Gia vị xay sẵn cũng bị "tắm trắng"

08/08/2016 - 12:31

PNO - Ngoài củ măng, hoa chuối, ngó sen... ít người biết rằng sả, riềng, tỏi, hành... xay sẵn cũng đang bị "tắm trắng" vô tội vạ.

Phải ngâm trắng mới bán được

Đang bằm tỏi để làm kim chi, chị Như (Q.Tân Bình, TP.HCM) có việc đột xuất phải đi, hai tiếng sau quay về, giật mình thấy tỏi chuyển sang màu thâm đen, không trắng tinh như tỏi xay sẵn mua ngoài chợ. Chia sẻ của chị Như trên mạng xã hội nhận nhiều phản hồi, bình luận. Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên vì lâu nay mua tỏi xay sẵn ở chợ về cho tiện. Chị Đào (H.Hóc Môn) cho biết: “Hôm rồi mua 2.000đ sả xay sẵn, dùng không hết để lại đến cuối tuần thấy vẫn xanh tươi, không hề bị đen, hôi”. Một số bà nội trợ khẳng định, không chỉ tỏi mà gừng, riềng, hành, sả… xay sẵn đều bị “tắm trắng”.

Chị T., tiểu thương chợ Thái Bình, Q.1 thừa nhận, gia vị xay sẵn phải “tắm trắng” thì mới bán được. Để cây gia vị không bị thâm đen sau khi khách mua đem về, chị ngâm chúng với phèn chua. “Phèn chua không độc, chỉ giữ được độ trắng vài giờ. Nếu các loại cây gia vị xay sẵn giữ độ trắng từ một đến vài ngày, chắc chắn người ta ngâm chất tẩy trắng”, chị T. khẳng định.

Các loại hành, tỏi, củ kiệu, củ năng, củ gừng được lột, chế biến tại khu vực chuyên làm nghề này ở P.3, Q.6, TP.HCM, đều được ngâm trong dung dịch để có màu trắng bắt mắt. Các loại rau, củ được ngâm trong thùng phuy cáu bẩn, bám đầy bụi trắng. Củ năng, tỏi, kiệu, gừng được ngâm trong dung dịch màu trắng, riêng củ hành được ngâm trong loại nước có màu tím nhạt. Chủ cơ sở cho biết, loại nước và bột màu trắng là bột vôi, ngâm cho củ trong hơn, còn thùng nước màu tím là do hành lột không kỹ, vỏ hành ra nước nên có màu tím (!). Không chỉ ngâm chất tẩy sau khi thành phẩm, trong quá trình lột, để các loại hành, tỏi bung vỏ nhanh, chủ cơ sở còn ngâm chúng với muối diêm.

Nhiều người trong hơn chục hộ làm nghề lột tỏi tại một con hẻm trên đường Tôn Đản, Q.4, TP.HCM xá c nhận, muốn tỏi bung vỏ, trắng, đẹp thì phải ngâm với muối diêm. Củ kiệu, tỏi, gừng “tắm trắng” nguyên củ khi được dùng làm các món ngâm giấm, ngâm muối, còn nếu bán dạng bột thì xay sản phẩm xong họ mới tẩm bột tẩy trắng. “Ngâm thì củ chỉ trắng bên ngoài, không trắng bên trong, khi xay nhựa trong tỏi, gừng, riềng, sả sẽ tiết ra làm thành phẩm bị đen. Uớp bột tẩy trắng sau khi xay vừa trắng, vừa giữ được hương thơm. Nếu bán qua ngày hôm sau thì ướp thêm lần nữa, tùy lượng” - chị T., tiểu thương chợ Thái Bình, Q.1 nói.

Gia vi xay san cung bi
Củ năng, tỏi, hành, kiệu, gừng… được ngâm đầy trong các thùng phuy cáu bẩn, dính đầy bột trắng

Hóa chất cấm hay cho dùng gây độc

Chất tẩy trắng được mua dễ dàng tại chợ Kim Biên (Q.5), cửa hàng hóa chất trên đường Hồng Bàng (Q.6), các chợ online, riêng phẩm màu thì chợ nào cũng có. Chất tẩy trắng có rất nhiều loại, phổ biến là chất làm trắng có nguồn gốc từ họ sulfit như SO2 , natri sulfit (Na2 SO3 ), natri bisulfit (NaHSO3 ). Được dùng nhiều là hydro sulfit (Na2 S2 O5 ), tiếp đến là javen (NaClo), axít oxalic (H2 C2 O4 ), nước ôxy già (H2 O2 ), tinopal…

Hydro sulfit bị cấm hoàn toàn vì hoạt tính tẩy rửa cao và độc hại của nó. Tinopal cũng không có trong danh mục phụ gia hóa chất được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm do Bộ Y tế ban hành. BS Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm cho biết, sử dụng tinopal để tẩy trắng rau củ rất nguy hại vì chúng chứa nhiều kim loại nặng. Nếu sử dụng lâu dài, các tồn dư kim loại nặng sẽ tích tụ trên cơ thể ảnh hưởng lên gan, thận, thần kinh, gây ra các bệnh mạn tính khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải.

Trong khi đó, các chất tẩy trắng như axít oxalic, nước javen, natri sulfit… được cho phép nhưng chỉ với liều lượng nhất định, và phải là loại tinh khiết. Khi sử dụng quá dư lượng sẽ gây nôn ói, chóng mặt, tiêu chảy. Nếu sử dụng thường xuyên, các độc tố sẽ tích tụ tiềm ẩn khả năng gây ung thư. ThS Trần Trọng Vũ - giảng viên Đại học Công nghệ Sài Gòn, cho rằng điều đáng lo ngại là không ít người bán vì thiếu hiểu biết, làm theo kinh nghiệm, truyền tai nhau, hoặc vì lợi nhuận đã dùng chất tẩy trắng công nghiệp (thường dùng tẩy trắng vải, len, xử lý mủ cao su, thuộc da…) để tẩy trắng rau củ, dừa tươi…

Tại các chợ đầu mối, việc kiểm tra hóa chất trong hàng hóa được thực hiện hằng đêm. Tuy nhiên, nếu phát hiện thực phẩm có hóa chất, ban quản lý chợ chỉ khuyến cáo chủ sạp hạn chế chứ không thể xử phạt vì không có thẩm quyền.

Trong nhiều cuộc họp về vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng thừa nhận do có quá nhiều nhóm hóa chất trong khi vẫn chưa thiết lập được danh mục cảnh báo nên khi kiểm tra rất lúng túng. Không biết đến bao giờ việc sử dụng chất tẩy trắng trong thực phẩm được siết chặt?

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI