Phấn khởi, tự hào vì thành phố thêm hiện đại
Từ sáng, tại các nhà ga của tuyến metro số 1, người dân đã xếp hàng chờ được đi tàu. Trước nhà ga ngầm Bến Thành, anh Hồ Nguyễn Anh Khoa cùng gia đình (quận Gò Vấp) cho biết rất mong được lên tàu trong ngày đầu tiên mở cửa đón khách. Anh nói: “Chưa được trải nghiệm nên gia đình tôi rất háo hức. Tuyến metro số 1 này tôi đã được nghe từ thời còn là sinh viên. Cuối cùng thì dự án cũng đã hoàn thành”.
Một số người vừa được trải nghiệm đi tàu tỏ ra rất phấn khởi. Chị Văn Nguyễn Ngân Hà (quận Bình Thạnh) cho biết: “Cảm giác ngồi trên tàu thật khó tả, vừa thích thú, vừa tự hào vì thấy thành phố ngày càng hiện đại hơn. Nhờ có tuyến metro số 1, khoảng cách di chuyển từ Suối Tiên đến Bến Thành cũng gần hơn. Nếu đi bằng xe máy có thể sẽ mất hơn 1 tiếng. Bây giờ đi tàu điện chỉ khoảng 30 phút. Lại không sợ kẹt xe. Chắc chắn đây sẽ là phương tiện được nhiều người ưa chuộng”.
Anh Vũ Phạm Trung Hiếu (quận 3) bày tỏ, sau thời gian dài chờ đợi, tuyến metro số 1 đã đi vào hoạt động, đánh dấu sự đổi mới của thành phố. Anh nhận xét, so với metro ở Malaysia anh từng đi thì metro số 1 tiện nghi và hiện đại hơn.
Anh Phạm Công Giải (ngụ quận 6, làm việc tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu TPHCM tại TP Thủ Đức) cho biết anh đang nghiên cứu phương án để đi làm hằng ngày bằng tàu điện nhằm tránh tiếng ồn, nắng, nóng và bụi, tiết kiệm thời gian so với các phương tiện khác. Anh nói: “Tôi di chuyển bằng xe máy từ nhà đến chỗ làm mất khoảng 60 phút. Nếu chuyển sang đi tàu điện sẽ phải bắt nhiều tuyến xe buýt mới tới được ga Bến Thành. Vậy nên cũng phải tính toán. Cơ quan tôi rất nhiều người đã lên kế hoạch để sử dụng metro đi làm hằng ngày rồi”.
Bà Đào Hương Lê (TP Thủ Đức) tâm sự, ngồi trên tàu ngắm thành phố, lòng bà cảm thấy rất tự hào và xúc động: “Trong tương lai, tôi mong sớm có thêm nhiều tuyến metro để người dân đi lại dễ dàng và diện mạo thành phố càng thêm hiện đại”.
Công trình giao thông, biểu tượng văn hoá
Dự án tuyến metro số 1 sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng trong nước, phê duyệt vào tháng 4/2007. Đến nay dự án đã hoàn thành 100% tổng khối lượng với 65 triệu giờ công lao động an toàn trên các công trường.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường nhận định: việc chính thức đưa vào vận hành tuyến metro số 1 là cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển giao thông công cộng TPHCM. Đó không chỉ là một công trình giao thông đô thị hiện đại mà còn là biểu tượng của khát vọng vươn cao, hội nhập và phát triển bền vững của thành phố. Công trình đánh dấu mốc quan trọng trong việc hiện thực hóa quy hoạch hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu di chuyển nhanh chóng và hiệu quả của người dân, góp phần giảm thiểu áp lực giao thông, ô nhiễm môi trường.
 |
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi (bên phải) cùng Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM Ono Masuo trải nghiệm tuyến metro số 1 |
Ông nói: “Thành phố bắt đầu một chương mới trên hành trình phát triển giao thông đô thị hiện đại. Mỗi người dân thành phố và du khách sẽ tích cực ủng hộ, sử dụng, góp phần duy trì và phát huy hiệu quả tối đa của tuyến đường sắt đô thị này để nó không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là biểu tượng văn hóa, là cầu nối giữa con người và những câu chuyện nhân văn”.
Theo ông Nguyễn Minh Vũ - Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao - dự án metro số 1 có ý nghĩa quan trọng đối với TPHCM, đồng thời còn mang biểu tượng quan trọng trong hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ông tin tưởng dự án sẽ đóng góp tích cực vào quá trình hiện đại hóa hạ tầng, mang lại diện mạo mới cho thành phố, tăng cường kết nối đô thị, giảm ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
 |
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên (thứ ba từ trái sang) cùng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki (thứ hai từ trái sang), Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ (bìa trái) và lãnh đạo UBND TPHCM cùng trải nghiệm tuyến metro số 1 trong ngày vận hành chính thức |
Theo ông Ito Naoki - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam - metro số 1 là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Việt Nam, đây là dự án vốn vay ODA lớn nhất của Nhật Bản dành cho Việt Nam, thực sự mang tính biểu tượng của hợp tác Nhật - Việt. Theo ông, tuyến đường sắt đô thị này kết nối các khu vực có nhu cầu vận tải cao, làm thay đổi đáng kể cuộc sống của người dân. Người dân sẽ có sự chuyển dịch lớn trong phương thức di chuyển từ ô tô, xe máy sang đường sắt đô thị. “Những khía cạnh tiêu cực của quá trình đô thị hóa nhanh như ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí đang trở nên rõ nét tại TPHCM. Tôi tin rằng tuyến đường sắt đô thị này sẽ góp phần to lớn vào việc cải thiện các vấn đề nói trên” - ông Ito Naoki nói.
 |
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành thương mại sáng 22/12 - Ảnh: Vũ Quyền |
Thời gian di chuyển toàn tuyến khoảng 30 phút
Tuyến metro số 1 có tổng chiều dài 19,7km, 14 nhà ga, tổng thời gian di chuyển toàn tuyến khoảng 30 phút. Tuyến gồm 2 hướng tàu chạy: từ ga Bến Thành đi ga bến xe Suối Tiên và ngược lại.
Trong quá trình di chuyển, tàu dừng tại mỗi ga là 30 giây. Hành khách có thể lên tàu tại bất kỳ ga nào. Tại các ga (trừ ga bến xe Suối Tiên) đều có bãi giữ xe.
 |
Người dân hào hứng khi được trải nghiệm tuyến metro đầu tiên của TPHCM |
Trong thời gian đầu, tuyến metro số 1 hoạt động từ 5 - 22g mỗi ngày, với 9 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có khả năng chở tối đa 930 khách, gồm 147 chỗ ngồi và 783 chỗ đứng. Có 200 chuyến mỗi ngày. Thời gian giãn cách là 8-12 phút/chuyến. Tốc độ của tàu là 110km/h với đoạn trên cao và 80km/h với đoạn đi ngầm.
 |
Người dân TPHCM thích thú với tuyến metro số 1 trong ngày đầu vận hành thương mại - Ảnh: Vũ Quyền |
Trong 30 ngày (từ 22/12/2024 đến 20/1/2025), hành khách được miễn giá vé. Từ 21/1/2025, giá vé như sau: vé 1 lượt, thanh toán bằng tiền mặt, từ 7.000-20.000 đồng tùy khoảng cách; thanh toán không dùng tiền mặt, từ 6.000-19.000 đồng/lượt tùy khoảng cách. Vé 1 ngày là 40.000 đồng/người và vé 3 ngày là 90.000 đồng/người (không giới hạn lượt đi). Vé tháng với khách phổ thông là 300.000 đồng/người, học sinh, sinh viên là 150.000 đồng/người. Người có công với cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi được miễn vé.
Vũ Quyền
355km đường sắt đô thị tiếp theo có thể hoàn thành vào năm 2035 Trong ngày metro số 1 chính thức vận hành thương mại, ông Phan Công Bằng - Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM - đã chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM về niềm vui, khát vọng cũng như thách thức cho nhiệm vụ hoàn thành 355km metro tiếp theo vào năm 2035. Ông nói: “Tôi vô cùng xúc động và rất vui, bởi sự mong chờ tuyến metro số 1 đã kéo dài quá lâu. Đây là một cột mốc lịch sử đối với ngành giao thông vận tải của thành phố, là niềm vui chung của người dân TPHCM. Với tư cách là người đứng đầu đơn vị được giao quản lý dự án, nhìn lại chặng đường dài đầy khó khăn mà dự án đã trải qua, tôi thấy đó là một hành trình bền bỉ với biết bao công sức, tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo, kỹ sư, công nhân, chuyên gia và sự đồng lòng ủng hộ của người dân thành phố. Giờ đây, những nỗ lực đó đã được đền đáp. Tôi tự hào về đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Ban Quản lý đường sắt đô thị, các nhà thầu và các đơn vị tư vấn đã làm việc không mệt mỏi để hoàn thành dự án. Chúng tôi đã vượt qua nhiều trở ngại về kỹ thuật, tài chính và cả những ảnh hưởng của dịch bệnh để mang đến một công trình hiện đại, an toàn và hiệu quả. Tôi tin rằng tuyến metro số 1 sẽ là khởi đầu tốt đẹp cho hệ thống giao thông công cộng hiện đại của TPHCM trong tương lai, giúp giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Từ nay đến năm 2035, chúng ta sẽ còn tiếp tục hoàn thành thêm 7 tuyến metro với tổng chiều dài là 355km. Với những kinh nghiệm có được từ tuyến metro số 1, với những cơ chế đặc thù mà Bộ Giao thông Vận tải đang tổng hợp để trình Quốc hội, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền thành phố và hỗ trợ của người dân trong phạm vi mặt bằng bị ảnh hưởng, tôi nghĩ, tiến độ thực hiện 355km đường sắt đô thị tiếp theo có thể hoàn thành theo dự kiến. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn rất nhiều, trong đó nguồn vốn là rất quan trọng”. Quốc Ngọc (ghi) |