Giấc mơ mới mẻ

29/04/2022 - 06:41

PNO - Từ mảnh đất bạt ngàn lau sậy, hoang vu đến thành phố hiện đại, khang trang hôm nay, Sài Gòn - TPHCM đã trải qua lịch sử hơn 300 năm.

 

TPHCM - Ảnh: Getty Images
Khu đô thị phía đông TPHCM - Ảnh: Getty Images

Ngày 27/4, tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu đăng cảnh bà đi chơi ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lên Facebook. Nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng hỏi: “Kênh còn bốc mùi không chị ơi?”. Bà đáp: “Bây giờ khác nhiều rồi. Rác được vớt thường xuyên, kênh được nạo vét nên thông thoáng”.

Vài dòng hỏi đáp ngắn gọn trên làm tôi chợt nhận ra, thành phố này đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Hóa ra, bên cạnh những cuộc chuyển mình để lại dấu ấn được báo đài phản ánh, còn có những cuộc chuyển mình trong âm thầm, lặng lẽ. 

Con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở thành một phiên bản tốt nhất của chính nó cùng với sự chuyển dịch của thành phố hôm nay. Hàng loạt công trình cầu, đường đã được khánh thành. Ngành chức năng đã tổ chức cung thỉnh lư hương về an vị dưới tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo, khánh thành dự án chỉnh trang công viên Mê Linh và công viên bến Bạch Đằng, trùng tu di tích cột cờ Thủ Ngữ 157 tuổi, lên kế hoạch trùng tu chợ Bến Thành. Chính quyền TPHCM cũng đang cố gắng xoay xở để những người có thu nhập thấp có thể mua được nhà ở xã hội… 

Tất cả những câu chuyện đó đều nằm trong một công cuộc chung để hướng tới mục tiêu TPHCM là thành phố đáng sống, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, một thành phố phát triển nhưng vẫn không quên lưu giữ, bảo tồn các công trình văn hóa, lịch sử, một thành phố làm kinh tế giỏi nhưng cũng là nơi mà các dân tộc chung sống đoàn kết, hài hòa. 

Từ mảnh đất bạt ngàn lau sậy, hoang vu đến thành phố hiện đại, khang trang hôm nay, Sài Gòn - TPHCM đã trải qua lịch sử hơn 300 năm. Đến nay, TPHCM có khoảng 9 triệu dân với 16 quận, một thành phố và năm huyện, tổng diện tích 2.061km². Không còn là đất mới theo cách hiểu của vỏ lịch sử khi đặt cạnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn - TPHCM đã là đất cũ trong chính nội hàm của nó.

Những chiếc áo cũ vẫn còn thấp thoáng trong những cái tên hôm nay. Chợ Bến Thành nhưng lại ở trong đất liền. Biết là chợ Lớn nói chung nhưng đến đó mà không rành cách hiểu chợ Lớn mới (tên của chợ Bình Tây) và chợ Lớn cũ (khu chợ chính của chợ Lớn trước khi chợ Bình Tây được xây dựng) lại dễ nhầm. Hay chợ Hanh Thông Tây (nay được gọi là Hạnh Thông Tây), dù vật đổi sao dời, vẫn còn đó cái tên, để gợi nhắc đến xã Hanh Thông được lập năm 1679 - một trong những xã cổ nhất Nam bộ. Và có cả những ngôi chùa với tên đậm tính dân gian như chùa Chà Và, chùa Ông, chùa Bà… Tất cả đều khắc họa nên một gương mặt Sài Gòn - TPHCM vừa cũ vừa mới, vừa hiện đại vừa truyền thống.

Về tên gọi “Sài Gòn”, có nhiều giả thuyết. Trong đó, ông Trịnh Hoài Đức - Tri phủ quận Tân Bình xưa - giải thích, thời xưa, cây gòn mọc như rừng nguyên sinh ở vùng đất cao phía chợ Lớn, ăn đến vùng Phú Lâm. “Sài” là củi, là cây. Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng giờ đây, không khó để bắt gặp những tán cây gòn vút cao, xanh thẫm trong thành phố. 

Trưa 30/4/1975, hai chiếc xe tăng mang số hiệu 390 và 843 của quân Giải phóng cùng tiến vào húc đổ cổng phụ, cổng chính và cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập - cơ quan đầu não cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Hai xe tăng này được Thủ tướng ký quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đợt 1, ngày 1/10/2012. Chúng vẫn đang hiện diện ở đó. 

Dinh Độc Lập - Hội trường Thống Nhất - vẫn sừng sững ở đó. Ký ức về ngày 30/4/1975 vẫn ở đó mãi mãi. Nhưng bao quanh đó, các con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Du, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Thị Minh Khai đã hoàn toàn đổi khác, sạch sẽ, hiện đại hơn nhiều. Trước đây, khu vực trung tâm này bị dây điện giăng chằng chịt. Giờ đây, tất cả dây điện, dây cáp quang đã được ngầm hóa. 

Những người ở xa đến TPHCM thấy sự năng động và trương nở của nó. Còn những người dân sống ở nơi này nhìn và cảm thành phố bằng tất cả sắc màu và âm thanh của nó. Họ vui buồn theo từng bước chân của thành phố và chẳng biết tự lúc nào, họ đã là một phần của sự phát triển đó. Rồi cũng chính họ đang tạo dựng một ký ức đô thị mới, một giấc mơ mới mẻ cho thành phố này, viết tiếp cái lịch sử “300 năm có lẻ” kia bằng sự đầy đặn, sum vầy, đi lên nhưng vẫn biết thâu nhận bài học cha ông để kiến tạo bộ mặt Sài Gòn - TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình hôm nay. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI