Gia vị yêu thương

28/10/2014 - 07:11

PNO - PN - Lớp 1 họp phụ huynh, ngồi giữa các bố mẹ có vẻ thành đạt là một phụ nữ trẻ rụt rè. Trường song ngữ quốc tế, gia đình gửi con vào học hầu hết đều có điều kiện, một lớp có đến vài phụ huynh là giám đốc.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thiếu phụ như lạc lõng với vẻ xuềnh xoàng và lam lũ. Cô chỉ im lặng. Đến cuối buổi họp, phụ huynh tíu tít xin email và facebook để thông báo chuyện trường lớp của bọn học trò còn mũi dãi. Thiếu phụ lúc đó mới có vài lời lúng túng: “Em không biết imeo hay phâybúc là gì, em chỉ có số điện thoại. Vợ chồng em bán giò chả ở chợ cóc gần trường, thấy trẻ con đi học ở đây đều vui vẻ tự tin, bọn em cố gắng làm lụng với nguyện vọng lúc cháu T. đi học, dành dụm đủ tiền để gửi con vào ngôi trường tử tế. Bọn em bán hàng đến 21g mới về đến nhà, trăm sự em cậy nhờ cô giáo kèm cặp con sau khi tan học buổi chiều…”.

Mình mới nhớ những buổi đón con muộn, luôn thấy một cậu bé ngồi cặm cụi viết bài trong khi các bạn đi xem phim và đọc truyện ở phòng chờ bố mẹ. Sau hôm đó, đi qua chợ, mình để ý bố mẹ T. ngồi chỗ nào. Chỉ là một tủ kính bé tí bày ít nem chua, giò chả, buổi sáng có thêm bánh chưng bánh dày. Mẹ T. bán hàng có vẻ xởi lởi, lúc nào cũng đông khách. T. có em trai, chừng bốn tuổi. Thằng bé được đón sớm hơn anh, chỉ chơi luẩn quẩn cạnh mẹ. Có buổi thấy nó chơi rau, có buổi chơi mấy con cá nhỏ bơi trong chai nước, có buổi thấy nó nằm ngủ trên ghế nhựa, mẹ trải áo bên dưới làm nệm…

Gia vi yeu thuong

Cuối tuần đưa con gái đi chợ, thấy anh em T. được mẹ ôm ngồi phía sau tủ kính, chỗ ô đất rộng chừng 1m2. Ba mẹ con cười khanh khách vui vẻ lắm, bố T. đứng bán hàng, thỉnh thoảng quay lại nhìn vợ con đầy mãn nguyện. Con gái nhìn thấy bạn reo lên, mình đậu xe xin mẹ T. cho mấy đứa dắt nhau sang chơi bên công viên nhỏ đối diện.

Ngồi nhìn bọn nhóc chạy dưới gốc cây như bầy chó con, mẹ T. nhỏ nhẹ kể: “Nhà em cách Hà Nội hơn 30km, tận đường đi chùa Hương. Gia đình thuần nông. Để có tiền nuôi con, cả hai vợ chồng phải bươn ra Hà Nội kiếm sống. Ngày trước T. ở nhà lủi thủi chơi một mình, vì ông bà già yếu. Có lẽ vì thế nên bốn tuổi T. mới biết nói. Em thương con thiệt thòi nên cố gắng bù đắp. Em của T. cũng học trường mầm non song ngữ, tiền học của cả hai anh em mỗi tháng tròm trèm 20 triệu. Vợ chồng làm cật lực, chi tiêu tằn tiện chỉ đủ cho con ăn học. Em động viên chồng chỉ có học hành mới cho con mình cuộc đời khác sáng sủa, không phải cắm mặt tối ngày như bố mẹ…”.

Như mẹ T. kể, hàng ngày hai vợ chồng cô thức dậy từ 2g sáng để làm hàng. Anh em T. bị lôi dậy lúc 5g để cả nhà vào Hà Nội. “Chúng nó ngủ trên đường, đến chợ em trải tấm chiếu cho các con nằm ngủ tiếp, 7g em đánh thức con để bố đưa đến trường. Chiều về, chúng quanh quẩn chơi với nhau đợi bố mẹ, cả nhà ăn tối tại chợ, chỉ là cơm bụi, quà bánh vớ vẩn. Thôi thì cả nhà còn được ở cạnh nhau, bố mẹ nhìn thấy mà nắn bảo con, rảnh tay được ôm con và chơi với nó, còn hơn để con lủi thủi làm bạn với ti vi ở nhà…”.

Nghĩ đến những ngày đông rét mướt, hai đứa bé gật gà ngủ trên chặng đường 30km lúc trời vừa tảng sáng; người bố đấu đường điện từ trường học cạnh đấy để cắm cho con cái quạt mát ngày hè; người mẹ vừa bán hàng vừa kèm con học chữ dưới ánh đèn leo lét buổi tối nơi góc chợ… tự dưng thấy mình thật bé nhỏ trước tình yêu thương và nghị lực của gia đình bốn người ấy. Hai đứa trẻ ngoan ngoãn, sạch sẽ lớn lên từ chợ, vui vẻ và không chút mặc cảm giữa bạn bè. Chúng còn đủ đầy và hạnh phúc hơn bao đứa trẻ bị bỏ rơi cho người giúp việc và iPad trong những gia đình giàu có.

Bữa tối ở nhà mình hôm ấy là món chả thì là và giò bò, mình cho con gái biết đó là “món mẹ bạn T. làm”. Hôm sau, đi học về con kể ngay: “Con nói với T. là món của nhà cậu tuyệt ngon. Bạn T. vui lắm, bạn bảo mẹ bạn cho gia vị yêu thương vào giò chả nên mới ngon như vậy!”. Mình cứ đinh ninh, “gia vị yêu thương” ấy chính là tài sản của anh em T. Lớn khôn từ tình yêu và gắng gỏi - hai cậu bé sẽ có muôn vàn niềm vui khi thưởng thức cuộc đời, theo “khẩu vị” riêng của sự tử tế và lòng kiêu hãnh...

QUỲNH HƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI