'Giải cứu' tôm hùm xong, đột nhiên bị dị ứng hải sản?

28/02/2020 - 07:02

PNO - Nhiều người bất ngờ khi tự dưng bị dị ứng với một loại thức ăn nào đó. Họ cảm thấy khó hiểu và hoang mang bởi luôn quan niệm rằng đã là dị ứng thì xuất phát từ yếu tố cơ địa nên nếu có phải bị ngay từ khi mới sinh ra. Vậy thực hư của chuyện này như thế nào?

Ăn mãi không sao, tự dưng lại dị ứng?

Trong đợt giải cứu tôm hùm vừa qua, chị P.T.D., ngụ tại Q.2, TPHCM sau khi thỏa sức thưởng thức món ăn sang chảnh này mới phát hiện mình bị dị ứng hải sản. Điều lạ ở chỗ từ trước tới nay chị D. vẫn ăn các loại tôm, cua, cá, ốc mà chẳng hề hấn gì. Thế mà cách đây vài hôm, chị đặt trên mạng 2kg tôm hùm giá 580.000 đồng/kg loại 4 con/kg về ăn thì bị nổi mề đay khắp người, mí mắt sưng húp. Sợ quá chị không dám ăn gì liên quan tới tôm cua nữa, ai nghe chuyện cũng bảo chị bị dị ứng hải sản. 

Đột nhiên dị ứng sau khi... “giải cứu” tôm hùm?
Đột nhiên dị ứng sau khi... “giải cứu” tôm hùm?

Không chỉ chị D., P.H.N., một nam sinh viên năm thứ tư, quê ở tỉnh Cà Mau, tạm trú tại Q.4, TPHCM cũng bất ngờ bị dị ứng hải sản. N. kể rằng hải sản, đặc biệt hai món tôm và cua là món ăn khoái khẩu của mình xưa nay. Sau tết, N. cùng bạn bè đi ăn cua rang me ở một quán ốc ở Q.4 thì khắp người nổi mẩn, mặt sưng húp...

Như vậy, dị ứng với một loại thức ăn hay nhóm chất nào đó xuất hiện ngay từ khi ta mới sinh ra hay tình trạng này có thể khởi phát một cách đột ngột? Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - Hội Dị ứng miễn dịch lâm sàng TPHCM - đã giải thích điều này.

Truy tìm nguyên nhân gây dị ứng

Để biết bạn có chắc chắn dị ứng với một loại thức ăn hay không thì phải kiểm tra bằng cách đem chính món vừa ăn xong xay nhuyễn, hòa tan rồi chích dưới da (chích dị ứng nguyên) để xem phản ứng của cơ thể. Thế nhưng cách này chưa được phép thực hiện trên lâm sàng vì quá nguy hiểm, có thể gây sốc phản vệ và tử vong.

Hiện nay, để tìm kiếm nguyên nhân dị ứng, chúng ta thường không làm theo phương pháp trực tiếp mà thông qua cách gián tiếp nhằm tìm kháng thể của cơ thể trong máu người bệnh. Chẳng hạn bệnh nhân sẽ được thử kháng thể đặc hiệu xem có dị ứng với kháng nguyên tôm, cua, gà, bò… hay không. 

Những kháng nguyên này được nhà sản xuất bào chế đúng quy trình rồi đóng chai. Phương pháp thử đại khái sẽ rạch nhẹ một chút trên da bệnh nhân rồi nhỏ kháng nguyên này lên để theo dõi phản ứng. Hiện nay, Phòng Dị ứng miễn dịch lâm sàng của Bệnh viện Đại học Y dược đã nhập và thực hiện được kỹ thuật trên.

Dị ứng với tôm hay chỉ là tự suy diễn

Nói như vậy để hình dung được các phương pháp xác định nguyên nhân gây dị ứng đang có hiện nay. Tiếp đến, tại sao lại có trường hợp từ trước tới giờ ăn thịt bò hoặc tôm cua ở Việt Nam bình thường, nhưng khi dị ứng đi làm xét nghiệm kháng nguyên lại ra kết quả bị dị ứng với bò, tôm...? 

Những mẫu kháng nguyên từ bò, tôm, gà có thể được nhập từ các nước phát triển về. Có khi bạn bị dị ứng với một trong các nhóm thực phẩm trên nhưng lại không dị ứng với bò và tôm ở Việt Nam chẳng hạn. Đó là để trả lời cho câu hỏi của một số bệnh nhân: “Bác sĩ ơi, tại sao tôi ăn bò Việt Nam hay tôm cua Cà Mau mãi không sao, thế mà xét nghiệm lại bị dị ứng đạm của tôm, cua hoặc thịt bò...”, bác sĩ Vân Thanh nói.

Tiếp đó, trong đợt “giải cứu” tôm hùm vừa rồi, nhiều người chia sẻ tự dưng ăn tôm hùm xong bị dị ứng, trong khi từ trước tới nay không bị dị ứng với thức ăn này. Khi họ nói họ bị dị ứng với tôm hùm chỉ là tự phỏng đoán. Có chắc là họ dị ứng với tôm hay dị ứng với chất bảo quản tôm? 

Vì nhiều loại tôm nhập khẩu, tôm đông lạnh, tôm ngộp được cho chất bảo quản để không nhanh hư hỏng. Không chỉ thế, kết luận này còn bởi quan niệm xưa nay của dân gian, cứ dị ứng là nghĩ ngay tại bò, gà, tôm, cua. Điều này chưa chính xác. Nếu muốn biết có phải bạn thực sự dị ứng tôm hùm hay không thì hãy ăn thử tôm hùm mua từ vài chỗ khác nhau.

Khi ăn tôm hùm, không ăn thêm bất cứ loại thực phẩm nào khác. Nếu lúc này vẫn dị ứng thì mới đúng là do tôm hùm. Khác với dị ứng thuốc thường xảy ra sốc phản vệ rất nhanh, dị ứng thức ăn lại có các dấu hiệu từ từ. Đầu tiên, cơ thể sẽ nổi mề đay, mẩn ngứa, sau đó mới sưng phù và chuyển sang khó thở. Nếu ăn thử thực phẩm để tự kiểm tra đúng là mình dị ứng hay không thì ngay khi thấy dấu hiệu mẩn ngứa, cần lập tức tới cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời, tránh tình trạng trở nặng.

Đôi khi nổi mề đay chỉ là biểu hiện của bệnh lý khác

Không ai dám khẳng định rằng, nếu bị dị ứng thì phải bị ngay từ khi sinh ra. Có rất nhiều bệnh lý đến nay y học chưa thể tìm được nguyên nhân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những người hay bị mề đay, chàm có cơ địa dễ bị khởi phát một chuỗi dị ứng sau đó. Ví dụ như nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều người bị chàm hay dị ứng với sữa bò và các sản phẩm từ sữa bò. 

Ngoài ra, còn một khả năng tự dưng cơ thể có biểu hiện dị ứng. Đó là có một ổ kháng nguyên tồn tại trong cơ thể bệnh nhân nhưng chưa được phát hiện. Chẳng hạn một số bệnh nhân bị nhiễm nấm mạn tính, loét dạ dày do vi-rút HP, ung thư sẽ hay bị nổi mề đay, mẩn ngứa. Họ không biết nguyên nhân là do các bệnh kia mà cứ tưởng mình bị dị ứng với thức ăn.

Nói tóm lại, bác sĩ Vân Thanh khuyên mọi người, khi thấy dấu hiệu mẩn ngứa nổi mề đay thì nên đi khám để xác định chính xác nguyên nhân. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định kiểm tra tổng quát để tìm các bệnh lý liên quan hoặc làm test kháng nguyên. Chi phí làm xét nghiệm tìm nguyên nhân dị ứng dao động từ 1 - 3 triệu đồng. 

Giải mẫn cảm là gì?

Theo tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, giải mẫn cảm là một trong những cách để điều trị tình trạng dị ứng, là phương pháp điều trị đưa các chiết xuất kháng nguyên gây dị ứng đặc hiệu vào cơ thể người bệnh, giúp cơ thể quen dần và chấp nhận chất gây dị ứng. Tuy nhiên, phương pháp này phải được thực hiện dưới sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ để tránh nguy cơ sốc phản vệ đe dọa tính mạng.

Lấy ví dụ về giải mẫn cảm điển hình nhất là trường hợp một số người bị đỏ mặt và nhức đầu khi uống rượu bia. Các chuyên gia mách nước rằng, họ hãy thử uống một chút bia hoặc rượu rồi tăng dần liều lượng. Bằng cách này, nhiều người đã giải mẫn cảm với rượu bia thành công.

Hoặc trước đây tại Bệnh viện Đại học Y dược có một bệnh nhân quá mẫn cảm với aspirin nhưng lại có chỉ định bắt buộc phải dùng thuốc này khi can thiệp phẫu thuật mạch vành. Các bác sĩ Khoa Tim mạch can thiệp và Dị ứng miễn dịch lâm sàng đã quyết định tiến hành phương pháp giải mẫn cảm cho bệnh nhân bằng cách sử dụng thuốc aspirin từ liều lượng thấp đến cao dần. Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ tại phòng săn sóc đặc biệt.

Kết quả, các bác sĩ đã tạo được sự dung nạp với aspirin cho bệnh nhân ở liều 81mg (đây cũng là liều cần đạt được cho mục đích điều trị).

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI