Giải bài toán để sâm Ngọc Linh thành hiện thực của giấc mơ tỷ đô

07/08/2022 - 08:49

PNO - Sâm Ngọc Linh không chỉ là quốc bảo mà còn là “quốc kế, dân sinh”. Đó là lời khẳng định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi Hội thảo "Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia” do báo Tuổi Trẻ và UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Kon Tum phối hợp tổ chức ngày 6/8.

 

 

Đổi đời nhờ Sâm Ngọc linh

Sâm Ngọc Linh có giá trị rất lớn trên thị trường, đem lại lợi ích kinh tế cao cho bà con Xê Đăng dưới dãy Ngọc Linh. Tuy nhiên, việc phát triển cây sâm hiện nay vẫn chưa tướng xứng với tiềm năng
Sâm Ngọc Linh có giá trị rất lớn trên thị trường, mang lại lợi ích kinh tế cao cho bà con Xê Đăng dưới dãy Ngọc Linh. 

Hàng trăm hộ đồng bào Xê Đăng dưới chân núi Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã có cuộc đổi đời ngoạn mục nhờ vào cây sâm Ngọc Linh. Người dân nơi đây đã có nhiều người sở hữu những ngôi nhà tiền tỷ, những chiếc xe mới cứng cho đến những vật dụng gia đình hiện đại. Ông Hồ Văn Thể - Chủ tịch UBND xã Trà Linh kể rằng: “Trước đây, nghe tới Trà Linh là người ta lắc đầu, lè lưỡi. Nhưng nay, bất kể con trai hay con gái thì đều tình nguyện ở lại Trà Linh làm dâu, ở rể. Cây sâm, đã giúp bà con nơi đây thoát nghèo ngoạn mục”.

Từ một huyện nghèo nhất cả nước, Nam Trà My đang từng bước chuyển mình trở thành một huyện có lợi thế nhất trong việc phát triển kinh tế địa phương. Nam Trà My nằm ở phía tây nam của tỉnh Quảng Nam, là nơi có điều kiện tự nhiên, sinh thái phù hợp để bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh với diện tích quy hoạch bảo tồn và phát triển gần 16.000ha.

Tuy nhiên, đến hiện tại, diện tích sản xuất sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh mới chỉ hơn 1.000ha; có trên 1.600ha với 20 doanh nghiệp, nhóm hộ và người dân đã thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh.

Với chỉ chừng đó, thì chưa thể xứng với tiềm năng vốn có với thực trạng hiện nay của huyện Nam Trà My.

Vấn nạn sâm giả; đa dạng các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh... hiện đang là vấn đề cần được giải quyết
Vấn nạn sâm giả hiện đang là vấn đề cần được giải quyết

Ông Trần Út - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Nam - cho biết đến hiện tại, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn hạn chế; nguồn giống chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất. “Quy mô diện tích trồng và sản lượng sâm Ngọc Linh vẫn còn thấp so với nhu cầu thị trường. Một trong những nguyên nhân là bởi cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến còn hạn chế, chưa đa dạng hóa sản phẩm. Hơn nữa, Quảng Nam chưa có nhà đầu tư lớn, đóng vai trò hạt nhân xây dựng, phát triển thương hiệu để tiếp cận thị trường quốc tế”, ông Út cho hay.

Cũng theo ông Út, công tác quản lý sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do tình trạng buôn bán hạt giống, cây giống không rõ nguồn gốc và các sản phẩm giả mạo sâm Ngọc Linh đang tràn lan trên thị trường gây ảnh hưởng đến sản xuất, nguồn gen gốc sâm Ngọc Linh, thiệt hại kinh tế đối với người tiêu dùng; đặc biệt ảnh hưởng lớn đến thương hiệu sâm Ngọc Linh. Lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm định, công nghệ ứng dụng vào công tác kiểm tra, giám sát nguồn gốc sâm Ngọc Linh chưa phát triển.

Diện tích sản xuất sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam mới chỉ hơn 1.000ha
Diện tích sản xuất sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam mới chỉ hơn 1.000ha

Còn theo ông Huỳnh Văn Liêm - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum - một trong những hạn chế hiện nay cho việc phát triển sâm Ngọc Linh là quy định của pháp luật chưa cho phép thực hiện trồng và phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đặc dụng, trong khi tỉnh Kon Tum có hơn 50% diện tích có khả năng phát triển sâm Ngọc Linh được quy hoạch chức năng rừng đặc dụng nên khó thu hút đầu tư phát triển và các dược liệu khác dưới tán rừng gắn với công tác bảo tồn trên diện tích này.

“Thêm vào đó, vốn đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh rất lớn, khoảng 10-13 tỷ đồng cho 1ha, là trở ngại không nhỏ cho các hộ dân nhỏ lẻ tham gia đầu tư, trong khi việc tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển Sâm Ngọc Linh rất khó khăn. Ngoài ra, cũng vì cây Sâm Ngọc Linh rất quý hiếm, nên người dân trồng và giấu rất kỹ gây không ít khó khăn trong việc quản lý, thống kê diện tích trồng Sâm”, ông Liêm thông tin.

Sâm Ngọc Linh phải ra khỏi tủ kính, thành sản phẩm quốc gia

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định rằng, sâm Ngọc Linh không chỉ là quốc bảo mà còn là quốc kế, dân sinh
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định rằng, sâm Ngọc Linh không chỉ là quốc bảo mà còn là quốc kế, dân sinh

Tại buổi hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định rằng, sâm Ngọc Linh không chỉ là quốc bảo mà còn là quốc kế, dân sinh. “Sâm Ngọc Linh không chỉ ở trong tủ kính để ngâm rượu hay mật ong mà phải chế biến thành nhiều sản phẩm, giải quyết an sinh xã hội, làm nên thương hiệu quốc gia”, Chủ tịch nước nói.

Từ đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra rằng, trước tiên cần phải có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính phủ, các bộ, các ngành để có thể phát triển cây sâm toàn diện, an toàn, chất lượng. Thực hiện đồng thời vừa bảo tồn vừa đa dạng hóa sản phẩm. Mà muốn làm được điều đó thì cần các nhà sản xuất, các cơ quan nghiên cứu để học tập từ các quốc gia khác, đưa sâm Ngọc Linh từng bước phát triển từ thấp tới cao, nhưng tốt nhất là định vị ở mức cao cấp.

“Phải kêu gọi các doanh nghiệp trong nước, liên doanh, liên kết để phát triển các sản phẩm từ cây sâm. Chúng ta chưa thể làm được điều này ngay, nhưng đó là hướng đi cần phải có", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Nguyễn Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI