Giải bài toán khó chế biến nông sản sau thu hoạch

30/06/2017 - 14:00

PNO - Mới đây, có dịp tham dự một hội thảo mini tìm đầu ra cho trái vải Lục Ngạn (Bắc Giang), chúng tôi mới biết người nông dân gặp khó khăn như thế nào sau khi thu hoạch và tìm cách bán nông sản của mình.

Mới đây, có dịp tham dự một hội thảo mini tìm đầu ra cho trái vải Lục Ngạn (Bắc Giang), chúng tôi mới biết người nông dân gặp khó khăn như thế nào sau khi thu hoạch và tìm cách bán nông sản của mình.

Theo diễn giả chính của buổi hội thảo, một người quê ở Bắc Giang, khác với nhãn hay chôm chôm, trái vải tươi sau khi hái chỉ đẹp và ngon trong vòng vài ngày, nếu không được bán (sang thị trường Trung Quốc), thì mất giá ngay.

Điều đó có nghĩa là, trái vải được chở bằng xe, vào đến miền Nam chắc chắn đã “xuống nước” rồi, nếu không được “ngậm” hóa chất! Vấn đề cốt lõi ở đây là làm sao có một quy trình bảo quản “sạch” sau thu hoạch, bảo đảm cho trái vải tươi lâu hơn, đầu ra cho nó sẽ dễ dàng và sáng sủa hơn rất nhiều. Biết là vậy, nhưng đó vẫn chỉ là mơ ước.

Giai bai toan kho che bien nong san sau thu hoach
Vải thiều phía Bắc vào đến miền Nam chắc chắn đã “xuống nước” nếu không được “ngậm” hóa chất.

Bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch tại một nước có nền nông nghiệp đa dạng như Việt Nam là một lĩnh vực rất quan trọng. Đó là điều ai cũng biết. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một nghịch lý là dù được đề cập nhiều, được quan tâm, thậm chí ngành học “công nghệ sau thu hoạch” được nhiều trường đại học và học viện quảng bá và chiêu sinh, lĩnh vực này vẫn “đi sau”.  

Như đánh giá của nhiều nhà phân tích, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch ở nước ta hiện vẫn yếu nên chất lượng nông sản thấp, hạn chế khả năng tiêu thụ kịp thời và xuất khẩu. Gần đây, tình trạng nông sản “được mùa - mất giá” cứ lặp đi lặp lại, và cụm từ  “giải cứu nông sản”, từ chuối, cà chua, bắp cải, dưa hấu… cho đến thịt heo, có lẽ đã không còn mới.

Ngoài các lý do về hoạch định cung cầu thị trường, sản xuất tự phát, thiếu thông tin… vấn đề bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch còn kém cũng không thể vô can.

Trong thực tế, đã có một số công ty, tổ chức ở Việt Nam áp dụng những công nghệ bảo quản nông sản hiện đại như công nghệ chiếu xạ, công nghệ CAS, công nghệ bao gói khí điều biến (MAP), công nghệ bảo quản bằng chế phẩm tạo màng phủ... Tuy nhiên, những trường hợp này mới chỉ là số ít và được triển khai lẻ tẻ tại một số địa phương.

Các sản phẩm nông sản chủ lực sau khi thu hoạch, ngoài số lượng được người dân xuất bán ngay, số còn lại chủ yếu vẫn được bảo quản sơ sài theo phương pháp truyền thống như thu hoạch xong đóng bao bán ngay hay phơi khô đựng vào bao chứa trong nhà…

Số liệu điều tra của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) công bố cuối năm ngoái cho thấy, ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch của cây lúa là 11-13%, ngô 13-15%, tập trung ở khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản, chế biến; rau quả và thủy sản đánh bắt bị tổn thất hơn 20% cả về sản lượng và chất lượng. Tỷ lệ tổn thất này thuộc loại cao, so với mức 6-7% của nước láng giềng Thái Lan, dẫn đến thất thoát hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. 

Thực ra, chính phủ vẫn có các chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, tăng cường chế biến sâu, chế biến tinh để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Tuy nhiên, nhìn chung, giải quyết bài toán này là công việc đòi hỏi sự quyết tâm và đồng bộ từ nhiều ban ngành, vừa là hành lang cơ chế chính sách, vừa là vấn đề vốn, thuế, đặc biệt là các cơ chế liên quan đến đầu tư mũi nhọn và năng lực tiếp cận của doanh nghiệp. Vấn đề là làm sao để các nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể kết hợp với các nhà khoa học, tham gia thuận lợi vào lĩnh vực này.

Vào những ngày cuối năm 2016, Vinamit công bố 54 sản phẩm của công ty được cấp chứng nhận organic theo tiêu chuẩn USDA (Hoa Kỳ) và EU cho cả sản phẩm tươi và sản phẩm chế biến. Đơn vị cấp chứng nhận cho Vinamit là Control Union, tổ chức kiểm định và đánh giá độc lập uy tín hàng đầu thế giới, trụ sở chính tại Hà Lan. Con đường chuyển hướng sang nông sản hữu cơ của công ty thuần Việt này là một điểm sáng hiếm hoi trong việc góp phần tiêu thụ nông sản Việt, rất cần có môi trường tốt để nhân rộng. 

Danh Văn

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI