Giấc mơ học trò thời... thiếu ngủ

06/11/2014 - 18:26

PNO - PN - Con vào năm học cuối cấp - lớp 9. Thời khóa biểu tăng dần, dày đặc sáng chiều tối. Có những đêm con thức tới 1 - 2g sáng, gục đầu ngoẹo cổ ngủ trên bàn học. Sáng hôm sau mẹ vẫn phải gọi con dậy từ 5g sáng cho kịp ăn sáng...

Giac mo hoc tro thoi... thieu ngu

Nguồn ảnh minh hoạ: internet.

Tôi có cảm giác rằng, tất cả chúng ta - những người lớn, đang đánh cắp giấc ngủ của trẻ con, một cách nào đó, cũng gần như là đã đánh cắp một phần tuổi thơ của chúng. Những giấc ngủ ấy đã mất vào trong những giờ học chính khóa, học thêm; đã mất vào những quãng đường chạy từ chỗ học thêm này đến trung tâm luyện thi khác, đã mất vào những giờ dán mắt vào máy tính làm bài cho kịp giờ ngày mai cả nhóm trình chiếu trước lớp.

Chúng ta kêu ca về chương trình nặng, quá tải, nhưng rồi chúng ta lo lắng con mình nếu không vào cái guồng đó sẽ thua kém bạn bè. Rốt cuộc thì giờ học chính ở trường chiếm một khoảng thời gian, giờ trẻ con và bố mẹ chúng (tự nguyện) rong ruổi học thêm chiếm thêm một khoảng thời gian nữa, phần bài tập ở nhà chiếm nốt thời gian còn lại. Ai cũng biết trẻ con lớn trong giấc ngủ, ai cũng biết thiếu ngủ thì trẻ sẽ lùn, nhưng ít đứa trẻ nào được ngủ đủ 10-12 tiếng mỗi ngày. Thời gian đâu mà ngủ!

Thiếu ngủ, những đứa trẻ lờ đờ thụ động, ngay cả trong những giờ ra chơi hiếm hoi cũng chỉ ngồi yên ở ghế đá, hoặc gục đầu trên bàn học trong lớp tranh thủ ngủ. Đã không còn chỉ là chuyện cao lớn hay thấp lùn, kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy những đứa trẻ thiếu ngủ thường mệt mỏi, khó tập trung. Lâu dần, sự mệt mỏi trở thành cảm xúc thường xuyên, trẻ dễ nổi cáu, dễ rơi vào cảm giác thất vọng, khó điều chỉnh cảm xúc. Đứa trẻ lại đang là một con người non nớt, chưa biết cách ứng phó với các cảm xúc tiêu cực, nên rất có thể chìm ngập trong cảm giác tuyệt vọng, đánh mất niềm tin vào bản thân, hoặc chỉ biết khóc lóc. Nặng nề hơn, hậu quả của việc thiếu ngủ thường xuyên có thể là những căn bệnh của thế kỷ: trầm cảm, rối loạn lo âu…

Người lớn mong trẻ được học hành, được giáo dục đầy đủ để có một tương lai thành đạt, hạnh phúc. Nhưng, những đứa trẻ đang bị cuốn vào guồng quay học và học kia hình như lại không có giấc mơ “thành đạt, hạnh phúc” ấy. Đơn giản vì chúng thiếu ngủ. Không ngủ làm sao mơ. Những giấc mơ, và cao hơn chút nữa - những ước mơ, là động lực cho người ta sống và phấn đấu, mà những đứa trẻ của tôi thì đang bị cuốn đi một cách thụ động trong nhịp điệu hối hả bên ngoài bản thân, bị cuốn đi trong cơn buồn ngủ mắt nhắm mắt mở, bị cuốn đi trong sự thụ động và do đó hờ hững với mọi thứ quanh mình.

Tuổi thơ tôi cũng có những cơn thèm ngủ. Ngủ không đủ không phải vì học, mà vì ham chơi. Những buổi trưa nắng chang chang lê la trèo cây hái trái tắm sông, bị mẹ gọi về ngủ là một cực hình. Những đêm rằm ướt đẫm ánh trăng xanh trên những bờ giậu đường xóm, đang tròn mắt nín thở nghe kể chuyện ma, bị ba gọi về ngủ cũng là một cực hình chẳng kém. Những ngày tháng ấu thơ đầu làng cuối xóm, những mùa hè vô tư lự, những ngày bất kể chuyện học hành, bài tập, cho dù sau đó có ăn roi… là tuổi thơ tôi, bây giờ vắng bặt trong thời ấu thơ của các con, chỉ còn lại học và học và máy tính, chơi game hoặc tốt lắm là thay bằng những chuyến nghỉ hè như đi du lịch! Con tôi chắc không còn những giấc mơ rộng rãi làng quê, cũng không còn những ngày tháng tụ bạ bạn bè chơi những trò chơi ấu thơ tạt lon, năm mười… trong xóm. Giấc ngủ còn thiếu hụt, nói gì đến lang thang xóm làng hay mơ mộng những đêm trăng non vừa lên.

Hỏi con ngủ cả buổi sáng Chủ nhật vậy có mơ thấy gì không? Con cười: mơ thấy thi đậu vô lớp 10 trường chuyên đó mẹ! Tôi nghe đắng xót trong lòng, nhưng không dám nói câu: “không cần đâu con!”, bởi tôi biết mình không đủ can đảm để lội ngược dòng. Con nói thêm: con mơ được ngủ từ lúc ăn cơm xong cho đến khi đi học lại tuần mới!

Giấc mơ được ngủ của con tôi chỉ là một giấc mơ ban ngày - cũng như giấc mơ ban ngày của nhiều đứa trẻ đồng trang lứa khác. Giấc mơ ấy đã dài, và đang kéo dài thêm dai dẳng qua nhiều ngày tháng. Giấc mơ ấy không phải là của những kẻ hay mơ mộng, mà là giấc mơ của những đứa trẻ khát giấc ngủ, thèm ngủ.

DIỆU TƯỞNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI