Giai đoạn 2023-2025, dôi dư 21.800 cán bộ, công chức huyện, xã

23/08/2024 - 06:32

PNO - Sáng 22/8, chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Trịnh Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) thắc mắc về hướng giải quyết cho diện dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính huyện, xã.

Cụ thể, theo ông, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi thôi việc được tính dựa vào khả năng cân đối ngân sách của địa phương. Trong khi đó, đa số địa phương chưa tự cân đối được nguồn ngân sách và gặp khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện. Vậy, giải pháp nào để những đối tượng này được hưởng đầy đủ chế độ khi thôi việc do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã?

sắp xếp lại đơn vị hành chính80 phường thuộc 10 quận ở TPHCM được sắp xếp thành 38 phường mới, giảm 39 phường
Sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, 80 phường thuộc 10 quận ở TPHCM được sắp xếp thành 38 phường mới, giảm 39 phường

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, giai đoạn 2023-2025, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính sẽ làm giảm 13 đơn vị hành chính cấp huyện, 624 đơn vị hành chính cấp xã dẫn đến 21.800 cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách ở cấp huyện, cấp xã bị dôi dư. Tới năm 2030, theo kế hoạch, các địa phương phải giải quyết dứt điểm số dôi dư này. Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 29 về tinh giản biên chế. Đến nay, đã có 46/54 địa phương ban hành chính sách để hỗ trợ cán bộ, công chức và người không chuyên trách dôi dư.

Dựa trên các số liệu báo cáo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhận định: “Nguồn kinh phí để các địa phương giải quyết chế độ, chính sách cho những người dôi dư là rất lớn”. Do đó, theo bà, các địa phương phải tự cân đối chính sách để sắp xếp. Địa phương nào không tự cân đối được thì phải báo cáo để Bộ Nội vụ tổng hợp, trình Chính phủ cấp ngân sách thanh toán. Trong thời gian 12 tháng, cán bộ, công chức dôi dư nghỉ ngay cũng sẽ được một khoản kinh phí lớn để họ đủ điều kiện tìm công việc mới.

Đại biểu Leo Thị Lịch (tỉnh Bắc Giang) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ những kết quả đã đạt được và tỉ lệ thu hút sinh viên xuất sắc để tạo nguồn cán bộ của cấp trung ương và các địa phương. Phản hồi ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, trên cơ sở cụ thể hóa Kết luận 86 của Bộ Chính trị, các địa phương đã xây dựng các chính sách riêng để thu hút người tài.

Đến năm 2021, cả nước thu hút được 2.891 sinh viên xuất sắc và các nhà khoa học trẻ vào làm việc ở khu vực công. Sau khi có Nghị định 140 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, trong năm 2022 và 2023, cả nước tiếp tục thu hút được 584 người, trong đó cấp trung ương 170 người và cấp tỉnh 414 người. Bộ Nội vụ đang tham mưu xây dựng nghị định về thu hút và trọng dụng người có tài năng trong khu vực công, trong đó tích hợp cả Nghị định 140 để có không gian rộng hơn cho việc thu hút sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ, người tài năng vào khu vực công.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI