Giấc mơ lớn đã thành

19/08/2020 - 07:43

PNO - Khu vườn có hơn 400 gốc mai, ngôi nhà xây tường vôi, nền gạch sạch sẽ, một cái chòi nhỏ nuôi gà, vịt lấy trứng là những gì vợ chồng ông Phạm Công Thêm, 58 tuổi và bà Võ Thị Kim Cúc, 59 tuổi, đang có.

“Tôi biết ơn cô Hòa, biết ơn Hội Phụ nữ. Nhờ có những tấm lòng ấy mà giấc mơ lớn của tôi đã thành, và gia đình tôi từ chỗ dưới bờ vực, nay đã thấy ánh sáng” - ông Phạm Công Thêm, cư dân khu phố 1, P.Tam Phú, Q.Thủ Đức, TP.HCM - nói về những đổi thay của gia đình mình. 

Khu vườn có hơn 400 gốc mai, ngôi nhà xây tường vôi, nền gạch sạch sẽ, một cái chòi nhỏ nuôi gà, vịt lấy trứng là những gì vợ chồng ông Phạm Công Thêm, 58 tuổi và bà Võ Thị Kim Cúc, 59 tuổi, đang có. 

Nhưng hai năm về trước, cũng trên mảnh đất ấy, đập vào mắt mọi người là căn nhà xập xệ, mái tôn rách nát. Trong nhà lúc nào cũng tối tăm, mọi thứ đồ đạc đều phải kê cao để tránh nước; nơi giường ngủ phải căng thêm tấm bạt phía trên để che mưa nắng. Năm thành viên, hai già, hai trẻ và bé gái bốn tuổi, mỗi người một góc lặng thinh, không ai chuyện trò với nhau.

Ông Thêm tâm sự: “Cả đời tôi làm lụng quần quật, nhưng vẫn nghèo mãi. Đã vậy, đến đời con cái cũng lỡ dở. Tôi có cảm giác, vẫy vùng thế nào thì cũng đi vào đường cùng, cho nên muốn buông xuôi, mặc kệ hết, không làm gì nữa. Đúng lúc đó, cô Hòa tới”. 

Bà Cúc (giữa) tận dụng mảnh đất bên hông nhà cất chòi nuôi gà, vịt lấy trứng
Vợ chồng ông Thêm, bà Cúcc (giữa) tận dụng mảnh đất bên hông nhà cất chòi nuôi gà, vịt lấy trứng

Cô Hòa trong lời ông Thêm là bà Vũ Nguyễn Thị Hòa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 1, P.Tam Phú. Năm 2018, bà Hòa gõ cửa từng gia đình hội viên, đặc biệt là các hộ trong diện nghèo, cận nghèo để tìm hiểu sâu hoàn cảnh, nguyện vọng nhằm có hướng giúp đỡ hiệu quả. 

Cảnh nhà ông Thêm khiến người chi hội trưởng nhiều đêm mất ngủ, vì có quá nhiều nỗi lo, quá nhiều vấn đề cần giải quyết. Con trai lớn của ông Thêm sa vào nghiện ngập, vợ anh ta bỏ lại đứa con nhỏ rồi ra đi. Con gái thứ hai của ông Thêm nghỉ học khi hết lớp Chín, muốn học nghề may mà chưa biết bắt đầu từ đâu.

Trước đây ông Thêm đi phụ hồ, nhưng nay bị bệnh cột sống không làm được nữa. Còn bà Cúc gần cả đời lao đao với đủ thứ nghề, từ sản xuất đũa ăn, lưỡi câu cá, đến bảo vệ công trường xây dựng, chạy bàn trong quán cơm, quán phở… Mấy năm trở lại đây, cột sống của bà bị vẹo, phải ở nhà.

Không có thu nhập thành ra điện cũng chẳng dám bật, trong nhà lúc nào cũng âm u. Cả nhà, ai ra đường thấy củi thì nhặt về chụm bếp…

“Gia đình họ có nguyện vọng sửa cái mái tôn, riêng phần ngập họ bảo họ chịu được. Nhưng tôi nghĩ, nếu đã giúp thì nhất định phải đàng hoàng, mang tính căn cơ. Vậy nên việc đầu tiên là báo cáo Hội Phụ nữ phường, sau đó liên hệ công an khu vực làm tạm trú cùng các giấy tờ cần thiết cho bé Thanh Tâm (cháu nội ông Thêm) đến trường. Với 25 triệu đồng mà Hội Phụ nữ phường hỗ trợ, cộng với 10 triệu đồng do chị em hội viên khu phố 1 ủng hộ, chúng tôi thuê thợ tới sửa nhà và nâng nền chống dột cho gia đình. Đường dây điện cũng được thay mới. Tiếp đó, tôi giới thiệu con gái ông Thêm đi học may, bà Cúc phụ bán quán hủ tíu bên khu phố 2. Ông Thêm cũng chủ động đưa con trai đi cai nghiện. Cuộc sống mới khiến các thành viên gia đình xích lại gần nhau hơn, phấn chấn hơn, chịu cười nói với nhau hơn. Mỗi lần trở lại thăm gia đình, thấy những biến chuyển nhỏ như vậy, tôi rất mừng”, bà Hòa kể lại. 

Mặc dù có mảnh đất cha ông để lại, nhưng vì thiếu vốn nên giấc mơ làm một khu vườn trồng và chăm sóc hoa mai để bán và cho thuê dịp Tết của ông Thêm đã mấy chục năm vẫn chưa thành. Nhận thấy tiềm năng sinh lợi từ khu đất, bà Hòa gợi ý gia đình mạnh dạn cải tạo làm vườn, cất chòi nuôi gà, vịt. Về vốn, bà nhờ Hội LHPN phường đứng ra giới thiệu, bảo lãnh cho vay 50 triệu đồng. 

Hôm chúng tôi ghé thăm, ngoài vườn, vợ chồng ông Thêm đang lúi húi chăm bẵm từng chậu mai xanh mướt. Ông Thêm phấn khởi: “Trong này một phần của chúng tôi, phần còn lại là khách gửi mình chăm họ trả công. Có lẽ Tết năm nay là hoa nở rộ, rồi chúng tôi sẽ có nguồn thu ổn định từ đây”. 

Trao đổi về hoàn cảnh vợ chồng ông Thêm, chị Huỳnh Bích Phượng - Chủ tịch Hội LHPN P.Tam Phú - cho biết: “Ngoài những hỗ trợ như đã nêu, cô Hòa còn dành một phần quà gồm gạo, nhu yếu phẩm để tặng gia đình mỗi tháng. Con trai ông bà Thêm đã hoàn thành việc cai nghiện, giờ ở nhà phụ ba mẹ chăm vườn. Sau thời gian học nghề, con gái đã biết may những đường cơ bản và được chủ trả công 3 triệu đồng/tháng. Chúng tôi vẫn đang theo sát hoàn cảnh này, mỗi thay đổi dù tích cực hay khó khăn mới phát sinh, Hội đều sẽ đồng hành chia sẻ cùng gia đình”.

Thảo Nguyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI