Giá vật liệu xây dựng “nhảy múa” từng ngày

14/05/2021 - 07:25

PNO - Giá thép, sắt hộp, tôn, cát... đồng loạt tăng 40 - 50%, có loại tăng giá từng ngày, gây khó khăn lớn cho các nhà thầu, người có nhu cầu xây, sửa nhà.

Giá biến động mạnh

Anh Trần Hoàng - một nhà thầu thường xuyên nhận xây công trình tại TPHCM và tỉnh Kiên Giang - cho biết giá sắt thép hiện tăng 40 - 50%  so với năm ngoái và đà tăng vẫn chưa dừng lại. Mỗi ngày, cửa hàng bán vật liệu xây dựng (VLXD) lại báo giá mới. Cụ thể, giá thép hiệu Miền Nam, Việt Nhật tăng từ 15.500-16.500 đồng/kg lên 21.000-22.000 đồng/kg. Giá tôn 4 zem (dày 0,4mm) từ 115.000 đồng lên 195.000 đồng/kg, giá sắt hộp tăng thêm 30.000 đồng/kg… 

Tại tỉnh Kiên Giang, giá cát tăng gần 50%; chẳng hạn như cát bê tông từ 280.000-300.000 
đồng/m3 tăng lên 420.000 đồng/m3; cát xây tô từ 220.000 đồng lên 300.000 đồng/m3

Giá thép xây dựng đang tăng đột biến, bất thường, ảnh hưởng xấu đến tốc độ tăng trưởng kinh tế - Ảnh: N.Cẩm
Giá thép xây dựng đang tăng đột biến, bất thường, ảnh hưởng xấu đến tốc độ tăng trưởng kinh tế - Ảnh: N.Cẩm

“Cứ 2-3 ngày, giá VLXD lại tăng thêm 300-500 đồng/kg. Các cửa hàng VLXD bán giá theo thời điểm chốt đơn, nên khi nào nhận làm công trình bao vật tư, tôi mới mua VLXD. Nếu bao vật tư mà không đặt mua VLXD từ trước thì nhà thầu sẽ bị lỗ. Thông thường, nhà thầu sẽ tính công trình cần bao nhiêu tấn thép rồi đặt mua trước 70% lượng thép vì khi ký hợp đồng với chủ nhà rồi thì không điều chỉnh giá được nữa” - anh Hoàng cho biết. 

Giá VLXD tăng quá mạnh khiến các nhà thầu chỉ dám nhận làm công chứ không bao vật tư. Theo khảo sát của chúng tôi, giá VLXD tăng đã đẩy chi phí xây dựng công trình tăng khoảng 400.000 - 600.000 đồng/m2. Một số cửa hàng chuyên doanh VLXD tại TPHCM hiện không công khai giá bán trên website như trước nữa. Nhân viên cửa hàng VLXD Huy Tấn Phát (đường Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TPHCM) cho biết, giá VLXD thay đổi từng ngày nên công ty không niêm yết giá bán, khách cần mua mặt hàng nào thì nhân viên sẽ báo giá mặt hàng đó. 

Cơ quan quản lý cần vào cuộc

Trước tình hình này, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ. Theo VACC, giá thép xây dựng đã tăng 40% so với năm ngoái, các nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ phá sản. 

Tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - phân tích giá thép tăng đột biến do nhu cầu tăng nhưng nguồn cung không đáp ứng đủ, Trung Quốc hạn chế sản xuất do ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nguyên liệu khai thác phôi thép đầu vào cũng tăng giá. Việc tăng giá thép là do nguyên nhân khách quan, nhưng đợt tăng giá này quá cao, đột biến, bất thường.

“Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cần thể hiện vai trò, trách nhiệm trước sự biến động giá bất thường này. Cơ quan chức năng phải vào cuộc, tìm nguyên nhân cụ thể, từ đó có giải pháp cụ thể chứ không thể nói chung chung là do giá thép thế giới tăng.... Việc giá thép tăng tác động rất lớn, kéo theo giá VLXD nói chung tăng. Giá thép tăng tác động xấu đến nhà thầu, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng, mà tốc độ tăng trưởng xây dựng chiếm 10% GDP. Không chỉ tư nhân, Nhà nước cũng đang đầu tư rất lớn, đòi hỏi lượng sắt thép, VLXD lớn. Nhưng các cơ quan hữu trách chưa thể hiện rõ trách nhiệm, vai trò của mình trong việc giá thép tăng bất thường” - tiến sĩ Long nhận định.

Theo tiến sĩ Long, khi VACC phản ánh “có hiện tượng các nhà sản xuất thép bắt tay, liên kết nhau tăng giá” thì Bộ Công Thương khẳng định “chưa có bằng chứng cho thấy việc bắt tay, liên kết nhau tăng giá”. Nhận định này là chưa thuyết phục, chưa có lý giải cụ thể. Không phải các đơn vị cứ ngồi họp bàn với nhau mới là liên kết, mà chỉ cần một “ông lớn” chiếm thị phần tương đối lớn tăng giá thì lập tức mấy đơn vị nhỏ tăng theo. Đây là bài học kinh nghiệm, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải phân tích tình trạng này tác động tới lạm phát như thế nào và phải có biện pháp phù hợp. 

Mới đây, Bộ Xây dựng có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá thép, có giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc tăng giá thép và hiện tượng đầu cơ, thổi giá... Tiến sĩ Long cho rằng, động thái này quá chậm và mang tính chung chung. Theo ông, căn bản là phải tìm ra nguyên nhân giá thép tăng và phải có giải pháp cụ thể, mới thể hiện được vai trò của cơ quan nhà nước. 

Ông nói: “Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Bộ Xây dựng đều phải có trách nhiệm ngồi lại với nhau để tìm ra nguyên nhân, giải pháp cụ thể chứ một bộ, ngành không thể giải quyết được. Phải tìm ra nguyên nhân cụ thể, sau đó có giải pháp phù hợp, vì hệ lụy từ việc giá thép tăng đột biến là rất lớn”. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI