Giấc mơ bác sĩ

22/07/2013 - 16:55

PNO - PN - Trước hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nhiều em đã có ý định nghỉ học. Nhưng xác định chỉ có học vấn mới có thể thay đổi được nhiều thứ, các em lại tiếp tục học tập, cố gắng nhiều hơn.

Giac mo bac si

Sau giờ học, Hạnh theo mẹ phụ bán bắp dạo

1. Nguyễn Hồng Hạnh (SN 2003, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Nguyễn Khuyến - Q.Tân Bình, TP.HCM) ngồi sát bên mẹ, đôi mắt sáng rỡ: “Được nhận học bổng của Báo Phụ Nữ, con vui lắm. Học bổng sẽ giúp mẹ con bớt nỗi lo học phí, sách vở cho con”. Bốn năm qua, dù gia cảnh khó khăn, Hạnh vẫn luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi. Ngay từ nhỏ, Hạnh đã ý thức rất rõ sự nghèo khổ của gia đình. Cha em mắc bệnh tâm thần nhẹ, sức khỏe yếu nên gánh nặng áo cơm dồn hết lên vai mẹ - chị Phạm Thị Oanh. Cả nhà phải sống chung với các cô chú trong ngôi nhà chật hẹp do ông bà để lại.

Hạnh nói: “Thấy mẹ khổ, bao lần con xin mẹ nghỉ học để đi bán vé số hay phụ mẹ mua bán bắp kiếm tiền. Mẹ khóc, nói chỉ có học mới thoát nghèo nên con gắng học”. Những khi rảnh rỗi hiếm hoi, chị Oanh dành thời gian hỏi han con chuyện trường lớp, học hành. Bao phen mưa lớn, giỏ bắp ế còn đầy nhưng giọng con gái huyên thuyên về bài toán điểm 10, lòng vui lạ.

Hỏi chuyện học thêm của con, chị Oanh cho biết: “Vợ chồng tôi đều không biết chữ, nên con toàn tự thân vận động. Cái nào không biết thì hỏi thầy, hỏi bạn”. Chị Trương Thị Phương Mai - Chủ tịch Hội LHPN P.14 khẳng định: “Hạnh ngoan, hiền, ý thức hoàn cảnh nên dù còn nhỏ, em đã biết phụ giúp cha mẹ, làm việc nhà. Điều đáng quý, dù khó khăn nhưng Hạnh luôn nỗ lực, phấn đấu học tập đạt thành tích cao”. Hỏi về giấc mơ, Hạnh cười bẽn lẽn: “Con mong thành bác sĩ”. Giấc mơ của cô học trò nghèo khởi nguồn từ những lần chứng kiến cha trở bệnh nặng, mẹ đổ bệnh, không có tiền đến bệnh viện, chỉ biết nằm chờ qua cơn ốm đau.

Giac mo bac si

2. Trở thành bác sĩ cũng là ước mơ của cô học sinh lớp 8 Hồ Thanh Bảo Yến (ảnh), Trường THCS Ba Đình, Q.5. Yến nói: “Chị con mắc bệnh Lupus ban đỏ, nay biến chứng qua thận, tim. Nhìn chị đau đớn chống chọi với bệnh tật, con thương lắm. Con muốn thành bác sĩ để chữa cho chị và nhiều người khác”. Năm 2003, khi Yến mới 18 tháng tuổi thì cha bỏ đi theo người phụ nữ khác. Cuộc sống càng túng quẫn hơn khi mẹ còn phải chăm sóc ông bà ngoại già yếu, bệnh tật. Một mình chị Trần Kim Hảo - mẹ Yến - vừa nuôi con nhỏ, vừa buôn bán mũ nón, đưa gia đình đi qua cơn khó khăn. Kinh tế dần ổn định thì cách đây mấy năm, chị Yến bất ngờ đổ bệnh nặng. Việc chạy chữa, thuốc thang hàng tháng đẩy gia đình vào tình cảnh khánh kiệt.

Thấu hiểu nỗi khổ của gia đình, từ nhỏ, Yến đã biết tự nhắc mình phải chăm học và học thật giỏi. Bảy năm liền là học sinh giỏi, cô học trò nghèo chưa một lần biết đến quán xá hay theo các bạn vui chơi. Yến chỉ biết duy nhất con đường từ nhà đến trường và ngược lại. Thời gian rảnh, em ra đầu ngõ phụ mẹ bán nón, lo cơm nước, giặt giũ thay chị; đồng thời “làm chân, làm mắt” cho ông ngoại bị mù. Yến nghẹn giọng: “Bệnh của chị con phải thay một quả thận mới mong ổn định sức khỏe. Nhưng nhà con không có tiền. Thương mẹ, thương chị, con muốn nghỉ học đi làm mướn hay buôn bán gì đó kiếm tiền chữa dứt bệnh cho chị rồi đi học trở lại”. Nghe con trải lòng, chị Hảo rơi nước mắt: “Mỗi đêm, thà tôi đứng bán thêm vài ba giờ, kiếm thêm dăm ba chục chứ nhất định không cho con nghỉ học”.

Cô Phan Thị Phương Lan - giáo viên chủ nhiệm của Yến cho biết: “Yến rất ngoan hiền, chăm học. Chẳng những học giỏi mà em còn chịu khó, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào trường lớp, được thầy cô, bạn bè đánh giá cao. Mong em vượt lên hoàn cảnh gia đình, tiếp tục hành trang đèn sách; chúng tôi tin với nỗ lực, khả năng của em, giấc mơ trở thành bác sĩ không khó để đạt được”. Đây là lần thứ tư Yến được Báo Phụ Nữ trao học bổng. “Học bổng tiếp cho con sức mạnh cả về tinh thần lẫn vật chất để con đường đi đến giấc mơ mỗi ngày một gần. Mỗi lần nhận học bổng, con dặn lòng phải phấn đấu, cố gắng nhiều hơn, xứng đáng hơn với niềm tin của mọi người” - Yến nói.

Ngân Du

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI