Giá vé xem K-pop tăng chóng mặt: Lợi bất cập hại?

26/05/2023 - 12:48

PNO - Trong vài năm, giá vé xem các buổi biểu diễn của các nghệ sĩ Hàn Quốc tăng vụt. Chưa kể, một số vấn đề khác xảy ra xoay quanh chiếc vé.

Buổi biểu diễn của nhóm BlackPink tại Singapore vào tháng 5 này
Buổi biểu diễn của nhóm BlackPink tại Singapore vào tháng Năm này

Sau đại dịch, việc xem, nghe các buổi biểu diễn trực tiếp phát triển sôi động. Tuy nhiên, giá vé cao hơn và có những vấn đề không mong đợi khiến người hâm mộ không thể sở hữu được vé.

Giá vé tăng mạnh

Đầu tháng Năm, MRG Online của Thái Lan đưa tin giá trung bình của vé xem hòa nhạc K-pop được bán tại địa phương vào năm 2022 là khoảng 5.270 baht (khoảng 3,6 triệu đồng), tăng gần 18% so với mức giá trung bình 4.470 baht (hơn 3 triệu đồng) vào năm 2019 trước đại dịch và tăng lên 60% so với năm 2013. Trong đó, có buổi biểu diễn của nhóm nhạc Stray Kids vào tháng 2/2023, với giá vé cao nhất là 8.500 bath (khoảng 5,8 triệu đồng), được khán giả cho là quá đắt. 

Người hâm mộ Thái Lan đã đưa vấn đề này lên Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết không thể tác động được yếu tố này vì giá vé phụ thuộc vào sự đồng thuận giữa người bán và người mua. 

Vấn đề giá vé tăng cũng gây xôn xao tại Hàn Quốc. Buổi biểu diễn của nhóm Tomorrow X Together được tổ chức tại KSPO Dome (Seoul) vào tháng Ba vừa qua có giá vé là là 154.000 won (khoảng 2,75 triệu đồng) cho ghế thường và 198.000 won (khoảng 3,53 triệu đồng) cho ghế VIP. Trong khi đó, giá vé năm trước trong show của nhóm này tại Seoul chỉ 132.000 won (khoảng 2,36 triệu đồng). 

Có 21.000 khán giả tham dự show diễn của Tomorrow X Together tại KSPO Dome vào tháng 3 vừa qua
Có 21.000 khán giả tham dự show diễn của Tomorrow X Together tại KSPO Dome vào tháng Ba vừa qua

Năm ngoái, giá vé xem show của nhóm BlackPink tại Hàn Quốc là từ 154.000 won (khoảng 2,75 triệu đồng) đến 264.000 won (khoảng 4,71 triệu đồng). Trong khi đó vào năm 2018, với show tổ chức tại cùng địa điểm này, giá vé là 110.000 won (khoảng 1,96 triệu đồng).

Người hâm mộ cho rằng các hãng thu âm, công ty quản lý, tổ chức show đang lợi dụng sự ủng hộ của họ dành cho nghệ sĩ. Tuy nhiên, mua được vé chỉ là bước đầu tiên. Thường để ủng hộ thần tượng, người hâm mộ phải mua thêm lightstick (đèn, gậy phát sáng) với số tiền cộng thêm khoảng 20.000 đến 50.000 won (khoảng 357 ngàn đồng đến 892 ngàn đồng). Lightstick thường sẽ được các công ty quản lý nâng cấp phiên bản. Vì thế, nếu sử dụng mẫu cũ, người hâm mộ dễ bị lạc lõng trong đám đông. Điều này càng tăng thêm gánh nặng với họ.

Lighstick - một trong những vật dụng không thể thiếu khi người hâm mộ đi xem show diễn của các thần tượng Hàn Quốc
Lighstick - một trong những vật dụng không thể thiếu khi người hâm mộ đi xem show diễn của các thần tượng Hàn Quốc

Phe vé

Bên cạnh giá vé tăng cao, người hâm mộ cũng dễ trở thành con mồi cho phe vé. Theo quan sát thực tế, sự phát triển của lực lượng này ngày càng lớn về quy mô, số lượng. Đài Loan (Trung Quốc) gần đây đã thông qua luật để xử phạt những kẻ, nhóm đầu cơ vé. Việc sửa đổi Đạo luật Phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo của Đài Loan được đưa ra, sau khi vé cho buổi hòa nhạc tại Cao Hùng của BlackPink tăng tới 400.000 Đài tệ (khoảng 305 triệu đồng), gần gấp 45 lần giá ban đầu vào tháng 3/2023.

Bất kỳ ai vi phạm sẽ bị phạt tiền tối đa 50 lần phí mua vé ban đầu, phạt tù dưới 3 năm. Phạt 3 triệu Đài tệ (khoảng 2,3 tỉ đồng) cho những trường hợp bị bắt quả tang "giật vé" bất hợp pháp thông qua các chương trình tự động. 

Ca sĩ IU là một trong số ít đã tiên phong để giảm thiểu tình trạng này. Trong buổi biểu diễn vào tháng Chín năm ngoái tại Seoul, công ty quản lý của nữ ca sĩ đã hạn chế các giao dịch bên trên nền tảng bán vé chính thức. BTC tặng vé, tặng quà cho những ai báo cáo về thực trạng này. Những trường hợp vi phạm sẽ bị cho vào danh sách đen và loại khỏi các buổi biểu diễn trong tương lai. 

Giá vé xem show BlackPink tại Cao Hùng từng tăng dến 45 lần
Giá vé xem show BlackPink tại Cao Hùng từng tăng đến 45 lần

Định giá vé linh hoạt (định giá động)

Đây cũng là vấn đề gây xôn xao trong cộng đồng người hâm mộ K-pop. Theo cơ chế này, giá vé sẽ dao động dựa trên nhu cầu. Ticketmaster (đơn vị phân phối vé lớn hàng đầu thế giới có trụ sở tại Mỹ) đã áp dụng phương thức này. Một số công ty ở các địa phương cũng tính đến sử dụng cách tương tự. Hype, công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc cũng áp dụng phương thức này, gần nhất là cho show diễn của Suga (thành viên nhóm BTS) tại Mỹ vào đầu tháng Năm. 

Một người hâm mộ đăng trên Twitter cho biết cô ấy đã trả 867 USD (hơn 20 triệu đồng) cho một vé, cao hơn gấp đôi giá mở cửa là 350 USD (khoảng 8,23 triệu đồng), trong khi một người khác tuyên bố đã thấy giá tăng lên gần 1.000 USD (khoảng 23 triệu đồng).

Các nhà phê bình văn hóa cho rằng các công ty giải trí nên thận trọng hơn trong việc áp dụng hệ thống này. Nhà phê bình nhạc pop Hàn Quốc Kim Heon-sik nói với The Korea Herald việc này như trò chơi "lùa gà". “Người hâm mộ phải trả tiền mù quáng để mua vé và khi làm như vậy, họ cạnh tranh với nhau. Hệ thống này buộc họ phải quay lưng lại với những người hâm mộ khác, và cuối cùng là quay lưng lại với nghệ sĩ” - ông Kim nói, đồng thời nhấn mạnh rằng phải có một mức trần hợp lý để hạn chế tăng giá đột biến.

Việc định giá động cho vé xem show của các nghệ sĩ K-pop cũng dấy lên nhiều lo ngại
Việc định giá động cho vé xem show của các nghệ sĩ K-pop cũng dấy lên nhiều lo ngại

Thực tế việc này cũng gây ra phản ứng tiêu cực trong người hâm mộ. Theo dữ liệu từ Tour Data, Suga là rapper đầu tiên kiếm được 3 triệu USD (khoảng hơn 70,5 tỉ đồng) trong một buổi biểu diễn tại Mỹ. Một người hâm mộ cho biết "ngại" khi nghe thành tích này của Suga. "Vì điều này đã đạt được thông qua định giá động. Tôi không nghi ngờ gì khi Suga đạt được điều này mà không cần luyện tập. Thật buồn khi nhiều người hâm mộ có khả năng mắc nợ để chi trả cho việc này" - cô viết. 

"Trong K-pop, khi một công ty bắt đầu điều gì đó mới, những công ty còn lại sẽ có xu hướng làm theo. Vì vậy, có khả năng định giá động sẽ trở nên phổ biến hơn. Tôi lo lắng rằng nó sẽ gây hại cho ngành công nghiệp giải trí" - ông Jung Min-jae (nhà phê bình nhạc Pop ở Seoul) cho biết, trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Theo ông, các công ty nên tính đến lợi ích tốt đẹp lâu dài cho nghệ sĩ.

Trung Sơn (theo The Straitstimes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI