Giá xăng giảm sâu, giá hàng "bất động" doanh nghiệp bao biện?

24/02/2016 - 10:34

PNO - Ồ ạt theo giá xăng dầu, nhưng đến nay, khi giá xăng dầu hạ thấp ở mức kỷ lục thì giá cả các loại hàng hóa vẫn bất động.

Gia xang giam sau, gia hang
Khi giá xăng dầu hạ thấp ở mức kỷ lục thì giá cả các loại hàng hóa vẫn bất động - Ảnh minh họa (Ảnh: Dân Trí)

Im lặng hoặc giải thích kém thuyết phục 

Từ đầu năm đến nay đã có tới bốn lần giá xăng dầu giảm với tổng mức giảm là 2.700đ. Tuy nhiên, giá những mặt hàng thực phẩm tươi sống tại hai chợ đầu mối Thủ Đức và Hóc Môn ngày 23/2, vẫn ở mức cao. Nhiều tiểu thương cho biết, dù lượng hàng hóa về chợ đã ổn định trở lại, không còn tình trạng thiếu hụt so với những ngày sau tết, nhưng giá xăng dầu giảm vẫn chưa tác động đến giá cả, các xe vận chuyển hàng hóa về chợ hiện chưa thấy giảm giá cước.

Tại chợ Thủ Đức, một đầu mối phân phối rau củ từ Lâm Đồng về TP.HCM cho biết, từ ba ngày nay, cước mỗi chuyến xe chở rau, củ từ Lâm Đồng về đã giảm khoảng 300.000đ do giá xăng dầu giảm, nhưng giá các loại rau củ vẫn chưa giảm do các đầu mối ở tỉnh chưa giảm. Ông này lý giải, thường những mặt hàng này biến động theo lượng hàng về và mức độ tiêu thụ hơn là cước vận chuyển.

Tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, những mặt hàng này cũng chưa có dấu hiệu điều chỉnh giá. Ông Quốc Nguyên - giám đốc truyền thông hệ thống siêu thị BigC, cho biết, sau mỗi đợt điều chỉnh giá xăng dầu, phía siêu thị đều yêu cầu các nhà phân phối xem xét lại chi phí giá thành đầu vào để có thể đưa ra mức điều chỉnh giá hàng hóa một cách hợp lý.

Vào lần điều chỉnh xăng dầu cách đây năm ngày, siêu thị cũng gửi yêu cầu đến các nhà phân phối nhưng đến nay chưa có nhà phân phối nào điều chỉnh giá bán và cũng chưa đưa ra giải thích. “Ngay cả những mặt hàng thuộc danh mục nhãn hàng riêng của siêu thị cũng đang trong tình trạng tương tự vì được đặt hàng từ chính các nhà sản xuất…”, ông Nguyên cho hay.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Tuấn Quỳnh cho rằng, tính từ tháng 10/2015 đến nay, xăng dầu đã giảm giá tổng cộng chín lần nhưng lợi ích của việc giảm giá xăng dầu trong nước đến sản xuất còn khá mờ nhạt. Ông Quỳnh phân tích: giá xăng vào giữa năm 2014 là 25.640đ/ lít, còn ở thời điểm hiện tại là 13.750đ/lít, giảm gần một nửa. Thời điểm đó, giá cước taxi từ 12.000-15.000đ/km, còn hiện nay vẫn loanh quanh ở mức trên dưới 11.500đ/km.

Tức là, trong giá thành vận chuyển, giá xăng dầu chiếm khoảng 40% chi phí nhưng khi giá xăng giảm đi một nửa thì giá cước vẫn gần như không thay đổi hoặc giảm rất ít. Thực trạng “tăng nhanh, giảm chậm” đang khá phổ biến. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải vẫn giữ nguyên hoặc chỉ giảm “nhỏ giọt” khi giá xăng dầu đã giảm mạnh, trong khi việc giảm giá cước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giảm giá các mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm liên quan trực tiếp đến đời sống người dân…

Ở góc độ các công ty vận tải, giá cước không chỉ phụ thuộc vào giá xăng dầu mà còn là thỏa thuận theo hợp đồng với khách hàng, các nhiên, nguyên, vật liệu khác ngoài xăng, chi phí bảo dưỡng, kiểm định xe, lãi suất ngân hàng, nợ khó đòi v.v... Tất cả những chi phí này đều có xu hướng tăng nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc không giảm được cước phí.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp mua bán cho rằng, mức giảm giá cước chẳng thấm vào đâu nếu tính trên từng đơn vị sản phẩm. Ông Trần Ngọc Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Vinh Phát, một doanh nghiệp cung ứng gạo lớn cho thị trường TP.HCM nêu ví dụ: “Gạo thường được vận chuyển với số lượng lớn, hàng ngàn tấn mỗi chuyến nên chi phí vận chuyển ăn vào giá thành gạo bán lẻ là không đáng kể. Tương tự, một số doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước cho rằng, giá cước vận chuyển chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí sản xuất, chỉ khoảng 1% trong khi giá nguyên liệu là yếu tố quyết định giá thành sản phẩm, nên khi giá xăng tăng hay giảm đều không ảnh hưởng”.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh nói thêm, ngoài những mặt hàng như xăng, điện hiện nay vẫn do Nhà nước định giá và giám sát, còn hầu hết các sản phẩm hàng hóa đều đã vận hành theo cơ chế thị trường. Vì vậy, việc tăng, giảm giá phụ thuộc vào cung cầu của thị trường. Cơ chế thị trường là bàn tay vô hình mà ở đó sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, sản phẩm sẽ tạo lập mức giá phù hợp. Đây cũng là lập luận của cơ quan quản lý nhà nước khi cho biết, không thể can thiệp vào cước phí vận chuyển.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI