Giải “bài toán hôn nhân” một cách ngọt lịm

02/12/2014 - 11:21

PNO - PN - Ít ai biết, Lê Kinh Tài - một trong những họa sĩ bán tranh có giá nhất Việt Nam - lại là người không uống rượu bia, đúng 16g30 mỗi ngày là lui cui vào bếp nấu ăn cho cả nhà. Tự nhận mình “gặp bất lợi” trong việc trở thành...

edf40wrjww2tblPage:Content

Giai “bai toan hon nhan” mot cach ngot lim

Gia đình họa sĩ Lê Kinh Tài

PV: Thưa anh, anh chị quen nhau trong trường hợp khá đặc biệt, anh có thể chia sẻ lại câu chuyện đó?

Họa sĩ Lê Kinh Tài: Đó là buổi trưa ngày 15/7/1992, tôi đi thi ĐH Mỹ thuật với bộ dạng: áo sơ mi và quần pijama xẻ quá đùi, vì cái chân trái bị gãy trong tai nạn, đang bó bột. Trong giờ thi vẽ môn bố cục màu, tôi đang loay hoay với đôi nạng gỗ và cái chân duỗi thẳng, không ngồi xuống được để đến góc phòng thi lấy nước pha màu, bất ngờ có người giành lấy mớ cọ từ tay tôi, ngồi xuống rửa, nhân tiện lấy nước giúp tôi quay lại chỗ làm bài. Đó là một cô gái trắng trẻo, dáng mảnh dẻ, vẻ mặt thân thiện. Đến ngày xem kết quả thi, tôi mới biết tên cô ấy, chúng tôi lại học chung lớp. Một tháng sau lễ tốt nghiệp, chúng tôi thành vợ thành chồng.

* Anh yêu vợ ở điểm nào? Điều đó, cho đến nay có gì thay đổi?

- Cô ấy rất nghiêm khắc với bản thân trong quan điểm sống, nhưng thật nhẹ nhàng lúc cần bảo vệ tình yêu, biết cách “sống” bên cạnh tôi những lúc tôi sa sút tinh thần, từ khi còn sinh viên đã thế, đến nay vẫn vậy, chẳng thay đổi. Đặc biệt, tôi cảm nhận được một tình yêu vô biên mà vợ dành cho mình, nên cứ thấy vợ đáng yêu mãi.

* Chưa kịp “ăn chơi”, anh đã có bạn gái thời sinh viên và lấy làm vợ rồi từ đó về sau là lo chăm chút cho vợ con, ở góc độ đàn ông, anh có thấy... tiếc, có “chơi bù”?

- Thực ra thì tôi cũng đã “nếm đủ mùi” trước khi lấy vợ. Tôi lớn hơn cô ấy những tám tuổi. Tôi xa gia đình từ năm 17 tuổi, ra đời lăn lộn mưu sinh, sướng cực cũng đã trải qua. Trước khi gặp cô ấy, tôi đã có vài cuộc tình, tôi kể hết cho cô ấy nghe từng người đến với tôi rồi đi. Cái bất lợi lớn trong hôn nhân thuở ban đầu là chúng tôi rất nghèo, nhưng đó cũng là “may mắn” lớn. Cũng vì nghèo mà tôi thể hiện được vai trò của mình đối với vợ con một cách mạnh mẽ. Tôi nợ cô ấy rất nhiều, đến nay vẫn vậy, nếu nhắc đến sự hy sinh, phải kể đến cô ấy chứ không phải tôi. Cô ấy lẳng lặng bỏ đi niềm đam mê hội họa, dành phần lớn thời gian có được cho con cái, để tôi tha hồ “ăn chơi” trong tình yêu nghệ thuật.

* Anh thường “cãi nhau to” với vợ về những vấn đề nào? Cách giải quyết vấn đề khi tranh cãi là gì? Thường thì ai là người nhịn trước?

- Thời mới cưới, những chuyện bé hơn hạt bụi, chúng tôi thường có vẻ như cố ý xé to ra như con voi. Những đứa con lần lượt ra đời, những trận “cãi vã lớn” như vậy ít dần.

Chúng tôi cùng dành phần nhiều thời gian chăm sóc con cái, lo cho mái ấm và thầm nghĩ nhiều về sự hy sinh của người kia lớn hơn nhiều so với “tội trạng”, để có cớ mà mang ơn nhau rồi cùng nhau vun đắp. Tuy nhiên, phải kể đến sự trưởng thành tư duy nhận thức qua từng giai đoạn tuổi tác.

Chúng tôi dần thay những tự ái vặt vãnh trong tình yêu bằng nghĩa tình nhưng không kém phần lãng mạn. Cá nhân tôi, cũng như bao đàn ông khác, lỡ mang trên người hai chữ “phái mạnh” to vật, ra sao thì ra, phần lớn để kết thúc tiếng ồn vật vã trong các “cuộc chiến nội bộ”, có khi thật lòng, có khi giả bộ, nhưng kết cục thường là lí nhí âm thanh mềm oặt: “Cho anh xin lỗi...”.

Còn trong việc tranh cãi về hội họa, thường không ai thắng, chúng tôi cho bóng vào lưới nhau một quả để sau trận đấu có tỉ số 1-1, đẹp cả đôi đường, rồi “tự kỷ ám thị”: “đội nào đá cũng hay”.

Giai “bai toan hon nhan” mot cach ngot lim

Vợ chồng họa sĩ Lê Kinh Tài - Hoàng Lý Bạch Tuyết thuở mới quen nhau

* Theo anh, thời hiện đại, vợ và chồng đều tự chủ, độc lập trong suy nghĩ và hành động. Có phải những yếu tố này khiến người ta dễ ly hôn? Anh có lấy… cọ để viết đơn ly hôn lần nào chưa?

- Chúng tôi cũng từng thay nhau viết đơn ly hôn không dưới một lần cho người kia ký rồi hoặc xé, hoặc giấu biến. Tôi nghĩ, anh chị em ruột trong gia đình nhiều khi cũng không chắc hiểu hết về nhau để sống tròn vành với hai chữ “hòa thuận”, vợ chồng với hai chuỗi ADN khác biệt, những xung đột lớn nhỏ không thể không xảy ra, vấn đề là ta biết hãm “cái tôi”, hay nói khác là phần “con” trong chúng ta lại càng nhỏ chừng nào hay chừng ấy. Theo tôi, thời đại nào cũng vậy, hôn nhân không chỉ đơn thuần là nương tựa vào nhau về tinh thần cũng như vật chất, nó thiêng liêng hơn thế, đó là sự hy sinh cho nhau về mọi thứ trong khoảng thời gian sống chung, đó là hàm ơn nhau, và cũng là “nợ” nhau. Nếu cả hai cùng cảm thấy không còn nợ nhau, họ có thể chia tay.

* Trong “bài toán hôn nhân" của anh, anh thấy khó giải nhất là “phép toán” nào?

- Sống vẹn toàn một cách có thể, để khi có bất hòa, lấy đó làm nền tảng chứng minh một cách thuyết phục cho nửa kia hiểu. Sự biến thiên tình yêu trong hôn nhân của mình là một parabol, nó có thể bắt đầu từ tọa độ không nhưng cuối cùng hai nhánh luôn hướng về “dương vô cực”.

* Hôn nhân của họa sĩ Lê Kinh Tài đặc biệt và khác biệt thế nào so với người khác?

- Vẫn bên nhau và cùng chăm sóc con cái như bao gia đình bình thường khác, thỉnh thoảng để “làm mới” tình yêu của mình, chúng tôi hoán đổi vai vợ, vai chồng cho nhau như để tìm thấy bên trong người kia, tỉ như tôi đang lúi húi trong bếp chuẩn bị bữa ăn tối cho gia đình thì cô ấy đang khoan tường, treo tranh cho tôi hoặc hì hục thay bóng đèn cháy trong phòng ngủ.

* Xin cảm ơn anh.

 TRẦN  

 (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI