Giấc mộng hồng sa

19/06/2021 - 18:53

PNO - Nhìn anh Thế Anh cao lớn, trắng trẻo, tóc bồng bềnh lãng tử giới thiệu đặc tính gốm sứ Bát Tràng, quả thực rất khó để hình dung việc anh là một thợ gốm “xịn”.

Phá cách về tạo hình với quai ấm thẳng, khi dựng lên, thân ấm dù lớn cỡ nào cũng vững song bên trong sự hoàn hảo đến từng chi tiết ấy còn là hồn cốt của “chỉ sông hồng thương mẹ hát đơn côi/ phù sa đỏ như miếng trầu mẹ quệt/ Ăn hạt gạo giờ con mới biết/ có sông và đời mẹ ở bên trong” (thơ Trương Nam Hương). Phạm Thế Anh - nghệ nhân trẻ rất hiện đại ấy - đã dành đến 15 năm hiện thực hóa “giấc mộng hồng sa” để chứng minh rằng “Tử sa” hay “hồng sa” đều là lắng tụ màu mỡ của dòng sông lịch sử, còn giá trị sản phẩm dù ngàn đời cũng vẫn nằm ở tài hoa và kỹ nghệ của người thợ gốm.

Sống ở làng nghề buộc phải giỏi nghề

Nếu từng đi chợ gốm Bát Tràng (H.Gia Lâm, TP.Hà Nội), vào cơ sở gốm của nghệ nhân Phạm Thế Anh, bạn sẽ thấy một Bát Tràng hoàn toàn khác: hiện đại, hội nhập trên cái nền tinh hoa của làng cổ ngàn năm tuổi. Thuộc lứa 7X và là một trong những nghệ nhân trẻ kế cận thế hệ lão làng đã thành danh của Bát Tràng, anh Phạm Thế Anh dường như đã mang tâm thế đương đại vào từng công đoạn ứng xử với gốm. Trong khuôn viên gồm nhà ở, trụ sở giao dịch và nhà xưởng mênh mông của mình, anh luôn dành cho gốm một vị trí đặc biệt. Mỗi góc trong cái không gian như khu nghỉ dưỡng ấy, anh đều thiết kế để sự hiện diện của gốm trên các kệ gỗ vừa giản mộc mà vừa trang trọng. 

Màu rất mộc và gần gũi của ấm chén làm từ phù sa sông Hồng
Màu rất mộc và gần gũi của ấm chén làm từ phù sa sông Hồng

Anh Thế Anh tự hào: “Trung Quốc có gốm sứ Phúc Kiến, Nhật Bản có gốm sứ Noritake, Việt Nam có gốm sứ Bát Tràng. Điểm nổi trội của gốm sứ Bát Tràng là màu sắc và họa tiết được làm thủ công nên những nét vẽ từ thanh, đậm, lớn, nhỏ đều mềm mại, uyển chuyển. Cũng vì là thủ công mà các mẫu vẽ ít khi lặp lại. Ngoài tính bền, chịu nhiệt và chắc chắn, gốm sứ Bát Tràng còn mang màu sắc đơn giản, nhã, mộc; bên ngoài phủ men nên hoa văn trên sản phẩm rất rõ nét…”. 

Nhìn anh Thế Anh cao lớn, trắng trẻo, tóc bồng bềnh lãng tử giới thiệu đặc tính gốm sứ Bát Tràng, quả thực rất khó để hình dung việc anh là một thợ gốm “xịn”. Anh cười bảo: “Bố mẹ tôi có của ăn của để nên mong muốn đàn con học hành đến nơi đến chốn. Tôi cũng không phải lao động trong xưởng gốm của gia đình như nhiều đứa trẻ làng. Thế nhưng hết lớp Chín, tôi theo đám bạn bỏ học. Thế là bố tôi đẩy tôi xuống xưởng gốm và bắt làm mọi việc mà trước đây tôi chưa từng biết đến. Ông nói đã không học hành đến nơi đến chốn thì buộc phải giỏi nghề mới sống được ởlàng nghề…”.

Mười một năm sau, Phạm Thế Anh mới cơ bản học hết được những kỹ thuật của nghề làng. Nếu đại đa số cơ sở sản xuất gốm của Bát Tràng phải tìm cách đa dạng mẫu mã sản phẩm bên cạnh việc cải tiến kỹ thuật, công nghệ để bắt nhịp được với thị trường hiện đại và cạnh tranh với gốm sứ Trung Quốc; Thế Anh lại chọn một hướng đi không giống ai: chuyên gia công ấm trà cho người Nhật. Mẫu và chất liệu đều do họ quy định rõ ràng và khắt khe.

Mẫu thì có sẵn nên không khó chế khuôn nhưng để đạt được yêu cầu về đất thì chỉ nghe người quản lý dây chuyền sản xuất nói sơ đã thấy kỳ công: đất cục sau khi đưa vào máy nghiền sẽ mang đi lọc, rồi phơi khô, đánh hồ, đổ lót, tiện, tróc, chuốt… Sau chừng ấy khâu “luyện” mới vệ sinh hoàn thiện rồi đưa vào nung ở mức 900°C để xương đất cứng hơn. Nung xong lại làm men rồi đưa trở lại lò đốt chín ở 1.2000C…

Không tự hào theo lối ru ngủ thường thấy ở không ít làng nghề, nghệ nhân Phạm Thế Anh bảo, chỉ gia công thành phẩm cho người Nhật nhưng anh lại học được từ họ những ứng dụng máy móc, công nghệ và sự kỹ lưỡng, chỉn chu, thậm chí là trong từng chi tiết để có được sản phẩm hoàn hảo. Đó cũng chính là tiền đề để anh xây dựng và phát triển sản phẩm Bát Tràng trước khi xuất sang thị trường các nước.

Nghệ nhân Phạm Thế Anh giới thiệu kỹ thuật làm chiếc nắp vừa khít với thân ấm Hồng sa
Nghệ nhân Phạm Thế Anh giới thiệu kỹ thuật làm chiếc nắp vừa khít với thân ấm Hồng sa

Hồng sa đến từ sự… tức khí trong nghề

Vừa gia công ấm trà cho người Nhật, vừa học hỏi để sản xuất những sản phẩm đáp ứng được thị hiếu và tiêu chuẩn của người tiêu dùng nhiều nước; nghệ nhân Phạm Thế Anh lại vừa đau đáu tìm mọi cách để hiện thực hóa giấc mơ: Gốm sứ Bát Tràng làm từ phù sa sông Cái (tên gọi cũ của sông Hồng). Anh chia sẻ, ý tưởng “Hồng sa” ban đầu chưa rõ ràng nhưng xuất phát từ lịch sử và hiện thực của làng gốm: từ ngàn năm trước, những người thợ xuất sắc của làng gốm Bồ Bát đã rời Ninh Bình theo chiếu vua ban. Từ kinh thành Đại La, họ đi dọc sông Cái và tìm được vùng đất có 72 đụn sét trắng (loại đất quý để làm gốm). Cánh thợ Bồ Bát đã dừng chân, chọn vùng đất đó để dựng Bạch thổ phường (phường làm gốm từ đất sét trắng) phục vụ kinh thành. Đó chính là Bát Tràng ngày nay.

Bao đời khai thác, 72 đụn sét trắng năm xưa giờ chỉ còn trong lịch sử làng gốm cổ.  Đất quý không còn, Bát Tràng phải nhập nguyên liệu từ nhiều nơi. Trong khi đó, trên thị trường, loại ấm chén Tử sa đang “chiếm lĩnh”. Có những năm, người chơi ấm, yêu trà nào cũng phải tìm cho bằng được một bộ ấm chén Tử sa.

Năm 2004, chưa đầy ba mươi tuổi, anh thợ trẻ Phạm Thế Anh đã trăn trở: hàng ngàn năm qua, những nghệ nhân Trung Hoa muốn thể hiện được tài năng đều phải sử dụng đất Tử sa - loại đất cát tím độc đáo của huyện miền núi Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô. Sản phẩm của họ tinh xảo đến kỳ lạ, từ những ấm trà nằm gọn trong lòng tay, mỏng và nuột nà đến việc rót mà nước trà chỉ theo một dòng chảy từ vòi ấm, tuyệt nhiên không rơi một giọt nào.

Cái gốc của nghề gốm là chất liệu đất. Gốm của người Trung Hoa được thế giới tôn vinh cũng bởi họ có đất Tử sa. Thế thì tại sao mình lại không thể có Hồng sa - khi cả ngàn năm nay người Bát Tràng vẫn uống nước mặt, rồi nước ngầm từ dòng sông đỏ nặng phù sa ấy?

Mười lăm năm từ ngày “Hồng sa” hiện diện trong tâm trí, nghệ nhân Phạm Thế Anh đã sang Nghi Hưng không biết bao nhiêu lần để tìm hiểu. Anh đến các cửa hàng bán ấm Tử sa ở Hà Nội, nói chuyện gốm, chuyện trà rồi xin phép “nghiên cứu”, đo đạc các mẫu ấm Tử sa. Nhà thơ Vương Tâm, người sưu tầm ấm trà khá có tiếng ở Hà Nội, khi đó đã rất ấn tượng với người đàn ông điển trai, nom như tài tử xi-nê này.

Nghệ nhân Phạm Thế Anh luôn dành cho các mẫu ấm Hồng sa một vị trí trang trọng trong khuôn viên của gia đình
Nghệ nhân Phạm Thế Anh luôn dành cho các mẫu ấm Hồng sa một vị trí trang trọng trong khuôn viên của gia đình

Đến một ngày, cầm trên tay chiếc ấm khi rót nước không bị rớt ra ngoài hoặc tràn qua thành ấm, cũng không bị tắc vì vướng bã trà; ông lấy nắp gõ nhẹ vào thành ấm, thấy vang lên âm thanh như tiếng chuông ngân. Ông nhớ lại: “Khi đó tôi thấy các tiêu chí đã chuẩn đúng như ấm Tử sa, nắp ấm khít rịt, khi bịt lỗ thông hơi trên nắp thì dù có cầm ấm dốc, rót cỡ nào nước cũng không rớt ra ngoài. Thế nhưng đặt ấm trong lòng tay, nhìn màu gốm thì tôi thấy không phải là ấm Tử sa mà có gì đó vừa lạ lẫm, vừa gần gũi, thân thuộc. Lúc nghệ nhân Phạm Thế Anh giới thiệu đó là ấm Hồng sa, làm từ chính phù sa sông Cái, tôi đã rất ngỡ ngàng”.

Hồng sa - loại đất chứa 80% phù sa, 20% là một số thành phần khác - đã như phù sa bồi đắp thêm tinh hoa cho làng gốm Bát Tràng. 15 năm ròng rã nghiên cứu, phân tích tỷ lệ sắt, chì và những yếu tố khác trong những nắm đất Tử sa mua tận Giang Tô rồi tìm tòi, thử nghiệm xử lý đất và cát sông Hồng; sau cả bao ghi chép nữa, anh Thế Anh mới tìm được công thức chuẩn và cho ra đời sản phẩm làm từ Hồng sa. Trong khuôn viên cách sông Hồng chỉ vài trăm mét, nghệ nhân Phạm Thế Anh quỳ bên ấm Hồng sa. Nhìn cách anh nâng niu ấm, cẩn trọng, từ tốn trong từng động tác pha trà càng thấy rõ hơn ở anh một niềm mê đắm, một tấm lòng trân quý, biết ơn đất đai của tổ tiên và tinh hoa nghề gốm của làng. 

 Bài và ảnh:  Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI