PNO - Tại nhiều quốc gia, phim trường không chỉ là nơi quay phim mà còn trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Nhưng ở Việt Nam, mô hình này chưa thịnh hành. Nhiều nhà làm phim gặp khó trong việc tìm bối cảnh, khiến chi phí sản xuất đội lên cao.Thiếu phim trường đủ chuẩn
Sau khi phim Giấc mơ của mẹ do VieON sản xuất ra mắt, bối cảnh trên phim nhận về nhiều lời khen từ khán giả. Từ tiệm ăn mộc mạc, đến mái nhà nhỏ nhưng tươm tất, ấm cúng của bà Thanh (NSND Hồng Vân đảm vai), khán giả cảm nhận được sự thân thuộc, gần gũi. Phần lớn các cảnh quay trên phim được thực hiện tại phim trường, do nhà sản xuất Đỗ Quang Minh (Minh Đô) xây dựng trên phần đất của Nhà nước, tọa lạc tại huyện Nhà Bè, TPHCM.
Phim Mắt biếc với bối cảnh gợi hoài niệm
Sau khi phim đóng máy, nhà sản xuất không tháo dỡ bối cảnh, trả lại nguyên trạng, mà giao cho địa phương quản lý, toàn quyền khai thác các cảnh trí đã được xây dựng. Theo tiết lộ của nhà sản xuất, số tiền để dựng phim trường này không nhỏ, nhưng nhờ chúng, nhiều khâu khác được giải quyết như kinh phí cho di chuyển giảm, tiến độ quay phim được đảm bảo vì không phụ thuộc các yếu tố ngoại cảnh, hình ảnh trên phim đẹp đồng bộ...
Nhưng không nhiều nhà làm phim có đủ kinh phí để tự xây phim trường, phục vụ cho riêng mình như Giấc mơ của mẹ. Hiện tại, một số phim phải chấp nhận di chuyển xa như phim Mẹ rơm của đạo diễn, NSƯT Nguyễn Phương Điền được quay tại Phan Rang, Ninh Thuận. Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, diễn viên Huỳnh Hồng Loan - người đảm nhận vai nữ chính của phim cho biết: “Quá trình quay phim rất cực. Mỗi ngày, cả đoàn phải di chuyển cả trăm cây số, vượt nhiều địa hình như đồi, suối để vào rừng đóng phim. Tôi mệt, mà mẹ đi theo chăm sóc cho tôi càng mệt hơn. Tuy nhiên, vì thành quả chung của toàn ê kíp, ai trong đoàn cũng nỗ lực”.
Tại TPHCM, theo đạo diễn Lê Hùng Phương, không có nhiều phim trường đủ chuẩn để phục vụ cho nhu cầu của các đoàn phim. Chuẩn ở đây được hiểu là một nơi vừa có nội cảnh, vừa ngoại cảnh, có xưa - nay, có đủ không gian để các đoàn phim quay hình cùng lúc. “Nếu muốn xây dựng được phim trường đủ rộng, tiềm lực kinh tế phải mạnh, và trong 5 năm đầu tiên phải chấp nhận lỗ. Tôi biết một số người đầu tư muốn kiếm lời nhanh bằng việc cho nhiều đoàn thuê cùng lúc, nhưng ví dụ có 3 đoàn, 2 đoàn thu tiếng trực tiếp, 1 đoàn lồng tiếng thì không thể nào cùng làm việc được. Đoàn này sẽ ảnh hưởng âm thanh của đoàn kia, làm chậm tiến độ của các bên. Mà tại Việt Nam, làm gì có phim trường đủ rộng với sức chứa khủng như vậy”.
Trước đó, khi series Bếp trưởng tới ra mắt, đạo diễn Văn Công Viễn bày tỏ niềm vui khi anh tìm được phim trường CineV (TP Thủ Đức) phù hợp cho phim. Phần lớn cảnh quay của Bếp trưởng tới thực hiện tại phim trường này, từ gian bếp được gắn mác chuẩn 5 sao, đến không gian nhà hàng nhiều cây xanh. Điều này hỗ trợ khá nhiều cho ê kíp, đặc biệt trong việc di chuyển để đóng phim.
Những bối cảnh đẹp và thật trong phim Giấc mơ của mẹ
Cần hợp tác công - tư
“Một nền công nghiệp điện ảnh nếu muốn đi đường dài, tiến đến sự chuyên nghiệp, chúng ta phải có nhiều phim trường và nhiều dạng phim trường khác nhau. Từ phim trường nội cảnh, ngoại cảnh hoặc nội - ngoại cảnh kết hợp, cho đến một không gian đủ lớn để các đoàn phim đến và thực hiện tất tần tật các khâu sản xuất ở đó, nếu có, các ê kíp sẽ thuận lợi hơn. Tại Việt Nam, phim trường nội cảnh thì nhiều, nhưng hiếm có phim trường nội - ngoại cảnh kết hợp đạt chất lượng.
Trước đây, ở huyện Củ Chi từng có phim trường xây dựng quy mô, nhưng cũng không trụ được. Gần đây, phim trường của anh Minh Đô xây dựng để quay Giấc mơ của mẹ được khán giả chú ý. Đó là tín hiệu đáng mừng, nhưng cần thêm nhiều phim trường hơn nữa”, đạo diễn Lê Hùng Phương chia sẻ. Anh cũng nhấn mạnh về việc hợp tác để xây phim trường giữa Nhà nước và tư nhân. Theo nam đạo diễn, nếu có sự hỗ trợ từ Nhà nước, nhiều cá nhân, đơn vị hoạt động tư nhân sẽ mạnh dạn đầu tư hơn. Từ đó, những phim trường đủ chuẩn mới thành hình.
Không gian bến trong phim Bếp trưởng tới
Về lực lượng làm việc trong bộ phận sản xuất, xây dựng bối cảnh, nhiều nhà làm phim cho rằng chúng ta không thiếu nhân sự giỏi, có trình độ. Điều đang thiếu ở đây là cơ hội để họ thật sự lao động, cống hiến. Trước đây, từng có một số bối cảnh được dựng nên và gây ấn tượng. Chẳng hạn như dãy phố mang vẻ đẹp hoài niệm những năm 1970 trong Mắt biếc, xóm lao động nghèo nhưng tươm tất trong Bố già, hay ngôi nhà và tiệm sửa xe của 5 anh em trong Cây táo nở hoa... Những địa điểm này sau khi phim đóng máy được đưa về nguyên trạng, hoặc tùy vào người sử dụng, nhưng đa phần không giữ được bối cảnh giống trong phim. Do đó, không thể tạo thành điểm đến du lịch hấp dẫn, mặc dù trước đó phim tạo được cơn sốt trên thị trường.
“Tôi thật sự mong có những phim trường, thay vì phải chắp vá, vay mượn, thuê mướn như hiện tại, vì điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân. Chưa kể sau khi quay phim xong, nhiều bối cảnh buộc phải bỏ đi, phục hồi nguyên trạng cho chủ nhà, dù mình biết giữ lại có thể phát triển du lịch hoặc tạo điểm nhấn cho khu phố đó. Các đoàn làm phim không chủ động được, vì không có phim trường riêng. Điều này là thách thức lớn, nếu muốn xây dựng nền công nghiệp điện ảnh. Cho nên đến bây giờ, một phim trường đúng nghĩa vẫn là giấc mơ của tôi và nhiều nhà làm phim khác”, đạo diễn Lê Hùng Phương chia sẻ.
Tại sự kiện D23 Brazil: A Disney Experience diễn ra tại Brazil ngày 10/11, hàng loạt trailer các dự án được mong đợi nhất của “nhà Chuột” đã được hé lộ.