham nhũng, nợ công đến các vấn đề môi trường, đạo đức xã hội, bạo hành học sinh... Ông nghĩ sao về điều này, thưa ông Giản Tư Trung?
Ông Giản Tư Trung: Văn hóa là yếu tố bên trong, chiều sâu của xã hội, văn hóa nào thì xã hội đó. Chúng ta thường lo lắng về khủng hoảng kinh tế, nhưng thật ra khủng hoảng văn hóa còn đáng sợ hơn nhiều. Vì một chu kỳ của khủng hoảng kinh tế thường chỉ khoảng 5-10 năm, nhưng để “giải độc” văn hóa thì có khi phải mất đến hàng chục, thậm chí hàng trăm năm.
Văn hóa chính là “phần người”, là đời sống tinh thần, nếu như không có văn hóa thì người ta chỉ quan tâm đến vật chất và sống hoàn toàn bản năng. Để có văn hóa, con người cần phải được khai trí nhằm có cái đầu sáng để minh định và phải được khai tâm nhằm có trái tim nóng để rung cảm. Trong một xã hội, một thời đại mà mọi giá trị đều bị thách thức, mọi chuẩn mực có thể bị đảo lộn, niềm tin bị đổ vỡ, thời mà kim tiền lên ngôi, thì việc minh định đúng - sai, phải - trái, chân - giả, thiện - ác, chính - tà, tốt - xấu... quả thật không dễ.
Nếu như cái đầu sáng là để ta minh định được ai là ai, cái gì là cái gì và mình là ai; thì trái tim nóng giúp ta biết rung lên trước cái đẹp (nhất là cái đẹp vô hình, chỉ có thể cảm nhận mà thôi), biết thổn thức trước nỗi đau của đồng loại, biết phẫn nộ trước cái ác, có tình thương yêu và giàu lòng trắc ẩn. Ngược lại, với một cái đầu vô minh và trái tim vô hồn, không biết ta là ai, ta sống trên đời này vì điều gì, thì sẽ rất có hại cho chính mình và nguy hại cho cả xã hội...
* Xét cho cùng căn nguyên của câu chuyện văn hóa này cũng chính từ giáo dục mà ra...
Ông Giản Tư Trung: Nếu như văn hóa nào xã hội đó, thì có thể nói giáo dục nào văn hóa đó. Bởi lẽ, giáo dục là “mẹ” của văn hóa. Còn cái gì tạo ra giáo dục thì nhiều thứ để bàn lắm. Muốn xây dựng một nền giáo dục để “chữa trị” được các căn bệnh của xã hội do khủng hoảng văn hóa hiện nay, chúng ta phải trả lời một cách thẳng thắn câu hỏi: Giáo dục của chúng ta muốn đào tạo ra con người tự do, con người khai minh, hay chỉ muốn đào tạo ra con người phận vị, con người nô lệ, con người công cụ? Đó chính là mục tiêu mà giáo dục cần phải xác định.
Bà Ngô Phương Thảo: Theo tôi, cùng với mục tiêu giáo dục thì cũng cần tìm ra một triết lý giáo dục, để trả lời cho các câu hỏi: Con người ta tồn tại vì điều gì? Chẳng lẽ sinh ra rồi chỉ học hành, kiếm tiền, chữa bệnh, rồi chết? Có thứ gì nằm giữa các “công đoạn” này? Tại sao phải học, học để làm gì? Học như thế nào? Giá trị của chúng ta là gì? Học và dạy thế nào để có thể hiện thực hóa giá trị đó?
Đó là lý do phải có triết lý giáo dục cho một quốc gia, triết lý giáo dục cho một gia đình, triết lý sống cho một cá nhân. Ngày nào ta chưa gọi tên được triết lý cho mình, ngày đó ta vẫn còn quẩn quanh ăn, học và làm việc như một cỗ máy và chết như một robot đã hết hạn sử dụng. Tôi không muốn con cái mình có cuộc đời như vậy.
Ông Giản Tư Trung: Tôi cho rằng Việt Nam đã có triết lý giáo dục, vấn đề là nó có được phát biểu ra bằng lời một cách tường minh và có phù hợp với sự tiến bộ thời đại hay chưa. Nếu chưa thì ta phải định nghĩa và định danh lại. Để xác định triết lý giáo dục cần trả lời ba câu hỏi sau: Thế nào là con người? Chúng ta muốn tạo ra những con người như thế nào? Và làm thế nào để tạo ra những con người như vậy?
Lâu nay, người ta thường trông chờ triết lý giáo dục từ Nhà nước. Tôi lại nghĩ triết lý giáo dục không phải là độc quyền của Nhà nước. Vì Nhà nước sẽ có triết lý giáo dục của Nhà nước để phát triển công dân; nhà trường và nhà giáo cũng cần có triết lý giáo dục để dạy học trò; cha mẹ cũng cần có triết lý giáo dục để dạy con, và chính bản thân mỗi chúng ta cũng cần có triết lý giáo dục để “giáo dục bản thân”. Nếu mỗi người không có triết lý giáo dục của riêng mình để giáo dục bản thân thì khó mà trở thành con người tự do được.
* Vậy “chân dung” con người tự do thế nào, thưa ông?
Ông Giản Tư Trung: Con người tự do theo tôi cần phải có “tam tính”, đó là nhân tính, quốc tính và cá tính. “Nhân tính” là những đặc trưng văn hóa để phân biệt con người với những giống loài khác và máy móc. Đó là nhân bản, nhân văn, nhân quyền, là những giá trị có tính phổ quát và trường tồn.
“Quốc tính” bao gồm “dân tính” (năng lực làm dân) và “tộc tính”, đó là căn tính quốc gia, là cảm thức về gốc gác, là ký ức về cội nguồn, là bản sắc và nếp sống của gia tộc, dòng tộc, sắc tộc và dân tộc mình.
Còn “cá tính” là thứ để phân biệt mình với người khác. Lâu nay chữ “cá tính” thường được hiểu theo nghĩa là một nét dị biệt khác người, cũng như chữ “tự do” hay được hiểu là “muốn làm gì thì làm”, nhưng hiểu một cách chính xác hơn thì nó là đức tin, phẩm giá và tính cách của riêng mình.
“Cá tính” nếu không được xây dựng trên nền tảng của nhân tính thì sẽ trở thành “quái tính”. Quốc tính cũng cần được xây dựng dựa trên nền tảng “nhân tính”, những “quốc tính” trái với “nhân tính” thì không đáng để giữ gìn và phát huy.
Khi dùng “tam tính” này soi chiếu vào hệ thống giáo dục Việt Nam thì kết quả rất đáng lo ngại. Nếu soi vào các trường quốc tế, hệ thống các trường này thường đưa nguyên chương trình nước ngoài vào, mà ở các quốc gia văn minh họ xem nhân tính là cái ai cũng có, như hơi thở, không cần phải dạy quá nhiều. Các trường quốc tế chủ yếu tập trung vào cá tính, chứ hầu như ít chú trọng về quốc tính, và nếu có quốc tính thì đó là quốc tính của xứ họ, chứ không phải xứ mình.
Nếu soi vào phần lớn trường tư hiện nay thì cũng có những trường tốt, nhưng đa số thì việc dạy về nhân tính không rõ ràng, quốc tính không mấy quan tâm, mà cá tính cũng chưa được chú trọng. Nếu soi vào các trường công, thì giáo dục quốc tính không rõ ràng, nhân tính không cụ thể và hầu như không thấy giáo dục cá tính.
Nếu không giúp con trẻ hình thành “tam tính” thì sau này rất dễ trở thành con người “vô tính”, thậm chí là người đầy “toan tính” hay “ác tính”.
* Có vẻ như các bậc cha mẹ cũng không quan tâm đến quốc tính mà chỉ chăm chăm muốn con tiếp thu văn hóa phương Tây để trở thành “công dân toàn cầu”?
Bà Ngô Phương Thảo: Nhiều năm rồi tôi cũng trăn trở về điều này. Khái niệm công dân toàn cầu cần được hiểu thế nào cho đúng? Và truyền thống nào của dân tộc là truyền thống cần gìn giữ?
Vấn đề của toàn cầu hóa là khi các biên giới giữa các quốc gia hoàn toàn bị xóa nhòa trên môi trường internet, một công dân từ Việt Nam cũng có cơ hội ngang hàng như một công dân Mỹ về việc làm trên khắp thế giới, thì điều gì có thể giúp phân biệt một công dân Việt Nam và một công dân Mỹ? Và liệu trong tương lai, người ta còn có thể phân biệt được không và còn có nhu cầu phân biệt hay không?
Ông Giản Tư Trung: Tôi xin chia sẻ một câu chuyện thú vị khi có dịp thăm một số thân hữu ở nước ngoài. Họ là những học giả người Việt sống ở hải ngoại từ 30-70 năm, con cháu của họ sinh ra lớn lên ở nước ngoài, nhưng trong bữa cơm của gia đình, họ đều nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Những vị học giả này chia sẻ rằng họ rất không thích bị gọi là “Việt kiều” hay “người Mỹ gốc Việt/người Pháp gốc Việt”.
Bởi lẽ, họ cho rằng, họ chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là người Mỹ hay người Pháp. Họ vĩnh viễn là người Việt. Họ tự định danh họ là “người Việt quốc tịch Mỹ” hay “người Việt công dân Mỹ”. Còn con cháu của họ, sinh ra và lớn lên ở xứ người, thì mang trong mình hai quốc tính, xứ người và xứ mình. Trong khi đó, lại có những bạn trẻ có cha mẹ là người Việt Nam, sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, nhưng lại không rành tiếng Việt, không quan tâm đến cội nguồn văn hóa - lịch sử Việt, thích ăn đồ Tây hơn đồ Việt, thậm chí còn muốn từ chối gốc gác của mình, tự cho mình thuộc một giai tầng khác. Người không có quốc tính vẫn có thể thành công trong công việc, nhưng không thể là người có tầm vóc văn hóa.
Bà Ngô Phương Thảo: Tôi đồng ý với quan điểm này, một công dân toàn cầu không thể quên gốc gác, nguồn cội và các giá trị văn hóa truyền thống. Mặt khác, chúng ta cần tập trung phát triển một con người có khả năng thấu hiểu chính bản thân anh ta, tự do trong tư tưởng và biết trân trọng, yêu thương người khác.
Chúng ta không thể đi ngược tiến trình toàn cầu hóa vì vậy phải tạo điều kiện để con cái chúng ta có thể được đối đãi trọng thị, đầy tình thương khi ra thế giới. Suy cho cùng, người ta nể một con người đâu phải bởi tài sản, địa vị, quần áo hay nhà cửa của anh ta. Hơi ấm của tình thương, sự rộng lòng giúp đỡ, sự hài hòa thân thiện và thấu đáo của anh ta mới chính là thứ tài sản giúp anh ta sống trong vòng tay yêu thương của cộng đồng, cho dù đó là bất cứ cộng đồng nào
Chúng ta cần tập trung vào cái lõi con người và khả năng hiện thực hóa bản thân để giúp anh ta tìm thấy hạnh phúc trong đời sống của mình, hơn là chỉ chăm chăm trang bị cho anh ta các loại kỹ năng để kiếm việc làm. Cao hơn sự tồn tại về cơm ăn áo mặc, kỷ nguyên của AI và robot thúc đẩy con người tìm đến sự tồn tại một nhận thức mới: “Tôi là ai?”.
Khi một con người đã có ý thức tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”, thì anh ta sẽ làm được rất nhiều điều có ý nghĩa, trong đó có cả việc tìm kiếm giá trị cốt lõi trong tinh thần của cha ông, của dân tộc trao truyền.
* Trên mạng xã hội, một số bà mẹ bày tỏ trăn trở làm thế nào để trang bị cho con mình bài học ứng xử chân thành, trách nhiệm với bản thân và xã hội chứ không vô cảm... Qua những trăn trở này, liệu có thể xem “giáo dục gia đình” sẽ là giải pháp tối ưu cho giáo dục hiện nay?
Bà Ngô Phương Thảo: Giáo dục gia đình đặc biệt quan trọng trong thời điểm hiện nay. Nhưng một cản trở lớn đối với giáo dục gia đình chính là sự đứt gãy những giá trị vốn là vẻ đẹp của tâm hồn người Việt. Xưa ông cha ta ca tụng Lục Vân Tiên vì sự hào sảng, nghĩa khí, thì nay, những người có thể “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” không còn nhiều nữa.
Những người dũng cảm dấn thân lên tiếng về môi trường ô nhiễm bị xem là “vác tù và hàng tổng”, những người làm công tác thiện nguyện cũng không ít lần bị dò xét bằng con mắt nghi ngờ. Chúng ta đã có những thế hệ bố mẹ đầy hoài nghi, bất mãn, thủ thế, chán chường, thực dụng, thì lấy cơ sở nào để trông cậy vào sự đột phá của giáo dục gia đình? Thách thức lớn nhất đối với giáo dục gia đình là bố mẹ phải sửa chính mình trước, bởi con cái không nghe chúng ta nói, mà nhìn vào chúng ta, cảm nhận chúng ta.
Ông Giản Tư Trung: Con người ta lớn lên với giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội và tự thân. Khi giáo dục nhà trường và xã hội có quá nhiều vấn đề thì giáo dục gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, giáo dục gia đình vẫn sẽ bế tắc nếu cha mẹ vẫn cứ loay hoay với câu hỏi: “Dạy con theo kiểu gì?” hay “Dạy gì cho con?”. Cha mẹ cũng cần có triết lý giáo dục của riêng mình để dạy con. Do vậy, câu hỏi đầu tiên mà phụ huynh cần đặt ra là: “Thế nào là con người?”. Tiếp đó là “Mình muốn con mình trở thành con người như thế nào?”. Cuối cùng mới đến câu hỏi “Dạy con kiểu gì và dạy gì cho con?”.
* Vậy khi cha mẹ đã có triết lý giáo dục cho mình, thì có những cách dạy con nào, thưa ông?
Ông Giản Tư Trung: Hiện nay có 4 kiểu dạy con. Một là nói cho con nghe những điều mình nghĩ rằng con nên biết. Cách thứ hai là trả lời câu hỏi của con. Cách này hiệu quả hơn vì con hỏi là con quan tâm nên dễ nhập hơn. Cách thứ ba là hỏi để con trả lời, hay nói cách khác là để con “dạy” mình và mình làm “học trò” của con. Nhưng cách thứ 4 mới là hay nhất. Đó là không dạy gì hết! Dạy con bằng cuộc sống, bằng cách sống của mình.
Cách sống và đời sống của cha mẹ là bài học lớn nhất dành cho con. Tôi gọi vui đó là “dạy con kiểu nguyên con”, còn nói cho văn vẻ thì đó là dạy con theo phương pháp “thân giáo”. Đây không phải là dạy con theo kiểu “làm gương” như cách chúng ta vẫn thường hiểu. Cách làm gương rất phản giáo dục và rủi ro. Ví dụ đi trên đường, không có ai thì vượt luôn đèn đỏ. Đến khi chở con thì dừng đèn đỏ để làm gương cho con. Nhưng có lúc quên, cha mẹ sẽ vượt đèn đỏ luôn, thành ra “tổ trác” trước mặt con. Làm gương là cố tình diễn cho con thấy, nhưng bản chất lại không phải vậy. Còn “nguyên con” hay “thân giáo” là “hiện nguyên hình” trước mặt con.
Bà Ngô Phương Thảo: Tôi thì vẫn nghĩ việc hiểu con, hiểu chính mình, hiểu thế giới này đang vận hành như thế nào quan trọng hơn việc dạy con cái gì. Chẳng hạn con chúng ta sinh ra với tố chất và đam mê nghệ thuật nhưng bố mẹ lại muốn con trở thành bác sĩ, kỹ sư. Bố mẹ không biết rằng đứa trẻ có thiên hướng nghệ thuật thì việc cầm cây kéo, dao mổ trong bệnh viện với nó là cực hình, vậy thì chính người lớn chúng ta đã “giết chết” điều đẹp đẽ của cuộc đời con trẻ bằng ý muốn của chúng ta.
Ông Giản Tư Trung: Trong các buổi nói chuyện với giáo viên hay lãnh đạo các trường, tôi thường không “bàn về sự dạy”, mà “bàn về sự học”. Bởi vì khi người thầy hiểu về sự học, họ sẽ không là một “thợ dạy” (chỉ biết dạy như một cái máy), mà họ sẽ là người truyền cảm hứng học tập cho người học, cùng người học xây dựng mục tiêu, nội dung và phương pháp học tập, giúp người học biết cách khai sáng bản thân.
Một cuộc cách mạng giáo dục có thể cần tới 20-50 năm, nếu bắt đầu từ bây giờ (mà Việt Nam chúng ta vẫn chưa thực sự bắt đầu). Nhưng một cuộc cách mạng sự học thì có thể bắt đầu ngay bây giờ, ngay lúc này. Nếu như cuộc cách mạng giáo dục là cuộc cách mạng của “toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta” thì cuộc cách mạng sự học là cuộc cách mạng “của tôi, do tôi, vì tôi”. Khi nhiều người làm cách mạng sự học sẽ tạo thành một cuộc cách mạng giáo dục và khi đó chúng ta sẽ có một xã hội tốt đẹp hơn.
* Cảm ơn ông, bà về những chia sẻ trên.
Xuân Lộc (thực hiện)