BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
KÌ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2019
Môn thi : NGỮ VĂN
Thời gian làm bài : 120 phút, không kể thời gian phát đề
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Biết nói gì trước biển em ơi
Trước cái xa xanh thanh khiết không lời
Cái hào hiệp ngang tàng của gió
Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ
Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời
Cái giản đơn sâu sắc như đời
Chân trời kia biển mãi gọi người đi
Bao khát vọng nửa chừng tan giữa sóng
Vầng trăng mặn giọt mồ hôi cay đắng
Bao kiếp vùi trong đáy lặng mù tăm
Nhưng muôn đời vẫn những cánh buồm căng
Bay trên biển như bồ câu trên đất
Biển dư sức và người không biết mệt
Mũi thuyền lao mặt sóng lại cày bừa
Những chân trời ta vẫn mãi tìm đi.
(trước biển – Vũ Quần Phương. Thơ Việt Nam 1945 – 1985, NXB Văn học, 1985, tr.391)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1: Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2: Anh/Chị hiểu nội dungcác dòng thơ sau như thế nào?
Vầng trăng mặn giọt mồ hôi cay đắng
Bao kiếp vùi trong đáy lặng mù tăm
Câu 3: Hãy cho biết hiệu quả của phép điệp trong các dòng thơ sau:
Cái hào hiệp ngang tàng của gió
Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ
Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời
Cái giản đơn sâu sắc như đời
Câu 4: Hành trình theo đuổi khát vọng của con người được thể hiện trong đoạn trích gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống.
Câu 2:
Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ có sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di – gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lí giải đucợ về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. nếu chì mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kính thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại cửa ở rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng.
(Ai đã đặt tên cho dòng sông?- Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr. 198)
Cảm nhận của anh/chị về hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
-------------
BÀI GIẢI GỢI Ý
Phần
|
Câu
|
Nội dung
|
I
|
|
Đọc hiểu
|
|
1
|
Thể thơ tự do
|
2
|
Nội dung nói lên đời sống gian khổ vất vả của biết bao kiếp người, thậm chí phải có những người hi sinh mạng sống trong lòng biển lạnh. Thể hiện con người phải chấp nhận gian khổ, thậm chí cả hi sinh để thực hiện khát vọng về tương lai.
|
3
|
Điệp từ : “cái” . Điệp cấu trúc: sự lặp lại một kiểu câu.
Tác dụng:
- Nhấn mạnh ý, tạo nhạc điệu cho thơ.
- Để lại ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp đa dạng của thiên nhiên trong thơ.
- Làm tăng giá trị biểu cảm cho đoạn thơ.
|
4
|
Học sinh có thể trả lời nhiều cách nhưng phải lí giải hợp lí, thuyết phục. Có thể tham khảo các cách trả lời sau:
- Cuộc sống phải có mục đích và khát vọng vươn tới tương lai với lý tưởng cao đẹp.
- Tâm hồn rộng mở trước đất trời để cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống.
- Để đạt được ước mơ, phải chấp nhận những gian khổ, thậm chí cả hi sinh để đạt đến bến bờ hạnh phúc.
|
II
|
|
Làm văn
|
|
1
|
Trình bày suy nghĩ về “Sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống”
|
|
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
- Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo hình thức diễn dịch, quy nạp, tổng – phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
|
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận : sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống
|
c. Triển khai vấn đề nghị luận
- Thí sinh lựa chọn thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề lập luận theo nhiều cách khác nhau nhưng phải làm rõ sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống. Có thể theo hướng sau:
+ Con người là một động vật bé nhỏ trước vũ trụ bao la cũng như trước biển cả mênh mông nhưng con người đã làm nên những kì tích. Một trong những yếu tố tạo nên điều đó là sức mạnh ý chí của con người.
+ Ý chí là một yếu tố trong tâm lý của con người. Nó có khả năng tạo nên một sức mạnh tinh thần giúp con người chiến thắng những khó khăn và làm nên những công trình vĩ đại. Biển xa xanh mênh mông, sóng kiên nhẫn ngàn đời, đá nghiêm trang cứng cỏi nhưng ý chí của con người đôi khi kiên nhẫn hơn cả sóng, cứng rắn hơn cả đá và đủ sức chịu đựng những nghiệt ngã tưởng chừng như vô tận của cuộc sống, của thiên nhiên.
+ Trong phạm vi cá nhân, người ta có thể vượt qua những khiếm khuyết của thân thể để sống một cách lành mạnh và hữu ích. Những tấm gương của thầy Nguyễn Ngọc Ký, Hoa Xuân Tứ,… gần đây như Nick Vujicic là những minh chứng sống động.
+ Trước những khó khăn, thử thách, thậm chí cả hiểm nguy chết chóc, nhờ có ý chí, biết bao người đã sẵn sàng đi tới đương đầu, vượt qua, kể cả hi sinh mạng sống. Những gương hi sinh của các anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến như những người lính Tây Tiến, vệ quốc quân thời chống Pháp, giải phóng quân thời chống Mĩ đã biểu hiện hùng hồn cho điều đó. Hình ảnh Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc,… đã cho thấy sức mạnh của ý chí ở những người thanh niên Việt Nam thời chống Mĩ. Có lẽ ít ai quên được câu nói của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm: “Đời người phải trải qua giông tố nhưng không được phép cúi đầu trước giông tố”. Như nhà thơ Vũ Quần Phương đã viết : “Biển dư sức và người không biết mệt / Mũi thuyền lao mặt sóng lại cày bừa / Những chân trời vẫn mãi tìm đi”.
+ Trong phạm vi cộng đồng, quốc gia, sức mạnh của ý chí sẽ giúp cho một dân tộc tạo được những thành tích trong sự nghiệp lao động, xây dựng cũng như bảo vệ đất nước.
+ Muốn phát huy được sức mạnh của ý chí, con người cần phải học tập, rèn luyện từng ngày từng giờ, phải có lí tưởng sống đúng, đẹp. Sức mạnh của ý chí trong cuộc sống là một yếu tố cần thiết để làm nên những điều vĩ đại cho cá nhân cũng như cho cộng đồng.
|
d. Chính tả, ngữ pháp
- Đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt
|
e. Sáng tạo
- Thể hiện sâu sắc vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
|
2
|
Cảm nhận về hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
|
a. Đảm bảo cấu trúc đề nghị luận
- Mở bài: nêu được vấn đề
- Thân bài: triển khai được vấn đề
- Kết bài: Khái quát được vấn đề
|
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
- Cảm nhận về hình tượng sông Hương ở thượng nguồn
- Nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của tác giả.
|
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
|
- Giới thiệu về Hoàng Phủ Ngọc Tường, tác phẩm, đưa đề vào.
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những nhà văn chuyên viết về bút kí qua sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trí tuệ - trữ tình, nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú: triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí,…
- Tác phẩm là bài bút kí xuất sắc viết tại Huế (ngày 04/01/1981) trong tập sách cùng tên.
- Cụ thể là đoạn trích đầu của bút kí.
- Cảm nhận đoạn văn
- Dòng sông Hương ở thượng nguồn
a.1. Sông Hương là một dòng sông thuộc về một thành phố duy nhất: xứ Huế.
a.2. Những đặc điểm của dòng sông ở thượng nguồn.
* Tính cách mạnh mẽ, bản lĩnh gan dạ
-> Nhà văn sử dụng phép tu từ so sánh và nhân hóa “như bản trường ca của rừng già - như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn – như cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại”.
-> Cách dùng từ tạo hình biểu cảm “rầm rộ - mãnh liệt - cuộn xoáy - phóng khoáng - man dại”.
-> Dịu dàng say đắm khi đi qua những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng và chuyển mình thành “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở” khi ra khỏi rừng.
=>Nhà văn đã nhân hóa và so sánh sông Hương với hai người phụ nữ mang tính cách khác nhau. Một là nốt bổng của nét mạnh mẽ “một cô gài Di-gan”, hai là nốt trầm của nét dịu dàng trí tuệ thuộc về “người mẹ phù sa của vùng văn hóa xứ sở”.
b. Nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện của tác giả về dòng sông:
- Nếu Nguyễn Tuân tạo dòng Sông Đà mang hai tính cách đối lập: hung bạo – trữ tình trong một chỉnh thể, thì Hoàng Phủ Ngọc Tường tạo sông Hương theo dòng trôi.
- Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cảm nhận sông Hương như một con người có tính cách đa dạng theo bút pháp hướng nội, súc tích mê đắm, tài hoa.
- Bằng kiến thức uyên bác về địa lí, văn hóa, … nhà văn đã lí giải những đặc điểm của dòng sông ở thượng nguồn với cách nhìn, cách cảm nhận mới mẻ như: rừng già hun đúc cho dòng sông một bản lĩnh gan dạ nhưng cũng chính rừng già đã chế ngự sức mạnh bản năng của nó để khi ra khỏi rừng, dòng sông mang vẻ đẹp dịu dàng – trí tuệ.
- Như vậy qua đoạn trích đầu người đoc cảm nhận phong cách viết bút kí độc đáo không lặp lại của tác giả.
2.3. Kết luận
-Đạt thành công trên là do Hoàng Phủ Ngọc Tường có tấm lòng yêu quê hương và tài năng viết bút kí.
-Và theo cách học “Học cũ biết mới”, hành trang vào đời của chúng ta luôn có bài học thực tiễn
“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ….”
Đỗ Trung Quân
|
d. Chính tả, ngữ pháp
- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt
|
e. Sáng tạo
- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
|
|
|
|
Cô Nguyễn Thị Thủy Tiên, thạc sĩ Nguyễn Văn Thành
(TH Quốc tế Á Châu)