Giấc mơ của Quế Anh

15/07/2022 - 10:58

PNO - Chỉ cần mang “từ khóa” - “Bà Chào” hoặc “Quế Anh” đến hẻm 258 Trần Hưng Đạo (Q.1, TPHCM) hỏi chuyện, hầu như ai cũng biết. Họ vanh vách kể về nỗi đau của một cô bé sớm mồ côi và câu chuyện về tình người rất đẹp.

Mỗi khi Quế Anh buồn, nhớ mẹ, bà Chào thường nấu những món cô bé yêu thích để giúp bé nguôi quên
Mỗi khi Quế Anh buồn, nhớ mẹ, bà Chào thường nấu những món cô bé yêu thích để giúp bé nguôi quên

Những ngày giông gió 

Tháng 8/2021 là giai đoạn TP.HCM đang cao điểm chiến đấu với đại dịch COVID-19. Khi ấy, từ căn phòng trọ nhỏ xíu nằm sâu trong hẻm 258, chị Nguyễn Thị Dạ Thảo xuất hiện cơn ho nhẹ. Không nghĩ mình mắc COVID-19, nhưng để an toàn, chị gửi cô con gái duy nhất là Nguyễn Mộc Quế Anh (sinh năm 2012) cho bà Hồ Thị Chào (57 tuổi) - một hàng xóm - chăm sóc.

Phòng trọ của chị Dạ Thảo nằm đối diện nhà bà Chào, cách chừng năm bước chân. Thương mẹ một mình trải qua bệnh tật, những ngày đó, Quế Anh thường đứng trên lầu nhà bà Chào nhìn sang, lo lắng hỏi “mẹ ơi mẹ có khỏe không”. Đáp lại là những tràng ho khan của mẹ. Bà Chào nhớ lại: “Những lúc vậy, con bé cứ khóc, đòi tôi cho sang chăm mẹ, ôm mẹ, nhưng làm sao tôi cho được”.

Các triệu chứng của COVID-19 ngày càng nặng, đến ngày thứ bảy, chị Dạ Thảo mệt lả, gọi y tế đưa đi bệnh viện cấp cứu. Hai ngày sau, bệnh viện gửi về thông tin rằng chị đã tử vong.

Bà Chào bồi hồi: “Cả xóm sửng sốt. Quế Anh cũng hay tin, gào lên “mẹ ơi” rồi bật khóc nức nở. Tôi chỉ biết dỗ dành nhưng nước mắt lại chảy theo con bé. Đại dịch quá nghiệt ngã. Con bé chỉ có một chỗ dựa là mẹ mà mẹ lại ra đi quá đột ngột như vậy”.

“Như lẽ gì rất tự nhiên”

- Rồi Quế Anh sẽ sống với ai? 

Câu hỏi đau lòng đó bật lên trong tất cả người dân ở con hẻm 258 lúc hay tin chị Dạ Thảo mất. Nhưng rất nhanh, họ đã tự có câu trả lời: “Hẳn là bà Chào chứ ai”. Một người dân giải thích: “Ai sống ở xóm này đều biết bà Chào thương hai mẹ con Quế Anh ra sao nên bà ấy sẽ không để con bé phải khổ”.

Bà Chào cũng trải lòng: “Lúc đó tôi nghĩ Quế Anh sẽ chọn sống với mình, như lẽ gì rất tự nhiên, dù con bé vẫn còn nhiều người thân khác”. Hiển nhiên, đó không phải trách nhiệm mà bà Chào tự trao cho mình, bởi bà chỉ là một hàng xóm thân quen. Nhưng, lại là một hàng xóm đặc biệt.

Từ hơn mười năm trước, khi chị Dạ Thảo đến thuê trọ đối diện cho đến ngày qua đời, có lẽ, bà Chào là người gần gũi nhất, chứng kiến và thương yêu cuộc đời nhiều nỗi buồn của chị. Biết không thể khuyên can, bà cũng chưa một lời nặng nhẹ khi chị Dạ Thảo gặp và yêu một người đàn ông trong hoàn cảnh trái ngang khi người này đã có gia đình và những đứa con riêng. Khi chị Dạ Thảo phải làm mẹ đơn thân, bà lại âm thầm chăm sóc.

Thuở ấy, công việc của chị Dạ Thảo bấp bênh, thu nhập không đủ sống. Để có tiền trang trải và nuôi con, chị đi giúp việc nhà theo giờ, đi giác hơi tại nhà… Đặc thù giờ giấc làm việc của mẹ không ổn định nên phần lớn thời gian Quế Anh được gửi cho bà Chào trông giữ. Lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà Chào từ lúc còn ẵm ngửa, được bà tắm rửa, thay tã, cho ăn, ru ngủ và sau này cũng một tay bà lo lắng chuyện học hành, Quế Anh sớm thân thuộc, coi bà Chào như là mẹ, là ngoại.

“Con chỉ thích sống với bà chào”

Mấy lần, ông ngoại và cậu ruột ở Q.Bình Thạnh sang đón về, nhưng về hôm trước, hôm sau Quế Anh đã thổ lộ: “Con rất nhớ bà Chào và ông (chồng bà Chào - PV)”. Vậy là cô bé lại được đưa về với bà Chào. Ông ngoại lớn tuổi, gia đình cậu cũng không mấy khá giả nhưng quan trọng hơn, như Quế Anh tâm sự: “Con chỉ thích sống với bà Chào. Bà rất thương con, con cũng rất thương bà”.

Bà Chào cho hay, biết rõ tình cảm như ruột thịt giữa bà và cô bé, gia đình ngoại của Quế Anh cũng không gây khó dễ hoặc ép buộc cháu phải rời xa bà. Hơn thế, họ gửi gắm, tin cẩn trao Quế Anh lại cho bà và nhờ nuôi dưỡng. Mới đây, do không biết chạy xe máy, bà chuyển trường cho Quế Anh về học gần nhà. Chính quyền biết chuyện, cũng ngỏ ý sẽ làm thủ tục để bà Chào chính thức là người giám hộ của Quế Anh.

May mắn hơn, một bác sĩ tại một bệnh viện ở TP.HCM biết chuyện, đã nhận đỡ đầu cho Quế Anh. “Bác sĩ này bảo sẽ lo cho Quế Anh tất cả các khoản học phí, học thêm. Vừa rồi ông ấy còn đăng ký cho con bé học bóng rổ để phát triển chiều cao” - bà Chào nói.

Từ nhỏ, Quế Anh đã được bà Chào  thương yêu, chăm sóc
Từ nhỏ, Quế Anh đã được bà Chào thương yêu, chăm sóc

Nỗi đau mất mẹ nguôi dần 

Chiếc điện thoại cũ của mẹ được Quế Anh nâng niu như báu vật. Ai hỏi thăm, cô bé đều mang chiếc điện thoại ra khoe: “Trong này nhiều ảnh của mẹ và con lắm”. Bấm vào bộ sưu tập ảnh, Quế Anh chỉ từng tấm, nói: “Đây là ảnh mẹ. Ảnh này là con lúc nhỏ. Tấm này là mẹ con con lúc đi chơi…”.

Nhìn gương mặt tươi vui, hạnh phúc của Quế Anh, bà Chào mỉm cười: “Giờ con bé bớt đau lòng, bớt nhớ mẹ; chứ hồi Dạ Thảo mới mất, nó toàn ngồi một chỗ ủ rũ. Tôi cứ phải an ủi, giải thích rằng đừng lo, có bà Chào thương con, bà Chào sẽ sống với con, nuôi con khôn lớn, lúc đó con bé mới chịu ăn, ngủ”. 

Dẫu vậy, nhiều đêm Quế Anh nhớ mẹ, nằm ngủ bên bà Chào nhưng mặt quay vào tường, chảy nước mắt. Khi ấy, bà Chào ôm Quế Anh vào lòng, động viên: “Con đừng khóc. Con phải vui thì mẹ con ở nơi khác mới an lòng, vui vẻ”. Sáng ra, bà nấu những món ăn mà Quế Anh yêu thích để cô bé nguôi ngoai.

Hồi thành phố ngừng giãn cách, phòng trọ ngày trước của chị Dạ Thảo được một người khác thuê lại. Quế Anh đi học về thấy vậy, gương mặt buồn thiu, níu áo bà Chào, hỏi: “Nhà đó của mẹ con sống, sao giờ người ta vào ở?”. Bà Chào giải thích mãi, cô bé mới hết buồn, thôi nhìn sang bên kia đầy khó chịu. Được bà Chào động viên, Quế Anh mở lòng, thường xuyên sang hàng xóm nói chuyện và đã dần thân thiết.

“Bình thường mới”

Bà Chào trải lòng, với vợ chồng bà, chuyện Quế Anh sống cùng cũng… vui nhà vui cửa. Họ chỉ có một người con gái đã đi lấy chồng nên chuyện chăm sóc Quế Anh không hề nặng nhọc. Ở tuổi 60, chồng bà Chào vẫn làm bảo vệ để có thêm thu nhập. Ông nhận phần đưa đón Quế Anh đi học. Bà Chào lo cơm nước cho gia đình. 

Hàng xóm kể, tối nào ngang qua nhà bà Chào, bắt gặp hình ảnh bà ngồi cạnh Quế Anh cùng học bài, còn chồng bà cũng ngồi gần đó, thi thoảng mang cho vợ và Quế Anh ly nước khiến họ thêm vui và xúc động. Với họ, đó là minh chứng về tình người, lòng yêu thương và niềm tin tươi sáng ở ngày mai sau những ngày bão giông quét qua thành phố; để lại hơn 2.200 mảnh đời côi cút do COVID-19.

Bà Chào khiêm tốn, đâu đó nhiều người gặp bà, bày tỏ sự cảm kích trước tấm lòng đã cưu mang, đón nhận một đứa trẻ bất hạnh; thì với riêng bà, Quế Anh lại là món quà vô giá. Bà nhớ, nhiều đêm đau người hoặc trở bệnh, Quế Anh bóp vai cho bà. Cô bé lo lắng, ôm bà hỏi: “Bà có đỡ đau hơn không”.

Sợ bà khát, Quế Anh chuẩn bị sẵn ly nước để nhỡ mình có ngủ quên, bà không phải nhọc công xuống bếp. Trước khi chìm vào giấc ngủ, cô bé vẫn không quên dặn dò: “Bà cần gì, bà nhớ gọi con dậy nha”.

“Đã coi con bé như máu mủ của mình, nhưng cũng biết trách nhiệm giờ đây nặng nề hơn. Không chỉ thương yêu, bù đắp cho con bé mà tôi còn phải ráng lo cho Quế Anh một tương lai xán lạn, không để con thiệt thòi” - bà Chào tâm sự.

Theo bà, có lần Quế Anh thổ lộ ước mơ sau này sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho nhiều người, để không ai phải mồ côi vì mẹ bệnh và để chăm sóc cho bà, khiến bà rất xúc động. Từ đó, dẫu không nói ra, bà vẫn tự hứa là trong khả năng, sẽ cố gắng đưa Quế Anh đến gần hơn giấc mơ của mình. 

Tuyết Dân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Thi Nguyễn 16-07-2022 01:24:11

    con đã khóc khi đọc bài này. Con cảm ơn bà chào ông chào nhiều lắm. Ông bà đã làm những việc không phải ai cũng làm được. Con cúi đầu cảm ơn ông bà lần nữa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI