Giấc mơ của mẹ

15/10/2014 - 19:40

PNO - PN - “Thầy gì cái thằng tôi?”, ông Trần Thế Đông (Tam Ngọc, Tam Kỳ, Quảng Nam) ngồi bó gối bên cạnh đứa cháu ngoại đang chăm chú học bài, thỉnh thoảng lại lẩm bẩm câu nói ấy. Vợ ông, bà Trần Thị Cẩm Nhung thắp nén nhang lên...

edf40wrjww2tblPage:Content

Từ ngày cậu con cả vào tù, hai con trai út qua đời, rồi đứa con gái cũng vào vòng tù tội chỉ vì ma túy, đứa cháu ngoại 10 tuổi như trở thành lẽ sống của hai vị giáo già.

Giac mo cua me

Bà Nhung trước bàn thờ con trai

Đỉnh cao và vực sâu

Lấy nhau sau ngày giải phóng, vợ chồng bà Nhung trở thành hình mẫu lý tưởng của bao người. Hai vợ chồng đều là giáo viên giỏi. “Hồi ấy, tôi bồng thằng Bảo lên trường ai cũng trầm trồ khen, thằng Khải, thằng Phong cao đến mét tám, năm nào cũng giật giải Hội khỏe Phù Đổng của trường, con Tuyết thì xinh đẹp”, người mẹ chậm rãi điểm lại niềm tự hào một thuở của mình.

Năm 2003, chị Trần Thị Ánh Tuyết, con gái bà Nhung lấy chồng. Lúc ấy, cậu con trai cả Trần Thế Bảo cũng đã lập gia đình, có hai đứa con. Hai cậu em Trần Thế Phong và Trần Thế Khải lần lượt thi đỗ vào Trường ĐH Luật TP.HCM, vợ chồng bà Nhung lần nữa trở thành tâm điểm ngợi ca của mọi người.

Cũng trong thời gian ấy, anh Nguyễn Văn Thường - chồng Tuyết nhiệt tình giới thiệu anh vợ cùng lên làm việc ở mỏ vàng Phước Sơn. Biết rõ bao cay đắng của nghề đãi vàng, bà Nhung ra sức can ngăn. Nhưng, lấy cớ phải kiếm tiền nuôi con, Bảo nhắm mắt lao theo lời mời mọc của em rể. Lên đến nơi, vừa nếm mùi khổ ải của anh phu vàng, Bảo đã sa chân vào cái bẫy mà “nàng tiên nâu” giăng sẵn ở nơi bốn bề rừng thiêng nước độc.

Lúc này, vợ chồng Tuyết đã là một “con buôn” sành sỏi. Một bên là nghề đào đãi vàng ngày ngày rút kiệt sức lực, một bên là “việc nhẹ, tiền nhiều”, lại thuận lợi cho cơn nghiện, Bảo dần chuyển sang buôn bán ma túy.

Trong khi bà Nhung không hề hay biết về bản chất của những chuyến đi đãi vàng của con thì mỗi mùa hè về thăm nhà, Phong và Khải lại bị anh rể dụ dỗ lên mỏ vàng kiếm tiền phụ mẹ. Nhiều lần từ chối vì bị mẹ can ngăn, sau cùng, thấy mình sức dài vai rộng, ba mẹ ngày một già, Phong và Khải lặng lẽ tìm đường đi đào vàng trong ba tháng hè để tự lo học phí. Kể nửa chừng, bà Nhung đấm ngực, bật khóc: “Tới giờ tôi cũng không hay hai đứa nó sa ngã từ lúc nào, rồi chúng lên ở mãi trên mỏ vàng, tôi ngu dại cứ tưởng chúng vẫn học ở Sài Gòn”.

Chuyện vỡ lở khi Bảo và Thường bị bắt vì tội buôn bán ma túy. Bà Nhung mới hay niềm hy vọng đặt ở các con đã vỡ tan tành, cả Phong và Khải đều từ bỏ chuyện học hành. Khóc lóc, van lơn, bà Nhung chỉ nhận được từ con ánh nhìn hối lỗi. Phong thừa nhận cả hai đã hết đường về, bởi đã trót nghiện ngập. Choáng váng trong một chuỗi cú sốc dồn dập, ông Đông kiên quyết không cho con trở lại mỏ vàng, lật đật liên hệ, tìm đường giúp con cai nghiện.

“Con dại cái mang”, biết thế, nhưng nỗi hờn tủi làm ông Đông như hóa lẫn, mỗi lần thấy con sà vào đám bạn, ông lại rượt theo, kéo về, ấn vào cái giường góc nhà, nghiến răng, dọa: “Còn cãi, ba đánh chết”. Nghề giáo vốn là niềm tự hào, từ khi cảnh nhà sa sút, mỗi lần nghe ai giới thiệu mình là “thầy”, ông Đông lại phủi tay, lắc đầu.

Giac mo cua me

“Thằng Hải rồi cũng khỏe khoắn, sáng dạ như cậu nó…” - bà Nhung nói về cháu ngoại

Nặng mấy cũng phải mang

Dại người trước những tai ương, nhưng chẳng biết sức đâu giúp ông bà đồng hành cùng con trong những ngày tháng sau cùng. Năm 2010, khi ý định cai nghiện chưa thành, cơ thể Phong bắt đầu lở loét. Không ai bảo ai, trong nhà ngoài ngõ đều mặc định Phong bị AIDS. Bà Nhung hốt hoảng xoay tiền đưa con đi khám bệnh, đến khi thấy con cứ vật vờ, ủ rũ, bà mới khựng người, bật ra câu hỏi: “Có khi nào con bị si-đa không Phong?”. Bà Nhung lao đến ôm con, nhưng bao bận, đều bị Phong đẩy ra: “Mẹ phải sống, mẹ đừng lại gần con!”. Chứng kiến cảnh ấy, ông Đông ra sau hè, ôm mặt khóc. Bà Nhung tâm sự: “Thấy ổng khóc tôi lại thở phào, ổng mà khư khư trong lòng thì tôi sợ lắm”. Lau nước mắt, người đàn ông kiệm lời quay sang vợ, nói như ra lệnh: “Lỡ rồi, phải chịu, con cái rồ dại, nặng mấy mình cũng phải mang”.

Bà kể: “Ai cũng bảo thôi bỏ đi, chúng nó hết thuốc chữa rồi, đừng hy vọng, tuyệt vọng chi nữa; nhưng mà khó lắm, tôi không làm được”. Rồi, ngày ba bữa, bà Nhung lại bưng tô cháo đến chỗ Phong nằm, ráng bón từng muỗng. Nhưng Phong liên tục nôn trớ. Chứng kiến mẹ đổ tiền vào từng bịch sữa, thìa cháo rồi kiên trì với chuyện ăn uống ngày càng khó nhọc của mình, Phong dần “bất hợp tác”: “Con ăn của mẹ 30 năm rồi mà không cho mẹ được chi, giờ ăn làm gì nữa?”. Bà lại gạt đi: “Mẹ đẻ con ra rồi không thể để đói, có chết cũng phải cho con no”.

Chín tháng sau, Phong mất. Trong những ngày tưởng đã tận cùng tuyệt vọng, bà Nhung lại phát hiện Khải cũng đã chuyển sang AIDS. Vợ chồng bà Nhung đau đớn tận cùng với sáu tháng cuối cùng bên Khải. Như không còn đau nữa, bà gạt nước mắt, lao vào chăm sóc, vỗ về, tận hưởng những ngày cuối cùng được ở bên con.

Cuối năm 2010, Khải qua đời. Hai vợ chồng ông Đông lặng lẽ ma chay, cả nhà không một tiếng khóc. Mất hai đứa con trai, con trai cả thì tù tội, bà Nhung lại “cắt cử” chồng lên trông chừng con gái, sợ Tuyết cũng dây vào ma túy. Rồi sự núm níu ấy của đôi vợ chồng già cũng bất lực trước cô con gái đã sa ngã từ lâu. Năm tháng trước, Tuyết vào tù vì tội buôn bán ma túy, để lại cho ba mẹ đứa con trai 10 tuổi Nguyễn Trung Hải. Mỗi ngày, sau những buổi chợ với vài chục ngàn bán mấy bó rau hái sau vườn, bà Nhung lại quay về cơm nước, bảo ban đứa cháu ngoại. Ông Đông cũng thôi bớt những giờ ngồi trầm ngâm, lấy chuyện dạy dỗ, bày vẽ từng phép cộng trừ cho cháu làm niềm vui sống.

 Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI