Giấc mơ trong lành nơi 'cửa tử'

18/08/2017 - 14:00

PNO - Bệnh tật kéo dài, không ít người bệnh và gia đình cùng đường đã “dọn” vào bệnh viện (BV). Lây lất níu giữ cơ hội được tiếp tục sống, ngày mai của họ không xa xôi như “người lành”.

Nó gần, như túi cơm từ thiện, như bàn tay xoa đầu… Ở nơi đó, có biết bao tấm lòng đến với những con người khổ sở vì bệnh tật, sẵn sàng hỗ trợ một cách lặng lẽ.

“Sống sót” ở bệnh viện

Tấm phiếu nhỏ ghi thời gian nhận phần ăn miễn phí lúc 11g trưa. Bữa cơm tại Khoa Nhi BV Ung Bướu TP.HCM có tiếng xuýt xoa biểu lộ niềm vui nho nhỏ của những cảnh đời mong manh trước bạo bệnh. “Hay quá trời, thằng nhỏ mới vô hóa chất… trưa nay từ thiện cho cơm sườn với canh bí hầm xương”, bà ngoại cháu bé đang điều trị ung thư máu mừng rỡ nói. 

Giac mo trong lanh noi 'cua tu'
Cơm từ thiện giúp nhiều người bệnh nghèo sống qua ngày

Bà đỡ đứa cháu ngồi dậy, xé miếng sườn, đút cơm cho cháu với nụ cười nhăn khóe mắt. Cậu bé tầm 10 tuổi ngước nhìn bà: “Ngoại đừng ăn cơm không nữa, bữa nay nhiều đồ ăn lắm, con ăn không hết đâu”.

Cả năm trời nay, từ làng quê Ninh Thuận, bà Luyến và cháu ngoại đã “dọn” lên Sài Gòn sống trong BV như vậy. Từ BV Nhi Đồng 1 sang BV Nhi Đồng 2 rồi qua BV Ung Bướu, bà gắng gượng dành tiền theo đuổi điều trị cho cháu, sống nhờ cơm từ thiện.

Chị Hoàng (quê Long An, đang điều trị ung thư vú) kể cho chúng tôi nghe cách chi tiêu tiết kiệm tại nơi tập trung đông “cư dân” BV lâu năm nhất và luôn đối diện với chi phí điều trị vô cùng tốn kém. Chị làm phép tính, nếu ăn cơm ngoài ngày hai bữa phải mất 50.000 đồng. Một tháng mất ít nhất 1.500.000 đồng/người.

Nhờ cơm từ thiện, bệnh nhân (BN) và thân nhân dành dụm được số tiền ít ỏi đó để bù vào tiền thuốc. “Có khi vô toa thuốc là hết sạch tiền, tôi cứ nằm vạ vật ở BV. Ráng xong được một đợt điều trị là tôi lại về quê chạy chợ, vay mượn đủ tiền để vô thuốc tôi mới lên Sài Gòn lại. Ráng chạy đủ tiền vô thuốc thôi, tiền đâu mà ăn cơm BV hay cơm bên ngoài”, chị Hoàng nói.

Vợ chồng anh Tâm từ Sóc Trăng đưa con mắc bệnh tim vào BV Đại học Y Dược TP.HCM. Các thủ tục nhập viện cho con xong, trong túi hai vợ chồng còn chưa đến 70.000 đồng. “Tụi em phải liều vì con em trở nặng quá. Bác sĩ ở tỉnh nói phải mau đem lên Sài Gòn. Hai vợ chồng làm mướn dưới quê, gấp quá nên có nhiêu tiền thì gom bấy nhiêu. Không phải chỉ cơm canh từng bữa, ngay cả chuyện mổ xẻ tụi em cũng nhờ các nhóm từ thiện”, Tâm nói về hành trình “sống sót” của hai vợ chồng tại BV ở Sài Gòn.

Từ nhiều năm trước, ông Quý, quê Đồng Nai, đã trở nên gắn bó với khoa Thận nhân tạo BV Nhân Dân 115. Ban đầu khi mới điều trị, ông đi đi về về, sau ông quyết “định cư” luôn ở thành phố bằng nghề bán vé số. Ngoài giờ chạy thận, ông Quý “sống và làm việc” khu vực xung quanh BV. Trường hợp như ông Quý không phải hy hữu. Nhiều BN lâu năm trở thành cư dân bất đắc dĩ ở các BV, vừa chữa bệnh vừa tìm nghề mưu sinh.

Giac mo trong lanh noi 'cua tu'
 

Ngủ ngồi đêm mưa

Chiều nhá nhem tối, cơn mưa ào ào trút xuống, hành lang BV Ung Bướu nhốn nháo. Hàng trăm con người lô nhô vơ vội manh chiếu cuộn gọn bên trong toàn bộ “tài sản” chăn màn, quần áo, tô chén, thu mình sát mái hiên. Gần cầu thang, những nữ BN co ro thân hình gầy còm ngồi lặng yên bên nhau, đôi mắt vô định. “Chắc vài bữa nữa con về nhà luôn cô ơi. Hết tiền rồi, ở lại cũng đâu có tiền mà vô thuốc”, cô gái trạc 30 tuổi thở dài.

Người phụ nữ trung niên ngồi cạnh, đầu cũng không còn sợi tóc, im lặng hồi lâu, rồi quay sang: “Không ráng thêm được nữa hả con. Cô cũng vậy, không biết có đủ tiền để điều trị bao lâu nữa. Thôi tới đâu hay đó chứ biết làm sao”.

Mưa càng nặng hạt. Anh Sơn - nuôi vợ bệnh, sống ở hành lang BV gần hai năm nay - có nỗi lo “trước mắt”: “Không mưa thì nóng, ngột ngạt. Mưa thì không có chỗ ngủ. Những người cùng cảnh ngộ cho biết “mưa cả đêm thì ngủ ngồi cả đêm, chết ai đâu”.

“Ai có tiền thì ra ngoài thuê nhà trọ. Cả trăm ngàn đồng một ngày, làm sao tụi tui chịu nổi. Đã ung thư thì bớt được đồng nào hay đồng đó. Có chỗ chợp mắt, ngả lưng là được”, chị Liên - ung thư phổi, quê Tây Ninh - vừa nói vừa kéo tấm áo mưa che mớ đồ đạc sát cạnh miệng cống. “Muỗi mòng ăn thua gì. Chuột gián bò lên nữa kìa. Lỡ bò vô thì đuổi nó đi thôi”, chị trả lời tỉnh bơ về nỗi ám ảnh do lần đầu tiên trải nghiệm giấc ngủ hành lang BV của chúng tôi.

Một ám ảnh khác, nhà vệ sinh BV, luôn có hàng người trực chờ tới phiên để giải quyết “bầu tâm sự”, tắm rửa, giặt giũ. “Tắm giặt vệ sinh ở đây mệt mỏi lắm. Ai mà lỡ đau bụng, tiêu chảy thì có mà khóc ròng. Lúc nào nhà vệ sinh cũng kẹt. Ai vô quá lâu sẽ bị người bên ngoài la ó ngay.

Bên trong khu vệ sinh còn chứa những thùng đựng thức ăn thừa, mùi bốc ra thì ôi thôi”, một thân nhân BN nhăn mặt. Ngày này qua ngày khác, hàng ngàn người chịu đựng điều kiện nghỉ ngơi và vệ sinh hết sức “kinh dị” tại BV.

Giac mo trong lanh noi 'cua tu'
 

“Người tình” lặng lẽ

Mỗi chiều tứ hai - tư - sáu, có hai phụ nữ lại lỉnh kỉnh xô chậu, khăn bông, dầu gội vào BV Ung Bướu. Gần 10 năm nay, cô Hoa (50 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cùng người bạn của mình âm thầm tình nguyện gội đầu cho nữ BN tại đây. Họ làm công việc này một cách tự nhiên.

Với người bệnh, việc được gội đầu, massage ngay tại BV là điều không bao giờ họ dám nghĩ tới. Cô Hoa và bạn mình nhẹ nhàng đỡ một nữ BN nằm xuống chiếc giường gội đầu tự chế, trông chuyên nghiệp không thua gì ngoài tiệm. Những BN tới lượt cứ thư thái ngả đầu với dây nhợ truyền máu, truyền dịch còn cắm ở cổ tay.

Điều kiện tắm giặt ở BV khó khăn, nhờ có sự giúp đỡ của các nhóm như cô Hoa, bên cạnh mang đến sự thoải mái, các nữ BN cảm thấy được nâng niu. Đó cũng là động lực lớn để họ chống chọi với bệnh tật.

“Tui là đàn ông có biết làm cho bả sao đâu. Nhà vệ sinh BV chật vậy sao gội được. Bả lại yếu, tay chân dây nhợ lùng nhùng đâu có tự gội được. May có nhóm mấy cô tới giúp chứ không khổ lắm”, người đàn ông nuôi vợ bệnh cảm động nói.

Ngoài nhóm cô Hoa, các ngày khác trong tuần cũng có các nhóm thiện nguyện tới cắt tóc, gội đầu miễn phí cho BN. Hỏi thăm về công việc “làm đẹp” cho BN nơi BV, một tình nguyện viên chia sẻ: “Ngoài chuyện ăn uống, BN khổ với cảnh tắm giặt, vệ sinh hằng ngày. Thôi thì mỗi người, mỗi nhóm làm công việc giúp họ, chúng tôi chọn việc nhỏ này. Làm gì cũng được, miễn giúp cho người bệnh bớt khổ”.

Ngày này qua tháng nọ, có không biết bao nhiêu tấm lòng đến với những con người khổ sở vì bệnh tật, sẵn sàng hỗ trợ một cách lặng lẽ. Có người chục năm cung cấp nước uống miễn phí cho BN, xin rau củ cho bếp ăn từ thiện, miệt mài chở cơm cháo tới phát cho người bệnh…

Xuất hiện như “người tình” trong chuyện cổ tích, họ mang tình người lấp đầy nỗi đau tại các BV. Có người vì tâm niệm tham gia các đoàn thiện nguyện. Có cả những người “đồng bệnh tương lân” như người phụ nữ nuôi con bệnh cùng phòng bà Luyến. Chị sẵn sàng cho bệnh nhi chưa đầy 3 tuổi nằm cạnh bú vú da của mình mỗi khi bé nhớ mẹ. Cảnh tượng như giấc mơ pha lê... 

Bảo Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI