Gia vị của tình yêu

24/02/2025 - 15:01

PNO - Mâu thuẫn ngầm đó kéo dài tưởng không có lối thoát thì một ngày cô bàn với chồng: phải vào bếp cùng mẹ.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Mới 2g chiều đã có tiếng chày giã lộp cộp trong bếp. Đó là bà Hà - mẹ chồng cô - đang cẩn thận bỏ từng lát thịt sườn cốt-lết vào cối dần cho bớt cứng trước khi nấu bữa chiều. Nửa năm nay, bà Hà đổi thực đơn: chỉ ăn thịt nạc, bởi bác sĩ cảnh báo nguy cơ mỡ trong máu, gan nhiễm mỡ của người già.

Bà thực hành nghiêm cẩn, thậm chí quá mức so với cảnh báo của bác sĩ khi không chịu ăn tí mỡ nào, khiến thực đơn bữa cơm gia đình trở nên vô cùng đơn điệu. Thịt nạc trở thành nỗi ám ảnh của vợ chồng cô mà cô không biết làm sao.

Thương con trai, con dâu đi làm vất vả, bà Hà từ quê lên sống chung với con để phụ chăm cháu. Bà còn nhanh nhẹn và minh mẫn, tính lại không thích ngồi không nên cô đưa tiền nhờ mẹ chồng đi chợ, nấu ăn. Tháng nào con dâu cũng đưa tiền dư dả để mẹ chồng mua sắm thoải mái, ngoài thức ăn còn có thể mua quà bánh cho các cháu.

Thời gian đầu, mọi chuyện khá ổn. Nhưng càng ngày, khi khẩu vị và thói quen mua thực phẩm của bà thay đổi theo nỗi lo lắng về sức khỏe thì những bữa ăn trở thành nguồn cơn của mối bất hòa ngấm ngầm trong nhà.

Chỉ cần nghe trên ti vi hay đọc báo thấy cảnh báo loại thực phẩm nào không tốt cho sức khỏe là món ăn đó biến mất khỏi tủ lạnh và không bao giờ xuất hiện trong thực đơn nữa. Trước đây, bà Hà muối dưa rất ngon. Mỗi lần bà muối dưa, cả nhà tấm tắc khen. Vậy mà bà sẵn sàng từ bỏ món ruột khi nghe cảnh báo thực phẩm lên men có thể gây ung thư. Riết rồi bữa cơm nhà chỉ còn thịt sườn cốt-lết, thịt thăn kho mặn, trứng luộc, cá kho, cơm nấu nhão cho dễ tiêu, rau củ luộc hoặc nấu canh thật nhạt. Các món chiên, xào hầu như vắng bóng…

2 đứa cháu chê bà nội nấu cơm dở, đòi mẹ chở đi ăn gà rán. Con dâu chiều con thì bị mẹ chồng giận, nói coi thường công sức của bà, cho con ăn bậy ngoài đường riết bệnh. Trẻ con không hiểu chuyện đã vậy, nên vợ chồng cô ngày nào cũng phải ráng ăn hết “bữa cơm dinh dưỡng, sạch lành” của mẹ cho mẹ vui, dù trong lòng ngao ngán.

Nhiều lần, vợ chồng cô nói xa nói gần, hy vọng bà thay đổi, nhưng không có kết quả. Mâu thuẫn ngầm đó kéo dài tưởng không có lối thoát thì một ngày cô bàn với chồng: phải vào bếp cùng mẹ. Vợ chồng phân công thay phiên nhau sắp xếp công việc để ít nhất trong tuần phải có 3-4 ngày về sớm cùng mẹ làm cơm. Ban đầu, để mẹ dễ chấp nhận, anh con trai phải ra tay trước. Anh để yên cho mẹ nấu các món bà thích, rồi anh cũng trổ tài nấu 1-2 món trong mỗi bữa ăn để làm phong phú thực đơn.

Nể con trai, bà cũng vui vẻ nếm thử món con làm. Tối tối, anh lại gửi cho mẹ những clip tư vấn của bác sĩ theo hướng ăn uống phải cân bằng, phong phú nhiều loại thực phẩm… để bà yên tâm.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Con trai được mẹ chấp nhận rồi, đến phiên con dâu nhập cuộc. Cô xin mẹ cho chế biến các loại thực phẩm an toàn mà bà thích: thịt nạc, cô không chỉ kho mặn mà lên mạng tìm công thức chế biến phong phú như băm ra trộn mộc nhĩ, trứng, miến… làm chả ram, rồi phết ít dầu bên ngoài, làm chín bằng nồi chiên không dầu hoặc vo viên thả vào canh cho ngọt nước. Rau, cô không chỉ luộc mà hấp, trộn dầu giấm, dầu mè, làm salad… Các món canh cũng được nấu theo nhiều cách. Ban đầu, bà Hà không vui lắm, nhưng sau thấy con cháu ăn ngon miệng, vui khỏe thì bà cũng không còn cứng nhắc nữa.

Mới đây, bà Hà bị té, sức khỏe giảm dần, cái lưng đau, cái chân yếu nên không thể đảm đương việc chợ búa, cơm nước như trước nữa. Bà thầm kêu khổ, nghĩ bụng chắc từ nay các con sẽ ép bà ăn theo ý chúng. Nhưng không, mỗi bữa cơm, dù là con trai hay con dâu nấu, vẫn xuất hiện các món bà thích, chỉ là chế biến công phu hơn để cả nhà cùng thấy ngon miệng.

Bà nhận ra lâu nay bà đã sai khi ép con theo ý mình. Bà thầm cảm ơn các con đã tôn trọng và yêu thương mẹ bằng tình thương thật tinh tế, để những bữa cơm nhà luôn ấm cúng, tròn vị nhờ được “nêm nếm” bằng gia vị của tình yêu.

Thu Cúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI