Gia vị của cuộc đời

29/01/2019 - 06:00

PNO - Buồn là “gia vị” cuộc đời mà. Không ai chống lại được nó. Mà mắc mớ gì phải chống, chung sống thôi.

Đôi khi ta giật mình nghĩ về những thứ ta chất trên chuyến xe đời. 

Còn em, em gái, có khi nào em nghĩ về thứ vô hình, hư ảo này chưa? Em lao vun vút trên xa lộ cơm áo giữa thời buổi cực nhọc mới tạo ra được miếng ăn và tồn tại nên em quên cũng phải. Và vì em còn quá trẻ, mà trẻ thì người ta thường chưa cần nhìn lại, ngoái đầu: “Lúc môi còn đong đỏ/ Chưa biết sầu biệt ly”.

Gia vi cua cuoc doi
Ảnh minh họa

1.
Cái nghèo khó trên quê xứ núi cao đã khiến em ra đi, tìm cơ hội ở không gian sống khác kỳ vọng đủ đầy, tiện lợi, thụ hưởng, thăng tiến và được tôn trọng. Thế mà bỗng một ngày em bảo, thì ra giàu sang cũng chỉ là cái sọt rác, và: em đã biết buồn…

Là lúc em bày tỏ rằng khi đứng dưới một bóng cây cổ thụ ven đường thấy mát mẻ và nhìn lên sự sần sùi bạc phếch của thân nó, lòng mang mang nguồn cội. Tiếng chim kêu trên cao, đâu đó nơi những tán lá, làm cho em thấy sự hoang vu là cái gì đó dễ chịu, dù một bóng cây chỉ là mảnh hoang vu vật vờ. Là khi em nhớ về trường xưa, xóm cũ, cái chợ bần hàn không bao giờ có đồ xa xỉ. Là chỗ em trao nụ hôn đầu tiên cho tay trai khờ khạo nào đó. Là khi em nhớ về thung lũng ruộng nước gầy gò và cái rẫy xa ngợp mưa, chói nắng, phủ đầy bụi đỏ. Là khi em nhớ cây cầu bằng nguyên một thân cây gác qua hai bờ suối em hay đi về trên đó, dù nay đã được xây bằng bê tông.

Là quán cóc mà hình dạng như chưa thành cái quán ở khúc quanh của con đường núi, nơi có cây Kơnia cuối cùng sót lại. Là cái đám sình lạc loài đầy bèo ở ngoại ô thị trấn. Là căn nhà hoang bỏ phế nhiều năm và hoa cỏ tràn đầy khi xứ sở vào độ giao mùa. Là khi em nằm trong bệnh viện mà lòng vẫn dõi về những mỏm đất mà em đoán giờ chắc đang vàng rực sắc bông quỳ dại. Là hồ nước tự nhiên bao đời của làng mà mùa nắng bông súng lên khoe sắc tím biếc, ai cũng có thể xuống đấy hái đôi bông về ăn. Là anh chàng trí thức lạc thời thất vận hằng ngày lặng thinh đi qua các ngả đường quê núi mình mà không ai biết anh ta đang nghĩ gì. Là bà già bị lũ con bỏ bê hằng ngày đi nhặt ve chai kiếm sống ở xứ nghèo đến nỗi ve chai vốn dĩ cũng khan hiếm. Là hình ảnh dăm ba người phụ nữ sơn cước lúc nào cũng chiếc gùi trên lưng nhìn vào thấy nặng cả một kiếp người. 

Gia vi cua cuoc doi
Ảnh minh họa

Và khắc đậm đặc nhất cõi lòng em là cái cây Ana Truol cổ thụ bị dân nhập cư rọc sạch cành còn trơ trọi một mình trên ngọn đồi như ngón tay người bên dòng Krông Nô chỗ có hai ba ngọn núi trắng phau bỗng nhiên tách rời những dãy núi liền lạc… Không có sự trao đổi chất với sự nghèo sao nhìn ra chân lý đời. Hơi thở của cái nghèo là hơi thở của tự nhiên, sự thật, chân lý, bởi nó không mù mờ như trạng thái giả hình của son phấn phù hoa. Không yêu thương kẻ cần lao sao hiểu được con người. Không chịu được nỗi buồn sao hiểu được bản thân mình, phải không em? 

Những thứ đó làm ta mềm lòng.

2.
Em về cõi luôn tràn niềm vui nhưng vẫn lênh đênh trong nỗi buồn cố xứ.

Ký ức có cái mượt mà, có cái nham nhở, vật vờ. Mà sao ta nhớ nhiều hơn những hình ảnh liên quan đến cái nghèo em nhỉ. Cái nghèo đi cùng với vẻ buồn bã. 

Không biết có phải cái buồn dễ làm ta đong đưa, cảm thấy hệ lụy, cảm giác được về sự yếu đuối của con người. Khoảnh khắc chiến thắng thì bay lên, khoảnh khắc thất bại thì cô lại. Khi chúng ta lạc trôi đầm đìa trong thành tựu, tự đại, hiếu thắng và niềm vui thì ta coi cái nghèo và nỗi buồn là ngoại cuộc, cỏ rác, mà không nhận ra đây chính là thứ hư ảo. Buồn mà có khi còn là “ảo”, huống chi hân hoan. Cái vui nhạt mau, cái buồn thì đeo đuổi. Chắc bởi nó khiến ta vận động toàn thân, đủ đau. Như những năm cà phê được mùa thì ta ít nhớ, mà mất mùa thì nhớ mãi. Như cảm giác của con người về buổi sáng với buổi chiều. Như tuổi xuân xanh với tuổi úa già. 

Tuổi xanh là đầu bữa tiệc đời, và tuổi già là cuối bữa tiệc ấy, với ngổn ngang chén bát, nồi niêu và cảm trạng dọn dẹp. Rõ là cái buồn làm ta nhìn xuống, thấu đáo bên trong. Buồn để thấy được mình. Thế chẳng lẽ anh bảo: cái buồn là một vẻ đẹp. Đẹp gì mà tàn khốc! Đẹp gì mà phải đánh đổi lớn quá! Chẳng ai muốn nghèo mà nó cứ đến. Chẳng ai muốn buồn mà nó cứ đeo mang. Cũng chẳng ai muốn thưởng thức sự xa hoa của cảm xúc này. 

Gia vi cua cuoc doi
Ảnh minh họa

3.
Nhớ lại lần nữa, là giống loài ta chỉ yếu mềm khi buồn. Là như khi em khóc. Em khóc cho những cuộc tình tan vỡ chứ em nào khóc cho những cuộc tình viên mãn. Em sẽ đau cho “rã chiếu cạp điều, mưa gió trên vùng đất quạnh hiu”. Em từng khóc dầm dề chăn chiếu, nước không kịp về trên tuyến lệ. Em nhớ từng chi tiết ai, cái gì làm em đau. Cái nghèo, cái buồn ấy đã khiến em phải rời bỏ không gian máu thịt để nương náu tận Sài Gòn này. Thế mà em vẫn quay quắt vọng thương quê nhà, nâng niu từng nỗi niềm vụn trong đống ký ức xanh xao, mà không còn chỉ nâng niu cái ê ẩm riêng tư nữa và mỗi ngày em càng yêu hơn. 

Buồn là “gia vị” cuộc đời mà. Không ai chống lại được nó. Mà mắc mớ gì phải chống, chung sống thôi. Nó là nghiệp chúng ta đơm vào, là món nợ của trái tim và cái đầu loài giống con người, so với giống loài khác; là báu vật chúng ta trải nghiệm về ý nghĩa sống. Nó là vật phẩm ký gửi của cuộc đời vào ngân hàng cuộc sống. Nó là động lực. Nó là cái đền thiêng. Nó là nguồn cội, ký ức, mọi sự khởi đầu, đó em.

Thật bất hạnh cho ai quá buồn. Lại còn bất hạnh hơn cho ai chưa được biết đến nghèo và buồn. Mà chưa chắc chỉ con người đâu, cọp chết ba năm còn quay đầu về núi; con voi khi bệnh tật còn thường tìm quay về cánh rừng cũ để dưỡng thương hoặc chết trong hạnh phúc. Ngay cả con cá hồi còn miệt mài bơi ngược dòng hành trình về thượng nguồn để đẻ xong rồi kết thúc sự hiện hữu. Đây đó những quân vương khi giã từ cõi trần chẳng chọn bản quán để nương náu, gửi thân xác cùng linh hồn đó sao. Trí cao, lòng rộng, danh cả ngất trời Đông Tây như Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn muốn trở về tổ đình, nơi khởi đầu buổi xuất gia để viên tịch, giải thoát, tìm về nẻo ý, chánh giác nữa là.

Nơi bệ thờ cho một lần làm người duy nhất ở đáy lòng, ta thấy những sức mạnh siêu hạng của sự mong manh, vô hình.

Trên dương gian có ai đang đi mót nỗi buồn không?

Thân thể em rồi cũng tan đi nhưng lòng sẽ hồi quy. Nơi an trú được nỗi buồn mới là nơi đọng lại. Em đã khâm liệm xong nỗi buồn và đang làm thăng hoa nó như bảo vật. Nếu bảo làm bừng sáng được nỗi đau là con người ta đã trưởng thành thì em đã đến độ dư thừa. Thì cứ thế, em nhé, mình đang bắt đầu có lãi ròng rồi đó.

 Nguyễn Hàng Tình
 
(*) Lời nhạc Ngô Thụy Miên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI