“Giải cứu” trạm y tế

12/03/2021 - 14:06

PNO - Sở Y tế TP.HCM vừa “giải cứu” thành công 34 trạm y tế sau khi Bảo hiểm xã hội TP.HCM thông báo các đơn vị này phải ngưng khám bảo hiểm y tế ban đầu vì nhiều nguyên nhân: nhân sự, thủ tục, ít người khám… Đây không phải lần đầu các trạm y tế “hấp hối”, nhưng hàng loạt trạm y tế rơi vào cảnh khó khiến nhiều người đặt vấn đề: làm sao để chuyện này không lặp lại?

 

Trạm Y tế P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đứ c trong một năm chỉ có vài lượt bệnh nhân đến khám theo diện bảo hiểm y tế
Trạm Y tế P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức trong một năm chỉ có vài lượt bệnh nhân đến khám theo diện bảo hiểm y tế


Những trạm y tế “3 thiếu”

Để mục sở thị “hoàn cảnh” của một số trạm y tế trong danh sách 34 trạm nói trên, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM có mặt tại Trạm Y tế P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức. Tại đây, không khí khám bệnh ngày đầu tháng Ba vắng lặng. 

Thấy có vợ chồng ông N.T.T. (60 tuổi, ở đường Trương Văn Thành, P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức) dẫn cháu nội đi khám sức khỏe để nộp hồ sơ cho trường mầm non, y sĩ Trần Văn Quý, Trưởng trạm Y tế, tất tả chạy ra hỏi thăm. Dẫn ông bà và cháu bé đến tận phòng khám, y sĩ Quý gọi người đến khám tổng quát: cân, đo chiều cao và tư vấn sức khỏe cho cháu bé. Sau khi cấp giấy khám sức khỏe của bé, y sĩ Quý dặn dò: “Chú cứ dẫn bé đến, ở đây không tính tiền mấy chuyện nhỏ này đâu”.

Mặc kệ những săn đón, vồn vã và bao nhiêu ân cần nhưng người bệnh đến đây cứ thưa dần. Y sĩ Quý cho biết, năm 2020, có khoảng 3.000 lượt người đến trạm sơ cứu, chích ngừa, người tâm thần lấy thuốc… nhưng chỉ có vài ba trường hợp đến khám chữa bệnh dùng thẻ bảo hiểm y tế. Tổng số tiền nộp về Trung tâm Y tế Q.9 cả năm chỉ khoảng 3 triệu đồng. 

Còn tại Trạm Y tế P.Long Phước, TP.Thủ Đức, năm qua cũng chỉ có tám người đến khám bảo hiểm y tế. Lý giải điều này, nhiều trạm y tế cho rằng do tình trạng “3 thiếu”: thiếu thuốc, máy móc lẫn bác sĩ. Theo bác sĩ Phạm Xuân Hải, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Q.9, đang có rất nhiều “vòng vây” khiến mô hình khám chữa bệnh ở trạm y tế dần trở nên xa cách người dân. Trạm y tế là cơ sở y tế hạng 4 nên danh mục thuốc ít ỏi, kỹ thuật điều trị khiêm tốn, thiếu bác sĩ… Những điều này đủ làm nản lòng bệnh nhân. Hiện nguồn thuốc đưa về các trạm chậm, thuốc được cấp xuống trạm phải chờ bệnh viện quận, huyện mua xong và “rót” xuống. Trạm y tế không được ký hợp đồng trực tiếp với Bảo hiểm xã hội TP.HCM mà thông qua bệnh viện làm trung gian. 

Ngoài ra, điều nghịch lý là trạm y tế có nhiệm vụ quản lý các bệnh mạn tính ở xã, phường nhưng thuốc có khi không đủ, nhất là thuốc tim mạch. Thậm chí, bệnh nhân bị cao huyết áp, tiểu đường khám ở bệnh viện được cho đến năm loại thuốc nhưng khi ra trạm y tế thì không có loại nào.

Y sĩ Quý cho biết thêm, các loại thuốc ở trạm được bảo hiểm y tế thanh toán thường chỉ là thuốc thông thường như: kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, hạ sốt, trị các bệnh viêm amidan, tiêu chảy… 

Về danh mục kỹ thuật điều trị cũng được thực hiện rất ít. Đơn cử như tại Trạm Y tế P.Long Bình, TP.Thủ Đức, chỉ được cho phép thực hiện kỹ thuật tiêm bắp thịt. Trong khi tiêm trong da, tiêm dưới da… là những kỹ thuật tiêm cơ bản lại không được phép thực hiện. Theo Bộ Y tế, bình quân các trạm y tế mới chỉ thực hiện được 50-70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản và số lượng cũng rất hạn chế… Do đó, để thu hút người bệnh cần mở rộng danh mục thuốc và kỹ thuật được cho phép thực hiện tại trạm. 

Bệnh nhi đến khám tại trạm y tế
Bệnh nhi đến khám tại trạm y tế

Vấn đề chính vẫn là thu nhập

Trong tình thế bị hạn chế danh mục kỹ thuật, nhiều bác sĩ không chịu về trạm, còn bác sĩ ở trạm thì bỏ đi. Bác sĩ Lê Quốc Thanh, phụ trách Phòng Kế hoạch nghiệp vụ Trung tâm Y tế Q.Bình Thạnh, cho biết quận có năm trạm bị “thổi còi” ngừng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế do không đảm bảo số lượng bác sĩ theo quy định. Theo bác sĩ Thanh, về trạm chủ yếu là bác sĩ trẻ, mới ra trường, làm được một thời gian ngắn lại tìm nơi khác tốt hơn, còn bác sĩ về hưu thì không có người thay thế…

25 năm công tác tại các trạm y tế ở Q.9 trước đây, y sĩ Trần Văn Quý nói rằng, trạm y tế ngày càng… vắng bệnh nhân. Từ khi bắt đầu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào năm 2015, có khoảng vài chục người/năm, đến nay số người đến khám dần thưa thớt. Nhiều bác sĩ ở các trạm y tế cho rằng, việc ngừng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn không làm thay đổi mức thu nhập rất thấp từ nhiều năm nay, chỉ khoảng 7-8 triệu đồng/người/tháng. Do đó, việc đầu tiên là phải cải thiện thu nhập cho nhân viên y tế, nhất là bác sĩ ở trạm. 

Bác sĩ Hà Thị Tuyết Nhung, Trạm Y tế P.Hiệp Phú, chia sẻ: “Tôi gắn bó với trạm y tế vì đã quen với môi trường làm việc tình cảm tại đây. Với kinh nghiệm hàng chục năm nhưng mức lương chỉ 7 triệu đồng/tháng, rất thấp so với đồng nghiệp tại các bệnh viện lớn. Để bác sĩ về trạm, theo tôi phải hơn 10 triệu đồng mới đảm bảo cuộc sống ở thành phố”. 

Đồng thời, ngành y tế hỗ trợ trạm mở rộng mô hình khám bệnh liên kết với các bệnh viện lớn, như phòng khám vệ tinh hoặc kết nối với bác sĩ có chức danh cao về trạm khám định kỳ… Từ đó, cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ ở trạm nếu họ tham gia khám chữa bệnh. Bởi hiện nay, nếu làm việc tại trạm y tế sẽ không được cấp chứng chỉ hành nghề như khi làm việc tại bệnh viện. Điều này kéo theo hệ lụy, bác sĩ muốn mở phòng mạch tăng thêm thu nhập cũng không được. Nếu thu nhập cải thiện, không chỉ có bác sĩ trẻ mà cả bác sĩ kinh nghiệm cũng về trạm, bởi ai cũng thích làm nơi không quá tải để có thời gian chăm sóc kỹ cho bệnh nhân và lại có nguồn thu ổn định.

Theo bác sĩ Lê Quốc Thanh, quy định người chịu trách nhiệm chuyên môn khám chữa bệnh tại trạm y tế phải là bác sĩ có thời gian thực hành 54 tháng cũng khiến cho việc kiếm người rất khó, nguyên nhân chính vẫn là do thu nhập, do đó cần rút ngắn thời gian này lại.

Cần có chính sách buộc những bác sĩ trẻ ra trường phải về trạm, nếu không sẽ không được thực hành tiếp theo ở các bệnh viện.

Cảnh vắng vẻ tại Trạm Y tế P.11, Q.Bình Thạnh
Cảnh vắng vẻ tại Trạm Y tế P.11, Q.Bình Thạnh

 

Bệnh viện quận, huyện phải có trách nhiệm với trạm y tế

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các bệnh viện quận, huyện phải xem hoạt động hỗ trợ nhân lực, nhất là bác sĩ đa khoa, và cung ứng thuốc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các trạm, là một nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm của bệnh viện quận, huyện đối với công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu giám đốc các bệnh viện đẩy mạnh nghiên cứu và đề xuất chọn các trạm y tế là phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện đặt tại trạm y tế để cải thiện thu nhập và giúp trạm y tế cạnh tranh tốt với các phòng khám tư xung quanh.

“Một số trạm còn thiếu bác sĩ cơ hữu, chúng tôi sẽ điều động luân phiên bác sĩ xuống. Thực chất, số lượng khám chữa bệnh ít nhưng vẫn phải hoạt động. Khám chữa bệnh là để người dân tin tưởng đến với trạm y tế nên dứt khoát các trạm này phải hoạt động trở lại. Vì vậy, trễ nhất đến ngày 15/3, 34 trạm y tế nằm trong danh sách bị ngưng hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ hoàn thiện những vấn đề pháp lý, nhân sự để tiếp tục hợp đồng với Bảo hiểm xã hội TP.HCM”, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng thông tin. 

Sở Y tế xoay trục về trạm y tế

Sở Y tế TP.HCM cho biết, thành phố có 319 trạm y tế và ngành y tế đang thực hiện đổi mới trạm y tế theo hướng hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, lộ trình kéo dài nhiều năm. Trách nhiệm của trạm là phải thu hút người dân đến khám chữa bệnh để giảm tải bệnh viện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. 

Cụ thể, trạm y tế sẽ triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng người dân để được tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe… và liên thông dữ liệu sức khỏe của người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, sở sẽ củng cố nhân lực, thuốc, trang thiết bị thiết yếu để trạm y tế có thể đảm trách khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI