Giải cứu thú hoang trong nhà dân ở Sài Gòn

05/03/2020 - 19:57

PNO - Chỉ hơn một năm, Chi cục Kiểm lâm TPHCM đã tiếp nhận gần 200 cá thể động vật hoang dã từ các hộ dân. Điều này cho thấy, ở TPHCM, tình trạng nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép vẫn còn khá phổ biến.

Tình trạng nuôi nhốt động vật hoang dã vẫn còn xảy ra tại khá nhiều hộ gia đình ở TPHCM - Ảnh: HOÀNG NHIÊN
Tình trạng nuôi nhốt động vật hoang dã vẫn còn xảy ra tại khá nhiều hộ gia đình ở TPHCM - Ảnh: Hoàng Nhiên

Ngày 13/2, sau khi một đoàn công tác gồm đại diện Chi cục Kiểm lâm TPHCM, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TPHCM cùng đại diện chính quyền địa phương và một số ban ngành liên quan đến thuyết phục, bà Lê Thị K.C. - ở đường Phú Thuận, phường Phú Thuận, quận 7, TPHCM - đã đồng ý giao nộp hai cá thể động vật hoang dã (ĐVHD) gồm một con cầy họng vàng (tên khoa học là martes flavigula) và một con khỉ đuôi dài (macaca fascicularis). 

Việc vận động người dân ở TPHCM giao nộp ĐVHD có vẻ thuận lợi hơn sau khi dịch COVID-19 bùng phát và nhiều tổ chức bảo vệ môi trường liên tục kêu gọi xử lý nghiêm tình trạng mua bán, nuôi nhốt ĐVHD trái phép để ngăn ngừa dịch bệnh.

Khỉ đuôi dài do người dân giao nộp đang được cứu hộ tại Trạm Cứu hộ độ ng vậ t hoang dã Củ Chi ẢNH: CHI CỤC KIỂM LÂM TPHCM CUNG CẤP
Khỉ đuôi dài do người dân giao nộp đang được cứu hộ tại Trạm Cứu hộ độ ng vật hoang dã Củ Chi - ẢNH: Chi cục Kiểm TPHCM cung cấp 

Thú vui nuôi dã thú của người giàu

Trên thực tế, không phải người nào nuôi ĐVHD cũng ý thức được hành vi trái pháp luật của mình. Vì thế, có một số thú nuôi trái phép ở hộ dân bất ngờ biến mất sau khi cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, vận động giao nộp ĐVHD.

Cụ thể, giữa tháng 2/2020, sau khi Báo Phụ Nữ TPHCM đăng thông tin tổ chức WWF (Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế) kiến nghị Chính phủ Việt Nam đóng cửa toàn bộ thị trường buôn bán ĐVHD trái phép để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm dịch bệnh, một người dân ở chung cư  trên đường Cống Quỳnh, quận 1, TPHCM phản ánh, tại đây cũng có một người dân nuôi khỉ làm thú cưng. Thế nhưng, khi chúng tôi đến địa chỉ này, con khỉ đã không còn. Nhiều người dân ở chung cư này xác nhận từng có người nuôi khỉ, nhưng từ chối cung cấp danh tính vì ngại mất lòng hàng xóm.

Trước đó, trong năm 2019, chúng tôi ghi nhận được khá nhiều trường hợp người dân nuôi khỉ trong vườn nhà ở ngay nội thành. Tuy nhiên, sau khi xảy ra dịch COVID-19, trở lại những địa chỉ này, các cá thể ĐVHD này đã không còn. Giống như trường hợp ở khu chung cư Cống Quỳnh, nhiều khả năng những cá thể ĐVHD này đã được chuyển đi nơi khác, vì khi đối chiếu với danh sách giao nộp ĐVHD do Chi cục Kiểm lâm TPHCM cung cấp, chúng tôi không thấy có những địa chỉ này.

Một cựu lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm TPHCM cho biết, hầu hết người nuôi ĐVHD ở TPHCM là người khá giả, có sở thích nuôi ĐVHD làm thú vui. “So với lúc chưa có những quy định nghiêm ngặt về mua bán nuôi nhốt ĐVHD, tình trạng nuôi ĐVHD ở TPHCM ít hơn, nhưng mỗi năm, chi cục vẫn còn tiếp nhận hàng trăm cá thể ĐVHD do hộ dân giao nộp. Điều đó cho thấy, số hộ nuôi ĐVHD ở TPHCM vẫn còn nhiều. Việc nuôi ĐVHD như thế là trái phép, có thể gặp nguy hiểm do bị thú tấn công, đồng thời còn có nguy cơ lây dịch bệnh” - vị này nói.

Cá thể cầy họng vàng do người dân giao nộp đang được cứu hộ tại Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi Ảnh: Chi cục Kiểm lâm TPHCM cung cấp
Cá thể cầy họng vàng do người dân giao nộp đang được cứu hộ tại Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi - Ảnh: Chi cục Kiểm lâm TPHCM cung cấp

Vừa lo dịch bệnh, vừa sợ thú tấn công

Theo số liệu do Chi cục Kiểm lâm TPHCM cung cấp, tính từ đầu năm 2020 đến hết ngày 27/2, đơn vị này đã tiếp nhận 28 cá thể ĐVHD như khỉ, trăn, rùa, diều hâu, cu li, phần lớn là do người dân tự nguyện giao nộp, một số do lực lượng kiểm lâm cơ động phát hiện, lập biên bản tịch thu. Bảng tổng hợp số liệu của chi cục này cho thấy, tình trạng nuôi nhốt ĐVHD ở TPHCM khá phổ biến, xảy ra ở nhiều quận, huyện.

Ông Nguyễn Quang Hoàng - đại diện Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi - cho biết, tính từ năm 2019 đến nay, Chi cục Kiểm lâm TPHCM tiếp nhận gần 200 cá thể ĐVHD do người dân giao nộp, sau đó đưa về trạm này để chăm sóc. Sau khi phục hồi bản năng hoang dã, thú sẽ được thả về tự nhiên. Trong danh sách ĐVHD do người dân giao nộp trong một năm qua, chúng tôi nhận thấy, có nhiều loài thuộc nhóm quý hiếm - nguy cấp, cần được bảo vệ nghiêm ngặt như vượn, mèo rừng, tê tê…  

Theo ông Hoàng, việc nuôi ĐVHD không chỉ có nguy cơ lây truyền dịch bệnh mà còn nguy hiểm cho người nuôi. “Đã từng xảy ra một số vụ thú nuôi xổng chuồng, tấn công người. Đã có một số trường hợp chủ nuôi và người lân cận bị thương do khỉ tấn công. Do đó, Chi cục Kiểm lâm TPHCM thường xuyên tổ chức các tổ công tác để tuyên truyền, vận động người dân giao nộp ĐVHD đưa đi cứu hộ, thả về tự nhiên” - ông Hoàng cho biết thêm.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Trịnh Lê Nguyên - Giám đốc Tổ chức Bảo vệ thiên nhiên và con người - cho rằng, việc xử lý những trường hợp nuôi nhốt ĐVHD ở hộ dân cần phải quyết liệt hơn. “Lâu nay, các tổ chức bảo vệ môi trường cũng như cơ quan chức năng thường chú trọng đến việc xử lý các điểm mua bán, giết thịt ĐVHD. Tuy nhiên, qua số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm TPHCM cung cấp cho báo, có thể thấy rằng, số lượng ĐVHD đang nuôi trong nhà dân cũng khá lớn, rất đáng lo ngại. Việc nuôi nhốt ĐVHD như thế là trái với quy định của pháp luật, cần phải xử lý. Theo tôi, ngoài tuyên truyền, vận động, cần phải xử lý theo quy định của pháp luật. Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, rất nhiều tổ chức bảo vệ môi trường trên thế giới và tại Việt Nam đã lên tiếng, kêu gọi phải hành động quyết liệt để đóng cửa tất cả thị trường mua bán ĐVHD để góp phần bảo vệ thiên nhiên, ngăn ngừa dịch bệnh”. 

Cán bộ kiểm lâm tiếp nhận động vật hoang dã do người dân giao nộp để đưa về trạm cứu hộ Ảnh: Chi cục Kiểm lâm TPHCM cung cấp Cán bộ kiểm lâm tiếp nhận động vật hoang dã do người dân giao nộp để đưa về trạm cứu hộ Ảnh: Chi cục Kiểm lâm TPHCM cung cấp
Cán bộ kiểm lâm tiếp nhận động vật hoang dã do người dân giao nộp để đưa về trạm cứu hộ - Ảnh: Chi cục Kiểm lâm TPHCM cung cấp 

“Đường đi” của dịch bệnh từ động vật hoang dã sang người

Tiến sĩ Benjia Rawson - Giám đốc Chương trình Phát triển và bảo tồn của WWF Việt Nam - cho biết, tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép ở Việt Nam diễn ra phổ biến, làm suy giảm quần thể loài và mất đa dạng sinh học. Mặc dù pháp luật Việt Nam đã quy định các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, nhưng ý thức tuân thủ pháp luật của người dân rất hạn chế, việc thực thi pháp luật chưa hiệu quả và triệt để khiến các loài hoang dã vẫn tiếp tục bị bẫy bắt để phục vụ các nhà hàng, quán ăn thịt rừng.  

Theo ông Benjia Rawson, tiêu thụ ĐVHD trái phép không chỉ vi phạm pháp luật mà còn kích thích thị trường tiêu dùng, khiến việc săn bắt, bẫy, bắn diễn ra khốc liệt hơn, tinh vi hơn. Quá trình vận chuyển ĐVHD sau khi bắt, bẫy, bắn được từ rừng về đến nơi tiêu thụ còn gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Cụ thể, thợ săn phải đi nhiều ngày trong rừng, khi bắn được thú, thường mổ bỏ ruột và tẩm ướp hóa chất; những cá thể thú chưa chết thì bị nhốt vào các lồng chật hẹp, mất vệ sinh; trên đường vận chuyển, thú chết ở cùng thú sống. Ngay tại các sân sau của nhà hàng, quán xá, thịt rừng, thú rừng cũng bị nuôi nhốt trong tình trạng dơ bẩn. Do bản thân thú rừng đều mang trong mình các loại vi-rút khác nhau nên trong điều kiện bị nhốt chật hẹp và dơ bẩn, các vi-rút phát triển nhanh, biến thể và tìm vật chủ mới. Con người tiếp xúc trực tiếp với các loài ĐVHD trong quá trình giết, mổ, chế biến nên một số loại vi-rút từ đó truyền sang con người, gây bệnh và lây sang người khác. 

Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc Tổ chức WWF Việt Nam - cho rằng, Việt Nam đã từng chịu ảnh hưởng và thiệt hại về người và của do các dịch bệnh nguy hiểm có nguồn gốc từ động vật như SARS và hiện tại là COVID-19. Do đó, để tránh sự bùng phát của các dịch bệnh này, Việt Nam cần đóng cửa vĩnh viễn các thị trường buôn bán ĐVHD trái phép và tăng cường thực thi pháp luật. “Sau khi xảy ra dịch viêm phổi do vi-rút corona, chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm buôn bán ĐVHD. Vì vậy, Việt Nam cũng cần có những hành động tương tự để đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc ngăn chặn dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật trong tương lai” - tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh bày tỏ.

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI