Nguồn: Các công ty đầu mối xăng dầu - Đồ họa: V.CƯỜNG - Ảnh: H.T.V.
Quyết định điều hành giá xăng dầu trong tối 28/3 cho thấy quyền lợi của doanh nghiệp vẫn được đảm bảo chắc chắn. Nhà nước cũng vẫn thu thuế đều đặn. Chỉ có người tiêu dùng luôn chịu thiệt thòi.
Doanh nghiệp hưởng
Một trong những điều khiến người tiêu dùng bất ngờ và bất bình trước quyết định tăng giá bán lẻ xăng dầu của Bộ Tài chính là trái ngược với xu hướng giá xăng dầu thế giới. Suốt từ đầu tháng 3/2013 đến nay, giá xăng đã giảm rất mạnh so với hai tháng đầu năm.
Theo đó, giá xăng giao dịch ở mức 119-121 USD từ khoảng 20 ngày gần đây. Biến động giá thế giới khiến Trung Quốc - nước tiêu thụ nhiên liệu đứng thứ hai thế giới - vừa quyết định giảm giá bán lẻ xăng dầu. Nước này cũng đã thực hiện giảm thời gian tính giá cơ sở từ 22 ngày xuống còn 10 ngày để giá trong nước sát với giá thế giới.
Tại thị trường Singapore, giá xăng A92 (mặt hàng tăng đến 1.430 đồng/lít theo quyết định của Bộ Tài chính ngày 28/3) trong khoảng 10 ngày gần đây (từ 18 đến 28/3) chỉ khoảng 119,64 USD/thùng. Với mức giá này, doanh nghiệp đầu mối đang lời khoảng 500 đồng/lít.
Một khoản lợi lớn nữa mà các doanh nghiệp ngành xăng dầu đang được hưởng là từ nguồn xăng dầu sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Hoài Giang - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất - cho biết quý 1-2013 Dung Quất đưa ra thị trường khoảng 778.600m3 xăng A92, A95, chiếm 30% thị phần tiêu thụ. Và giá bán xăng Dung Quất đang được tính bằng với giá nhập khẩu. Chẳng hạn ngày 22/3, giá xăng A92 tại Singapore là 117,9 USD/thùng thì giá Dung Quất bán cho doanh nghiệp đầu mối cũng tương đương.
Ông Giang khẳng định phía Công ty Bình Sơn không được giữ lại một khoản thuế nào cả. Như vậy, với mức thuế nhập khẩu 12% hiện nay mà các doanh nghiệp đầu mối được cộng vào khi bán xăng Dung Quất ra thị trường thì khoản chênh lệch không hề nhỏ.
Giá đầu vào tăng
Ngay trong ngày giá xăng dầu điều chỉnh, ông Nguyễn Phúc Tiến, phó tổng giám đốc Công ty TNHH nệm Vạn Thành, đã kịp tính mức bù lỗ cho chi phí xăng dầu vận chuyển hằng tháng “đội” lên thêm ít nhất 120 triệu đồng so với trước. Hiện mỗi tháng công ty chi 3 tỉ đồng cho chi phí xăng dầu chuyên chở hàng hóa.
“Với mức giá mới này, doanh nghiệp không những phải bù thêm cả trăm triệu đồng/tháng mà nguy cơ đáng lo ngại hơn là hàng hóa tiếp tục không tiêu thụ được do sức mua quá thấp. Như vậy làm sao doanh nghiệp chống chọi nổi?” - ông Tiến đặt câu hỏi.
Tương tự, ông Nguyễn Quang Trung, tổng giám đốc Công ty cổ phần ximăng Fico Tây Ninh, cho hay với mức tăng 362 đồng/lít đối với dầu DO, ước mỗi tháng công ty phải bù thêm gần 40 triệu đồng cho nhu cầu sử dụng khoảng 100.000 lít dầu DO/tháng.
Riêng chi phí chuyên chở hiện chiếm khá lớn trong giá thành sản phẩm, ước lên đến hàng chục tỉ đồng/tháng, ông Trung cho rằng việc điều chỉnh giá vận chuyển sẽ phải tính đến “nếu mức tăng vượt 10% so với giá cũ”. Đồng thời, ông Trung cũng lo ngại khó có thể giữ giá trong bối cảnh tất cả chi phí đầu vào đều tăng.
Trong khi đó, ông Vĩnh Như, Công ty cổ phần Than miền Nam, cho biết với giá xăng dầu tăng chóng mặt như hiện nay, “dù doanh nghiệp có cố gắng tiết giảm chi phí sản xuất bao nhiêu cũng không kịp bù vào chi phí đầu vào tăng chóng mặt”.
Theo tính toán chưa đầy đủ của ông Như, chi phí vận chuyển từ Bắc vào Nam chiếm không dưới 15% trong chi phí giá thành sản phẩm. Nhưng với sức mua quá kém như hiện tại, ước ba tháng đầu năm 2013 chỉ tiêu thụ được khoảng 170.000 tấn so với mức 100.000 tấn/tháng như trước, ông Như cho rằng khả năng doanh nghiệp đình đốn sản xuất sẽ rất cao khi định mức sản xuất đột biến tăng cao ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp.
Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, khẳng định chắc chắn giá xăng sẽ tác động lên lạm phát. Các doanh nghiệp đang khó khăn, bị bồi thêm “cú” này, lực sẽ càng yếu hơn. Chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp không thể để thâm hụt thêm.
Họ buộc phải tăng giá bán. Như vậy, người tiêu dùng sẽ là đối tượng cuối cùng phải chịu thiệt trong câu chuyện giá xăng tăng. Chưa kể sau khi giá tăng, từ bó rau, con cá sẽ tăng giá theo. Đời sống người dân lại càng thêm khó khăn. Thu nhập không được cải thiện, họ sẽ phải tiếp tục thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu khiến sức mua càng yếu.
Sẽ công khai quỹ bình ổn xăng dầu Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 29/3, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định không thể không tăng giá xăng dầu vào thời điểm này. Theo bộ trưởng, hiện nay giá bán lẻ xăng dầu đang thấp hơn giá cơ sở. Nếu tiếp tục duy trì mức giá cũ khi quỹ bình ổn giá xăng dầu hết thì phải lấy ngân sách bù vào. Trong khi đó, chủ trương của chúng ta là không thể bao cấp giá xăng dầu mà phải theo cơ chế thị trường và có sự quản lý của Nhà nước. Thực tế giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá một số nước có chung đường biên giới 2.000-5.000 đồng/lít. Đây cũng là một trong những lý do để điều chỉnh giá xăng dầu trong nước nhưng không phải là lý do chính. “Nhưng không phải vì chống buôn lậu mà phải tăng giá bán xăng dầu trong nước” - bộ trưởng khẳng định. Theo bộ trưởng, cách đây một tháng, nhiều báo rút tít “Không thể không tăng giá xăng dầu”. Thời điểm đó, dù có đủ yếu tố tăng giá xăng dầu nhưng để không dồn thêm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp nên Thủ tướng đã quyết định không tăng giá bán xăng dầu.“Chính phủ yêu cầu các bộ liên quan trước hết phải công khai, minh bạch tất cả quỹ bình ổn có bao nhiêu, từng doanh nghiệp sử dụng bao nhiêu... Chính phủ đảm bảo điều hành xăng dầu vì lợi ích chung của đất nước chứ không vì lợi ích cục bộ của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu” - bộ trưởng khẳng định. Về quan điểm điều hành xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: liên bộ Tài chính - Công thương luôn cân nhắc, tính toán rất kỹ nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước mỗi khi đề xuất bất cứ một phương án nào. Thực tế, liên bộ cũng đã tính đến thuế nhập khẩu. Thuế suất nhập khẩu đang áp dụng với xăng là 12%, diesel 8%... thấp hơn so với mức 20% được quy định tại barem. Chính vì vậy liên bộ quyết định giữ nguyên mức thuế và điều chỉnh giá. Trả lời Tuổi Trẻ tại phiên họp, bà Mai cũng thừa nhận việc quỹ bình ổn giá chưa được công khai và khẳng định: “Chúng tôi ghi nhận quỹ này chưa công khai, minh bạch. Thời gian tới sẽ minh bạch để góp ý, giám sát, điều hành xăng dầu tốt hơn”. Trao đổi thêm bên lề phiên họp, ông Nguyễn Anh Tuấn, phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết theo số liệu tính toán của Cục Quản lý giá, việc tăng giá xăng dầu lần này tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 0,127%. |
Theo Tuổi Trẻ