Giải bài toán “hiểu đúng và trúng” chương trình GDPT 2018 bậc THPT

01/04/2022 - 22:09

PNO - Hiểu sao “đúng và trúng” chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 bậc THPT để triển khai hiệu quả - bài toán này vừa được giải qua chuyên đề do Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) tổ chức.

Làm thế nào giúp học sinh học nhẹ nhàng nhưng hiệu quả?

Tại chuyên đề, thầy Đinh Nguyễn Đông Triều (giáo viên toán, Trường THPT Nguyễn Du) băn khoăn, yêu cầu cần đặt ra với học sinh trong chương trình GDPT 2018 có vẻ cao hơn so với năng lực học sinh hiện nay. 

“Để học sinh trình bày được một vấn đề mà thầy cô dạy thì cần phải có thời gian, đi từ hiểu biết mới đến thuyết trình. Trong chương trình hiện hành, việc yêu cầu học sinh tương tác rất khó, thậm chí thầy cô nhắn tin các em còn không trả lời. Sĩ số học sinh cũng ảnh hưởng đến việc tổ chức lớp học theo hướng chương trình mới”, thầy Triều đặt vấn đề. 

Nhiều giáo viên băn khoăn làm sao giúp học sinh học nhẹ nhàng nhưng hiệu quả với chương trình mới
Nhiều giáo viên băn khoăn làm sao giúp học sinh học nhẹ nhàng nhưng hiệu quả với chương trình mới

Trong khi đó, cô Ngọc Thảo lại trăn trở về việc đổi mới khi thực hiện chương trình GDPT 2018, làm sao giúp học sinh học nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Trong tâm thế của một phụ huynh có con sắp tới sẽ vào lớp 10, cô Thảo lo lắng không biết nên tư vấn thế nào để học sinh, phụ huynh lựa chọn được đúng môn học, nếu học sinh chọn rồi chọn lại liệu có được không. 

ThS. Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du đánh giá, chương trình GDPT 2018 khi “trao quyền” cho học sinh chọn các môn học lựa chọn nếu không tính toán kỹ có thể dẫn đến tình trạng dư hoặc thiếu giáo viên cục bộ. Điều này đòi hỏi công tác tổ chức vận hành của nhà trường làm sao đạt được yêu cầu phân hóa cao nhất mà chương trình hướng tới nhưng đảm bảo hài hòa nhất.

“Nếu chúng ta để học sinh thoải mái lựa chọn thì có thể sẽ có những môn các em không chọn”, ThS. Huỳnh Thanh Phú trăn trở.

Việc chỉ trông chờ vào sách giáo khoa là hiểu chưa đúng và trúng…

PGS.TS. Dương Bá Vũ (Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TPHCM) khẳng định, chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa (SGK) mới ở bậc THPT được thiết kế giảm tải kiến thức, dành thời gian, không gian cho giáo viên tổ chức các hoạt động giúp học sinh phát triển được các yêu cầu cần đạt. Trong đó, SGK chỉ là phương tiện. Việc chỉ trông chờ vào SGK là chưa hiểu đúng và trúng yêu cầu dạy học phát triển năng lực. 

Ông nhấn mạnh, dạy học phát triển năng lực là một quá trình. Mục tiêu là yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình chứ không phải kiểm tra đánh giá theo nội dung SGK. Thông qua cách giáo viên tổ chức hoạt động sẽ phải giúp học sinh nhận ra yêu cần cần đạt và đạt được các yêu cầu đó ở những mức độ phù hợp theo năng lực của học sinh qua từng hoạt động.

“Hiểu được điều này, thầy cô sẽ luôn có trách nhiệm tự bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ”, PGS. TS Dương Bá Vũ đánh giá. 

PGS.TS. Dương Bá Vũ  cho rằng, việc chỉ trông chờ vào sách giáo khoa là hiểu chưa đúng và trúng về chương trình
PGS.TS. Dương Bá Vũ cho rằng, việc chỉ trông chờ vào sách giáo khoa là hiểu chưa đúng và trúng về chương trình

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Thanh Nga (giảng viên khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm TPHCM) nhận định, chương trình GDPT 2018 đang “đứng về phía người học”, tạo cho các em cơ hội chọn lựa môn học theo nguyện vọng, tố chất của mình. 

Theo TS. Nguyễn Thanh Nga, ngay từ đầu, các trường phải công bố trường có gì, đáp ứng được gì để học sinh lựa chọn dựa trên điều kiện thực tế của trường. Mỗi trường khác nhau sẽ có chiến lược khác nhau ứng với các môn học tự chọn. Cách làm này sẽ giúp từng nhà trường xây dựng nét đặc trưng mà chỉ riêng trường mình có, để thu hút học sinh.

“Xét một cách tổng thể, chương trình không chỉ tạo cơ hội cho học sinh mà còn trao quyền chủ động cho nhà trường. Tuy nhiên, không phải học sinh muốn chọn gì cũng được mà nhà trường, giáo viên chủ nhiệm phải tư vấn trước thật kỹ cho các em, giúp các em định hướng phù hợp”, TS. Nguyễn Thanh Nga nhận định.

Tấn Dũng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI