Giấc mơ có nhà của người trẻ vẫn xa vời dù ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất

03/04/2025 - 19:34

PNO - Đó là ý kiến của các chuyên gia tại buổi tọa đàm chủ đề "Bất động sản: Nhà ở cho người trẻ" do Báo Người Lao động tổ chức hôm nay (3/4).

Hiện nay nhie
Giá nhà ngày càng tăng cao, làm sao người trẻ sở hữu được nhà ở?

Ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - nhận định, thị trường bất động sản đang phục hồi nhờ các chính sách tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 171 của Quốc hội. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở xã hội và nhà phù hợp với người lao động vẫn hạn chế.

Chính phủ đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, hướng đến mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ. Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cùng nghiên cứu thành lập quỹ nhà ở sẽ góp phần đảm bảo nguồn vốn ổn định.

ÔngÔng Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng phát biểu tại toạ đàm
Ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - phát biểu tại tọa đàm

“Bộ Xây dựng cũng đang đề xuất trình Quốc hội nghị quyết thí điểm về chính sách nhà ở xã hội, nhằm đơn giản hóa thủ tục, giảm lãi suất vay và mở rộng đối tượng thụ hưởng”, ông Dũng nói.

Ông Phạm Đăng Hồ - Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng TPHCM - chia sẻ, theo khảo sát, nhu cầu nhà ở xã hội tại TPHCM đến năm 2030 vào khoảng 850.000 căn hộ, trong khi kế hoạch xây dựng chỉ đạt 100.000 căn. Điều này cho thấy nhu cầu vẫn rất lớn.

Người trẻ không thuộc diện ưu tiên mua nhà ở xã hội phải tìm đến nhà ở thương mại giá rẻ, nhưng phân khúc này chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể. Do đó, sự phát triển loại hình này phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có chấp nhận giảm lợi nhuận để tạo sản phẩm phù hợp hay không.

Ngoài ra, cần thúc đẩy các hình thức bán, thuê và mua nhà ở thương mại giá phù hợp. Đồng thời, nên chia người trẻ thành hai nhóm: nhóm có khả năng tài chính có thể mua, nhóm chưa đủ khả năng nên thuê nhà.

Quan cảnh buổi toạ đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Về tín dụng, cần có các gói vay ưu đãi tương tự nhà ở xã hội để hỗ trợ người mua và doanh nghiệp. Ông Hồ cho rằng, có thể cân nhắc hình thành Quỹ tiết kiệm nhà ở để người dân tích lũy từ sớm, giảm khó khăn khi mua nhà.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM - cho rằng, giá nhà leo thang do khan hiếm nguồn cung. Hiện TPHCM chỉ có 6.000 căn nhà ở xã hội, quá thấp so với nhu cầu. Chỉ mong đề án 1 triệu căn nhà nếu thành công sẽ giúp cân bằng thị trường. Trong khi đó, cả năm 2024, TPHCM chỉ chấp thuận mở bán hơn 1.600 căn hộ mới, trong khi từ 2021 đến nay không có thêm dự án nhà ở vừa túi tiền.

Ông Châu cho rằng cần tháo gỡ vướng mắc pháp lý giúp khơi thông hàng nghìn dự án đình trệ, đảm bảo nguồn cung, tạo điều kiện cho người trẻ và người có nhu cầu thực tiếp cận nhà ở. Cần cải cách hành chính, rút ngắn xử lý hồ sơ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển nhà ở.

Ông Phạm Lâm - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho rằng, thực tế cho thấy, với mặt bằng giá hiện nay, việc mua nhà tại TPHCM đối với phần lớn người trẻ là một bài toán khó.

Do đó, cần tính đến việc quy hoạch các khu vực cách trung tâm thành phố khoảng 30–40km, đi kèm với đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng thuận tiện, để người dân có thể dễ dàng di chuyển. Khi đó, người trẻ vẫn có thể làm việc ở trung tâm nhưng sinh sống tại những khu vực có chi phí sinh hoạt hợp lý hơn, mà vẫn đảm bảo chất lượng sống.

Ngoài ra, cần có tiêu chí rõ ràng và minh bạch để xác định ai đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, ai được hưởng chính sách ưu đãi. Chẳng hạn, những người đóng thuế đầy đủ, nghiêm túc trong nhiều năm có thể được xem xét ưu tiên. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát và quy định chặt chẽ để tránh tình trạng trục lợi chính sách, bảo đảm công bằng trong tiếp cận nhà ở cho các đối tượng thực sự cần.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực II - cũng cho biết, chính sách nhà ở là một chủ trương nhân văn giúp người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà, đồng thời thúc đẩy kinh tế bền vững. Chính phủ đã ban hành nhiều ưu đãi về thuế, lệ phí và tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, thời hạn vay dài để hỗ trợ người trẻ mua nhà. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là gia tăng nguồn cung, đặc biệt tại các đô thị lớn - nơi nhu cầu nhà ở của người trẻ và người thu nhập thấp rất cao.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI