Giá vàng tăng, lãi tiết kiệm giảm… đổ tiền vào đâu?

25/10/2023 - 12:01

PNO - Các chuyên gia tài chính nhận định, trong ngắn hạn, dòng tiền sẽ chảy vào các kênh tiết kiệm, chứng khoán, về dài hạn sẽ tiếp tục chảy vào bất động sản.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn thị trường tài chính Đại học Kinh tế TPHCM - nhận định: trong ngắn hạn từ đây đến cuối năm 2023, vẫn chưa có kênh nào sáng để có thể đầu tư. Bất động sản (BĐS) vẫn đang đóng băng, dù lượng giao dịch trên thị trường có cải thiện nhưng vẫn chưa chuyển biến tốt trên diện rộng. Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình giao dịch của thị trường chứng khoán (TTCK) có tăng nhưng vài tuần gần đây, thanh khoản đã bắt đầu sụt giảm.

Các chuyên gia cho rằng việc giá vàng tăng quá cao gây rủi ro cho nhà đầu tư (ảnh chụp tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận)
Các chuyên gia cho rằng việc giá vàng tăng quá cao gây rủi ro cho nhà đầu tư (ảnh chụp tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận)

Giá vàng trong nước hiện đang quá cao, chênh lệch quá nhiều so với giá vàng thế giới, điều này ảnh hưởng đến sức mua, tạo rủi ro cao cho nhà đầu tư. Ngoại tệ có thể giúp nhà đầu tư sinh lời nhưng việc mua bán phải thực hiện đúng quy định, đúng mục đích qua hệ thống ngân hàng. Với kênh tiết kiệm, dù lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng chỉ còn từ 2,8 - 3,2%/năm, kỳ hạn 12 tháng chỉ còn từ 5 - 6%/năm, nhưng đây vẫn là kênh sẽ thu hút nhiều dòng tiền nhất với nhiều lý do an toàn, có khả năng sinh lời. Một bộ phận nhà đầu tư không còn nhiều tiền (do đang kẹt vốn vào bất động sản, thua lỗ chứng khoán thời gian qua), chưa dám đầu tư vào các kênh khác, lo ngại tình hình kinh tế còn khó khăn trong thời gian tới nên thắt chặt chi tiêu và muốn gửi tạm vốn vào kênh ngân hàng. 

Trong dài hạn, dòng tiền sẽ vẫn chảy vào TTCK và BĐS. Dù thanh khoản của TTCK giảm mạnh nhưng vẫn sẽ có đợt sóng mới, tạo cơ hội mua vào. Với BĐS, Chính phủ đang thực hiện nhiều giải pháp giúp phục hồi thị trường theo hướng phát triển lành mạnh, hướng đến nhu cầu thực. Tuy nhiên các nhà đầu tư cần có cái nhìn dài hạn khoảng 5 năm, còn nếu chỉ đặt mục tiêu sinh lợi ngắn hạn thì không nên chọn 2 kênh này. 

Một số người cho rằng, trong bối cảnh các kênh đầu tư ở Việt Nam không còn hấp dẫn, có thể nghiên cứu chuyển tiền ra nước ngoài để mua trái phiếu Chính phủ Mỹ, gửi tiết kiệm ngân hàng… Tuy nhiên theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, hướng đầu tư này không khả thi. Việc chuyển tiền chính thức ra nước ngoài phải có mục đích hợp pháp như du học, du lịch, định cư, khám chữa bệnh. Nếu chọn chuyển tiền theo kênh không chính thống thì phải chịu rủi ro cao, phí chuyển tiền cao (khoảng 1,7%). Hiện chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và các nước trên thế giới không quá cao. Chẳng hạn tại Mỹ, lãi suất tiền gửi cao nhất từ 4,75 - 5%/năm, tương đương với Việt Nam.  

Theo tiến sĩ Huỳnh Trung Minh - Giám đốc Khối ngân hàng bảo hiểm, Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TPHCM (HDBank) - nhà đầu tư có thể chọn kênh TTCK (trái phiếu) và BĐS. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ phối hợp với Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, giúp tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, thị trường trái phiếu có dấu hiệu phục hồi. Trong tháng 8/2023 có 30 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, trong đó nhóm ngành tổ chức tín dụng chiếm tỉ lệ lớn. Giá trị trái phiếu được mua lại trước hạn từ đầu năm đến nay đạt 169.840 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước và nhóm ngân hàng dẫn đầu về giá trị mua lại. Khi đầu tư kênh này, nên chọn sản phẩm đã được niêm yết trên sàn. 

Theo ông Huỳnh Trung Minh, hiện thị trường BĐS chưa “tan băng” nhưng nếu có sản phẩm tốt, nhà đầu tư có sẵn nguồn tiền hoặc chỉ phải vay ngân hàng dưới 50% thì vẫn có thể đầu tư. Tỉ lệ phân bổ vốn hiện nay nên là 1/3 vào trái phiếu và 2/3 vào BĐS. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI