Giấc mơ thực phẩm sạch của người Việt: Smartphone ở Sài Gòn là chìa khóa thành công?

25/07/2016 - 06:18

PNO - Sở Công thương TP. HCM đang nghiên cứu mô hình truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng mã vạch trên smartphone. Theo đó, đường đi của thực phẩm sẽ hiện lên toàn bộ màn hình điện thoại chỉ trong tích tắc kiểm tra.

Đây là một trong những dự án nằm trong "Mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm" được UBND TP. HCM giao cho Hội Công nghệ cao thuộc Sở Công thương nghiên cứu, triển khai.

Người tiêu dùng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh quét lên "tem" là có thể biết được đầy đủ thông tin: Xuất xứ trại heo, ngày xuất chuồng, tên kiểm dịch viên (trại), thời gian giết mổ, lò giết mổ, kiểm dịch viên (lò mổ), tên chợ sỉ, tên đại lý bán sỉ, tên chợ lẻ, tên tiểu thương, thời gian nhập hàng, thời gian bán hàng...

Đây là công nghệ dựa trên nền tảng Tecard của Châu Âu, bước thực hiện bắt đầu từ các trại nuôi heo được cấp vòng nhận diện gắn vào 2 chân sau của con lợn. Chiếc vòng này được khắc bằng laser nên không thể làm giả, có khả năng chống chịu cao.

Từ khi lắp vòng, con heo được kích hoạt chế độ theo dõi trong suốt quá trình nuôi cho tới khi xuất chuồng. Heo đạt chuẩn được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thú y điện tử.

Giac mo thuc pham sach cua nguoi Viet: Smartphone o Sai Gon la chia khoa thanh cong?
Mô phỏng dự án Sở Công thương TP. HCM chuẩn bị áp dụng (Ảnh Diệp Đức Minh).

Sau đó, cơ quan chức năng sẽ dán tem lên thành phẩm từ những con heo được theo dõi để người tiêu dùng có thể kiểm tra. Để kiểm tra được, người tiêu dùng phải tải một phần mềm đọc mã vạch về điện thoại của mình. Toàn bộ chi phí cho 1 con heo từ trang trại đến tay người tiêu dùng mất khoảng 9.800 đồng, dữ liệu này được lưu trữ 10 năm.

Dự kiến chương trình bước đầu sẽ triển khai tại 12 lò giết mổ tập trung, 2 chợ sỉ là Bình Điền và Hóc Môn; 5 chợ lẻ là Bến Thành, Hòa Bình, Bàu Cát, Thái Bình, An Đông; các chuỗi siêu thị là Co.opmart, Satra Foods, Vissan và Sagrifoods.

Sau thử nghiệm thí điểm với thịt heo, sẽ triển khai mở rộng ra toàn thành phố và các mặt hàng khác như rau, củ quả…

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ về chất lượng của thực phẩm khi công nghệ mới này được áp dụng. Bởi ngay cả quy trình nuôi  heo chất lượng từ trang trại đến bàn ăn nhưng thực tế quy trình quản lý heo VietGAP (chăn nuôi an toàn) có rất nhiều sơ hở.

Như việc, 80 con heo đạt chứng nhận VietGAP đưa về giết mổ tại Công ty Vissan bị phát hiện “dính” chất cấm vào cuối tháng 4/2016 là một trong những ví dụ cho thấy rủi ro cho người tiêu dùng khi mua thịt heo VietGAP nhưng chưa chắc đã an toàn.

Giac mo thuc pham sach cua nguoi Viet: Smartphone o Sai Gon la chia khoa thanh cong?
80 con heo bị nhiễm chất cấp trong quá trình chăn nuôi VietGap (Ảnh VNE).

Theo hồ sơ, 80 con heo này được ông Nguyễn Văn Toàn (Long An) mua tại hai trang trại của ông Vy Hướng Mạnh và Trần Anh Hiếu ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) để bán cho Công ty Vissan (TP.HCM).

Cả hai trại heo này đều được cơ quan chức năng Đồng Nai cấp giấy chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên đến nay cả hai chủ trại chăn nuôi nói trên đều cho biết họ không sử dụng chất cấm. Theo tìm hiểu, quy trình cấp chứng nhận nuôi heo VietGAP đến vận chuyển, giết mổ và phân phối còn rất nhiều kẽ hở và chủ yếu là trên giấy tờ.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi cục Thú y TP HCM thông tin, 4 tháng đầu năm 2016 đã phát hiện 37 vụ heo nhập vào thành phố chứa chất cấm. Trước đó, lô heo 5 con dương tính với Salbutamol ở Gò Vấp cũng bị tiêu hủy.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Có thể cơ sở chăn nuôi áp dụng đúng VietGAP, nhưng cơ sở thu gom về lại nuôi một thời gian. Chính thời gian này heo được vỗ béo bằng chất cấm Salbutamol. Chúng ta phải xem xét rất cặn kẽ ở quy trình này để xem vi phạm từ khâu nào”.

Ông Tám cũng thừa nhận, việc phát hiện heo nhiễm chất cấm sau khi xuất chuồng chứng tỏ việc hậu kiểm rất tốt. Cơ quan chức năng, người tiêu dùng không nên tin tưởng ngay vào việc cơ sở đã được chứng nhận VietGAP đồng nghĩa với thực phẩm an toàn, mà phải có kiểm chứng ở nhiều khâu.

Song Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI