Giá xăng tăng đẩy giá tour du lịch lên cao

13/06/2022 - 06:34

PNO - Giá xăng dầu tăng khiến chi phí di chuyển, ăn uống tăng theo. Điều này tác động mạnh đến giá các tour du lịch bình dân.

 

Các doanh nghiệp lữ hành cho biết giá vé máy bay tăng cao nhất trong nhóm chi phí đầu vào của ngành du lịch (trong ảnh: Sân bay Tân Sơn Nhất luôn đông nghịt hành khách vào dịp hè. Ảnh chụp vào tháng 5/2022)
Các doanh nghiệp lữ hành cho biết giá vé máy bay tăng cao nhất trong nhóm chi phí đầu vào của ngành du lịch (trong ảnh: Sân bay Tân Sơn Nhất luôn đông nghịt hành khách vào dịp hè. Ảnh chụp vào tháng 5/2022)

Dịch vụ đồng loạt tăng giá 

Ông Nguyễn Ngọc An - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Fiditour - cho hay, giá mỗi vé máy bay nội địa hiện đã tăng khoảng 1 triệu đồng/chiều; giá tất cả các dịch vụ vận chuyển đường bộ, đường sắt đều tăng từ 20% trở lên: “Chúng tôi đã ký hợp đồng từ trước với các đơn vị vận chuyển, các hãng bay để giữ được mức giá tốt. Nhưng tới đây, chúng tôi sẽ phải tính toán lại giá khi ký các hợp đồng mới”. 

Ông Bùi Thế Duy - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt - cho rằng, vật giá tăng khiến giá tour không thể rẻ được. Các tour du lịch bình dân sẽ chịu tác động mạnh hơn các tour cao cấp do chi phí vận chuyển, bữa ăn tăng. Các tour cao cấp chịu tác động ít hơn do giá tour lệ thuộc nhiều hơn vào chi phí lưu trú. Ông nhận định: “Chúng tôi nhận thấy, hè này, nhu cầu du lịch nội địa tăng mạnh (hiện nay, lượng khách đã bằng khoảng 80% so với thời điểm trước dịch). Tuy nhiên, đà tăng tập trung chủ yếu ở phân khúc trung và cao cấp, còn phân khúc bình dân tăng chậm”.

Giá xăng dầu tăng cũng tác động tiêu cực đến khối dịch vụ lưu trú. Ông Võ Minh Trung - Giám đốc Khách sạn Riverside Saigon - cho biết, các nhà cung cấp dịch vụ giặt ủi đã tăng giá lên 15%. Các mặt hàng dùng một lần trong khách sạn như kem, bàn chải đánh răng, xà phòng, trà, cà phê, nước suối cũng tăng giá. Giá thành dịch vụ tại khách sạn tăng khoảng 10% nên giá dịch vụ áp dụng với khách hàng cũng tăng gần 5%. Giá khách sạn tăng sẽ khiến giá tour du lịch trọn gói tăng theo bởi giá dịch vụ lưu trú và di chuyển chiếm 60 - 70% giá tour. 

Doanh nghiệp du lịch tìm mọi cách giữ giá 

Đại diện các đơn vị lữ hành cho biết, họ sẽ chủ động tư vấn rõ cho khách mua tour về sự biến động giá dịch vụ hoặc sẽ điều chỉnh lịch trình tour để giảm các chi phí không cần thiết mà không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng tour. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ ưu tiên giới thiệu với khách các điểm đến có chi phí chưa tăng cao.

 Đại diện các đơn vị lưu trú thì lựa chọn giải pháp hợp tác với nhau mua chung các mặt hàng dùng một lần cho khách sạn với số lượng lớn, hoặc chọn mua các sản phẩm có thể dự trữ được lâu hơn. Các đơn vị lưu trú cũng có xu hướng thay thế các loại thực phẩm tươi sống trong thực đơn sang các sản phẩm khô, đóng gói để có mức giá tốt.

Đại diện một số đơn vị lưu trú ở TP.HCM cho biết thêm, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng trong dịp hè và cuối năm, họ sẽ tính toán tăng giá dịch vụ phòng từ 10 - 15% nhưng sẽ cho phép nhận phòng sớm, trả phòng muộn (trước đây, phía khách sạn thường phụ thu hoặc phạt đối tác khoản này) hoặc miễn phí nâng hạng phòng (tính giá phòng cao cấp bằng giá phòng tiêu chuẩn) cho đơn vị lữ hành.
Các hãng bay cũng đang tìm cách để giảm bớt phần nào tác động tiêu cực của sự tăng giá nhiên liệu. Chẳng hạn, Vietjet Air yêu cầu phi công áp dụng chế độ bay phù hợp, sử dụng đội tàu bay tiết kiệm nhiên liệu, chọn nhà cung cấp nhiên liệu có mức giá tốt, chủ động mua nhiên liệu dự trữ lúc giá thấp. 

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI