Giấc mơ biểu diễn trực tuyến

23/09/2021 - 17:36

PNO - Tìm hướng đi cho các nhà hát là điều cấp thiết. Nhưng việc biểu diễn trên môi trường số nhằm kinh doanh, vẫn đầy khó khăn.

Trong diễn đàn trực tuyến về tác động của dịch COVID-19 diễn ra vào ngày 22/9, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng nêu nhiệm vụ cấp bách của hơn 100 đoàn ca múa nhạc, xiếc kịch khắp cả nước là phải tìm hướng hoạt động để đủ nguồn tài chính nuôi sống đơn vị. 

Phương hướng mà ông gợi ý là xây dựng “nhà hát online”, phát triển trên các nền tảng mạng xã hội. “Tôi lấy ví dụ, khi kênh YouTube của nhà hát có 1 triệu người theo dõi thì sẽ có doanh thu từ đó. Vậy chúng ta có làm không? Nếu làm thì làm như thế nào? Không thể đóng cửa nhà hát mãi mãi như vậy được”.

Thực tế, từ đợt dịch năm 2020, thậm chí trước đó, nhiều đơn vị đã tính đến phương án biểu diễn trực tuyến, hoặc phát triển nội dung trên các nền tảng số. Nhưng hầu hết đều còn e dè, chưa sẵn sàng, hoặc có đơn vị còn nói không. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng gợi ý xây nhà hát online, biểu diễn trực tuyến để có nguồn thu nuôi nhà hát
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng gợi ý xây nhà hát online, biểu diễn trực tuyến để có nguồn thu nuôi nhà hát

Ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội cho rằng: “Công nghệ số, mạng xã hội phát triển như vũ bão và có ảnh hưởng ngày càng lớn đến xu hướng tiếp nhận, thưởng thức của khán giả, đặc biệt với lớp khán giả trẻ. Vì thế, việc phát triển nội dung trên môi trường này chắc chắn là điều các nhà hát, đơn vị phải tính đến. Theo tôi, hiệu quả quảng bá trên môi trường này khá tốt”. Tuy nhiên, theo ông Vũ, giữa mong ước và hiện thực còn cách nhau một khoảng rất xa, vì nhiều lý do. 

Trước hết, về mặt chuyên môn, sân khấu có đặc thù riêng mang tính tương tác trực tiếp, khác với ca nhạc, phim ảnh… Khán giả cũng là người đồng sáng tạo tác phẩm. Bởi tuỳ phản ứng của khán giả theo từng suất diễn mà nghệ sĩ sẽ có sự gia giảm các mảng miếng, hoặc thêm thắt tình tiết nhằm đảo bảo lôi cuốn thú vị. Đó cũng là cách để nghệ sĩ rèn nghề, sự ứng biến linh hoạt trên sân khấu. Nếu trình diễn trực tuyến, những điều thú vị này sẽ mất đi ít nhiều. 

Hiện, các sản phẩm giải trí trên môi trường mạng đều hướng đến chuẩn hình ảnh 4K, thậm chí chất lượng 8K trong tương lai gần. Nếu không đạt chuẩn này, sản phẩm lại "nửa vời", càng dễ khiến khán giả đánh giá thấp. Để đạt chuẩn này đòi hỏi phải đầu tư máy móc, thiết bị để linh hoạt trong việc sản xuất. Khoản này, trở nên quá sức trong điều kiện kinh phí hạn hẹp của các đơn vị hiện tại.

Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đầu tư thiết bị phục vụ cho hoạt động biểu diễn chỉ ở mức tiết kiệm nhất có thể theo điều kiện của nhà hát, rồi vừa làm vừa xin thêm, hiện ở mức tương đối đủ dùng. Tuy nhiên, thực tế không phải đơn vị nào trên toàn quốc cũng có thể làm được điều này, đặc biệt tại những địa phương mà hoạt động biểu diễn nghệ thuật không quá sôi động, nguồn kinh phí dành cho nhà hát không nhiều.

Đặc thù của sân khấu là việc tương tác trực tiếp với khán giả. Biểu diễn trực tuyến không đáp ứng được điều này.
Đặc thù của sân khấu là việc tương tác trực tiếp với khán giả. Biểu diễn trực tuyến không đáp ứng được điều này.

Việc vận hành hệ thống máy móc, thiết bị, các ứng dụng để biểu diễn trực tuyến đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực có chuyên môn. Nhiều đơn vị hiện tại thiếu đội ngũ này. Tại nhiều đơn vị, đội ngũ nhân lực chủ yếu là nghệ sĩ, có nơi rất nhiều người lớn tuổi nên việc tiếp cận kỹ thuật, công nghệ số rất khó khăn. Nếu phải thuê mướn từ các đơn vị bên ngoài thì nguồn kinh phí lại là bài toán khó có lời giải. 

NSƯT Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai cho biết việc đầu tư cho hoạt động biểu diễn trên môi trường số đã được đơn vị đẩy mạnh từ năm 2020, khi dịch bệnh xảy ra. Cụ thể, trong năm ngoái, đoàn đã biểu diễn được 200 suất, với lượng người xem tương đối tốt. 

Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng hiện vẫn thể tính đến việc thu lợi nhuận để nuôi đoàn hát từ hoạt động này. Theo chị, trước hết, việc biểu diễn chỉ phục vụ cho mục đích quảng bá, nhằm giúp khán giả biết đến nhiều hơn về chất lượng, sau mới tính đến những mơ ước lớn hơn. Chị cho rằng đặc thù của môi trường số là khán giả trẻ, nên các loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn còn đang gặp trở ngại nhất định trong việc tiếp cận họ.

Các loại hình nghệ thuật truyền thống
Các loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn còn gặp khó trong việc tiếp cận khán giả trẻ - đối tượng hiện giữ vai trò quan trọng trên môi trường số

Ông Vũ cũng đồng tình với quan điểm này. Ông chia sẻ thêm: “Thực tế, khán giả vẫn chưa thói quen trả tiền để thưởng thức các nội dung giải trí trên môi trường số. Chưa kể hiện tại nhiều NSX nội dung luôn sẵn sàng cung ứng sản phẩm miễn phí. Khán giả trẻ lại thường thích những nội dung giật gân, sốc nổi nên sân khấu, đặc biệt các loại hình truyền thống sẽ khó thể đáp ứng được điều này. Ngoài ra, theo tôi tìm hiểu, doanh thu từ YouTube tại Việt Nam vẫn rất thấp. Để kênh có thể thu tiền phải đầu tư trong một khoảng thời gian nhất định. Suy đi tính lại giữa bài toán kinh phí đầu tư và khả năng hiệu quả thu về khiến chúng tôi vẫn rất lo ngại. Nếu làm để quảng bá thêm, tôi nghĩ ổn nhưng để hy vọng nuôi nhà hát thì khó thể”.

Ngoài ra, một điều khiến không ít đơn vị lo lắng là việc vi phạm bản quyền, chiếu lậu, xem lậu vẫn diễn ra nhan nhản. Chưa kể, nếu biểu diễn trên môi trường số, người làm nghề đều có tâm lý chung: sợ khán giả không còn thói quen đến sân khấu. 

Dịch bệnh khiến tình hình khó khăn của các sân khấu, nhà hát càng trở nên bi đát. Việc cứu, vực dậy sân khấu là mơ ước của rất nhiều đơn vị. Nhưng từ thực tế trên có thể thấy để thu lợi từ biểu diễn trực tuyến nuôi cả đoàn hát vẫn là một ước mơ chưa có thật.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI